Chú ý đến công tác tư tưởng, quan tâm hơn nữa đến công tác cán bộ nữ, định hướng công tác giáo dục - đào tạo, phát triển đô thị, xây dựng văn minh đô thị, văn hóa cơ sở… là những vấn đề mà đại biểu dự Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ X nhiệm kỳ 2015-2020 quan tâm đề cập một cách tâm huyết, đầy trách nhiệm.
* Đại biểu NGUYỄN HỮU CHÍ, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Bàu Bàng: Cần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tư tưởng
Bàu Bàng là huyện mới được thành lập. Để lãnh đạo thực hiện thắng lợi nghị quyết của Đảng bộ huyện giai đoạn 2014-2015 đề ra, Đảng bộ huyện đã tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tư tưởng của cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ. Bởi Đảng bộ huyện xác định có làm tốt công tác tư tưởng, công tác xây dựng Đảng, sẽ tạo sự thống nhất cao trong toàn Đảng bộ và sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân, góp phần quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng bộ đã đề ra.
Tham dự đại hội lần này, tôi mong muốn thời gian tới, Đảng bộ tỉnh cần đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” gắn với việc thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Đặc biệt, để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về tư tưởng, đạo đức trong xã hội, qua việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tỉnh nên nghiên cứu chỉ đạo thực hiện tốt hơn nữa các bước “làm theo” tấm gương đạo đức của Bác. Tôi cũng đề nghị tỉnh cần nghiên cứu, đổi mới việc tổ chức học tập các nghị quyết của Đảng theo hình thức quán triệt, phổ biến các vấn đề về nhận thức, lý luận gắn với nghiên cứu, trao đổi, thảo luận các vấn đề thực tiễn, tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động cách mạng của từng cán bộ, đảng viên.
* Đại biểu VÕ VĂN BÁ, Bí thư Thị ủy Tân Uyên: Phát triển đô thị gắn với thế mạnh của từng địa phương
Trong nhiệm kỳ qua, công tác quy hoạch, phát triển đô thị được tỉnh quan tâm chỉ đạo, rà soát, điều chỉnh phù hợp với tình hình phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh; được Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh đến năm 2025; đã hoàn thiện quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết các đô thị, các xã. Bình Dương đã xây dựng lộ trình phát triển để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2020. Đây là chiến lược đúng đắn, phù hợp với xu hướng phát triển của tỉnh.
Cùng với lộ trình chung đó, các huyện, thị, thành phố cũng phải xây dựng các bước nâng cấp đô thị phù hợp với lộ trình chung như trên, phải tính toán các bước nâng cấp đô thị cho phù hợp. Tỉnh cũng đã tập trung cho việc nâng cấp đô thị: TP.Thủ Dầu Một đã đạt tiêu chí đô thị loại II; TX.Thuận An, Dĩ An đang thực hiện thủ tục đề nghị công nhận đô thị loại III; TX.Bến Cát và TX.Tân Uyên được công nhận đạt tiêu chí đô thị loại IV. Theo tôi, trong thời gian tới, tỉnh cần tính toán đưa ra các lộ trình cụ thể hơn, cũng như xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp với thế mạnh của từng địa phương để các địa phương chủ động bố trí, phát huy được các nguồn lực cho hợp lý, từ đó xây dựng Bình Dương trở thành đô thị văn minh, hiện đại.
* Đại biểu NGUYỄN THỊ THU HỒNG, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh: Quan tâm hơn nữa đến công tác cán bộ nữ
Thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền trong tỉnh luôn quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho các tầng lớp phụ nữ trong tỉnh phát triển toàn diện. Công tác phụ nữ nói chung, công tác cán bộ nữ nói riêng luôn được quan tâm rất sâu sát, thể hiện trong công tác quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng, bổ nhiệm cán bộ nữ ngày càng nhiều vào các chức danh lãnh đạo ở các cơ quan của Đảng, Nhà nước, nhất là việc tăng tỷ lệ nữ tham gia vào cấp ủy Đảng các cấp nhiệm kỳ 2015-2020 chiếm tỷ lệ khá cao. Nhìn chung, khi được quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm, hầu hết cán bộ nữ luôn ý thức nâng cao tinh thần trách nhiệm, phát huy năng lực, trí tuệ trong từng lĩnh vực công tác, vượt qua khó khăn để vừa hoàn thành tốt vai trò ở gia đình, vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, qua đó góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của địa phương.
Tôi mong muốn nhiệm kỳ mới, Đảng bộ tỉnh cần có chiến lược cụ thể để xây dựng, đào tạo lực lượng cán bộ trẻ có trình độ, năng lực, đạo đức tốt vào làm việc tại các cơ quan đơn vị, hành chính nhà nước để đáp ứng nhu cầu giải quyết công việc hiện nay. Đồng thời, các ngành liên quan cần có chính sách phù hợp, tạo điều kiện cho mọi phụ nữ có nhu cầu được vay vốn phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, xây dựng gia đình hạnh phúc, ấm no.
* Đại biểu LÊ HỮU PHƯỚC, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch: Xây dựng văn minh đô thị, văn hóa cơ sở
Những năm qua, kinh tế Bình Dương có tốc độ tăng trưởng cao và ổn định, song song đó là sự phát triển nhanh chóng của đô thị. Kinh tế và đô thị phát triển đã mang lại cho người dân được hưởng thụ chất lượng cuộc sống tốt hơn, dịch vụ xã hội được đáp ứng ngày càng đầy đủ, người lao động có việc làm ổn định, thu nhập bình quân của người dân tăng lên. Không gian văn hóa, đời sống văn hóa tinh thần của cư dân đô thị ngày càng đa dạng, phong phú và có nhiều mặt chuyển biến rõ rệt theo hướng văn minh, hiện đại. Đối với xây dựng và phát triển đời sống văn hóa cơ sở, Bình Dương đã liên tục có đầu tư lớn cho việc xây dựng công trình thiết chế văn hóa cấp cơ sở. Đến nay, toàn tỉnh có 34/91 xã, phường có hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao; 34 xã, phường có thư viện và 45 xã có bưu điện văn hóa xã đang hoạt động; 100% khu phố, ấp của các xã, phường, thị trấn trong tỉnh có nơi sinh hoạt văn hóa. Ngoài ra, còn có sự đầu tư của doanh nghiệp và tổ chức cá nhân theo phương châm xã hội hóa.
Để phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới, ngành văn hóa - thể thao và du lịch cũng đã đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp xây dựng văn minh đô thị, văn hóa cơ sở hướng đến mục tiêu xây dựng tỉnh Bình Dương trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2020. Về xây dựng nếp sống văn minh đô thị sẽ xây dựng con người Bình Dương với những chuẩn mực đạo đức, lối sống, tác phong phù hợp với tiến trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, hiện đại hóa; xây dựng phong cách, nếp sống văn hóa đô thị phải từ sự nghiêm minh của chính quyền; tạo điều kiện cho người dân thực hiện văn minh đô thị. Ngành cũng chú trọng phát triển và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa, phong trào văn hóa văn nghệ quần chúng ở cơ sở; đa dạng hóa các loại hình hoạt động, tăng cường đưa các hoạt động văn hóa - văn nghệ, các đoàn nghệ thuật phục vụ nhân dân ở cơ sở. Ngành phấn đấu đến năm 2020, 100% huyện, thị xã, thành phố hoàn thành công trình thiết chế văn hóa - thể thao cơ bản; 70 - 80% xã, phường có thiết chế văn hóa - thể thao; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang...
* Đại biểu NGUYỄN HỒNG SÁNG, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo: Giáo dục - đào tạo sẽ tiếp tục phát triển theo hướng đổi mới căn bản, toàn diện
Tôi cơ bản đồng tình với các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của nhiệm kỳ 2015- 2020 mà Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ X đã đề ra. Có thể khẳng định, đây là hệ thống các quan điểm, định hướng nhất quán, xuyên suốt, sâu sắc và đầy đủ để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh thực hiện có hiệu quả quy hoạch phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao làm động lực chủ yếu, chú trọng tạo đột phá, góp phần sớm đạt mục tiêu Bình Dương trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Một trong những nội dung mà tôi thấy tâm đắc nhất là về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực - một trong 4 đột phá chiến lược để phát triển kinh tế- xã hội, cùng với đó là phát triển giáo dục nhằm nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài, góp phần bảo đảm an sinh, phúc lợi và công bằng, tiến bộ xã hội. Điều này đã khẳng định quan điểm nhất quán của Đảng là: “Con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển” và “Giáo dục - đào tạo là quốc sách hàng đầu”. Đây là định hướng quan trọng để ngành giáo dục và đào tạo tiếp tục phát triển theo hướng đổi mới căn bản, toàn diện và khẳng định được vai trò của mình trong sự nghiệp phát triển chung của tỉnh giai đoạn 2015-2020.
Trong nhiệm kỳ tới, trên cơ sở Nghị quyết 29 Trung ương, Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, từ Ban giám đốc sở đến lãnh đạo các cấp làm tốt công tác tham mưu với cấp ủy Đảng và chính quyền, kịp thời có biện pháp khắc phục những khó khăn, hạn chế, đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo; tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý cải cách hành chính; đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các hoạt động giáo dục - đào tạo từng cấp học; phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý…
Với những mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ và giải pháp mà đại hội đề ra, ngành giáo dục - đào tạo sẽ có cơ sở, điều kiện để thực hiện được những nhiệm vụ của mình. Tôi tin tưởng rằng, trong nhiệm kỳ tới, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, sự tham gia của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, sự nghiệp giáo dục - đào tạo của tỉnh sẽ có bước phát triển đột phá theo hướng đổi mới căn bản, toàn diện, tạo nguồn nhân lực có chất lượng phục vụ phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh trong giai đoạn 2015-2020, góp phần xứng đáng vào việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X.
NHÓM P.V