Nhìn lại chặng đường hơn 20 năm thu hút FDI tại Bình Dương: Bức tranh tổng thể qua hơn 20 năm

Cập nhật: 18-09-2012 | 00:00:00

Bài 1: Bức tranh tổng thể qua hơn 20 năm

Trong những năm qua, kinh tế Bình Dương tăng trưởng nhanh và mạnh. Thành công đó có sự đóng góp quan trọng của nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Bình Dương. Nhìn lại chặng đường hơn 20 năm thu hút FDI, có thể nói nguồn vốn này đã tạo ra những động lực quan trọng, từ đó tác động đưa kinh tế - xã hội Bình Dương phát triển vượt bậc, trở thành một trong những tỉnh có nền công nghiệp phát triển mạnh nhất nước và là điểm đến hấp dẫn trên bản đồ thu hút đầu tư của Việt Nam. 

Năm 2012, Bình Dương tiếp tục có thêm nhiều dự án FDI mới

Tăng về lượng, vượt về chất

Chỉ trong 8 tháng đầu năm 2012, Bình Dương thu hút 2,35 tỷ USD từ nguồn vốn FDI. Trong đó có 75 dự án đăng ký mới với tổng vốn hơn 1,5 tỷ USD và 81 dự án tăng vốn với 850 triệu USD.

Sau hơn 20 năm thu hút FDI, hiện Bình Dương là 1 trong 5 địa phương có vốn FDI cao nhất cả nước. Tính đến 31-8-2012, Bình Dương đã thu hút 2.093 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 17,12 tỷ USD, đứng vị trí thứ tư sau TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đồng Nai. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong tổng số dự án FDI nói trên, lĩnh vực công nghiệp thu hút số dự án và số vốn đầu tư lớn nhất với 2.060 dự án, chiếm 92,7% trên tổng số dự án và chiếm 71,6% về vốn đầu tư đăng ký với 10,650 tỷ USD. Bên cạnh đó, trong những năm gần đây Bình Dương đã thu hút một số dự án với quy mô vốn đầu tư lớn vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản với 18 dự án và chiếm 15,58% tổng vốn đầu tư, có 2 dự án với tổng vốn đầu tư trên 1 tỷ USD. Các dự án dịch vụ đã bắt đầu thâm nhập thị trường, chiếm 1,08% số dự án và 3,43% tổng vốn đầu tư. Lĩnh vực dịch vụ - xây dựng chiếm 4,86% tổng vốn đầu tư. Lĩnh vực, lâm nghiệp chỉ chiếm 0,72% số dự án và 1,18% tổng vốn đầu tư...

Ông Lê Việt Dũng, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho biết đến nay đã có hơn 36 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Bình Dương; hiện đã có nhiều tập đoàn, công ty đa quốc gia có năng lực về tài chính và công nghệ cao đầu tư vào Bình Dương. Số lượng dự án FDI đầu tư vào Bình Dương giai đoạn từ năm 1989-2011, Đài Loan có đến 758 dự án (chiếm 34,13% tổng số dự án), dẫn đầu về số dự án với tổng vốn đầu tư là 3,784 tỷ USD. Đa số các dự án của Đài Loan là các dự án vừa và nhỏ, trung bình một dự án khoảng 5 triệu USD nên ít bị ảnh hưởng khi có sự cố tài chính, dễ chọn lựa và thuê mướn nhân công, đầu tư nhanh, sinh lời nhanh. Chủ trương của các chủ đầu tư Đài Loan ban đầu là đầu tư với số vốn ít, sau đó tùy theo tình hình hoạt động sản xuất - kinh doanh mà có quyết định tăng hay giảm vốn đầu tư. Đứng thứ 2 về số dự án là các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc với 495 dự án, vốn đầu tư 1,747 tỷ USD, vốn đầu tư trung bình của một dự án là 3,3 triệu USD. Đáng chú ý là các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, đến nay tuy chỉ có 171 dự án nhưng tổng vốn đầu tư hơn 3,1 tỷ USD. Con số này đã đưa Nhật Bản trở thành quốc gia có vốn đầu tư lớn thứ hai vào tỉnh. Tuy số dự án thấp nhưng Nhật Bản lại có vốn đầu tư cao nên vốn đầu tư trung bình của một dự án hiện nay hơn 18 triệu USD/dự án. Ngoài ra, Singapore, Malaysia, Hồng Kông cũng là những nhà đầu tư có số vốn đầu tư khá cao. Quy mô trung bình của mỗi dự án là 13 triệu USD, chủ yếu đầu tư vào các ngành công nghiệp gốm sứ, điện, điện tử, may mặc, sản xuất trang thiết bị, phụ tùng xe hơi...

Bên cạnh các quốc gia châu Á có số dự án đầu tư lớn vào Bình Dương còn có các dự án của các nhà đầu tư châu Âu và Bắc Mỹ với số dự án cũng như vốn đầu tư ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong tổng lượng vốn đầu tư FDI vào Bình Dương. Các nước này khi đầu tư vào Bình Dương đã đem đến một luồng sinh khí mới về công nghệ hiện đại và phương thức quản lý tiên tiến, góp phần vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh nhà.  

Đầu tư đúng quy hoạch

Theo ông Lê Việt Dũng, phần lớn các dự án FDI trên địa bàn tỉnh đều được bố trí vào các KCN hoặc các cụm quy hoạch phát triển sản xuất công nghiệp theo đúng quy hoạch. Các địa phương có quy hoạch tốt như TX.Thuận An, TX.Dĩ An và huyện Bến Cát chiếm đến 64,24% tổng số dự án và 66,50% về vốn đầu tư. Các dự án ở đây chủ yếu đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp và tập trung tại các KCN Sóng Thần 1, Sóng Thần 2, Bình Đường, Đồng An, VSIP 1, Mỹ Phước 1, Mỹ Phước 2, Mỹ Phước 3, Bàu Bàng... Với lợi thế về vị trí địa lý là nằm cạnh các tỉnh, thành như TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu nên các địa phương này rất thuận lợi trong việc thu hút dự án vì gần nguồn nguyên liệu, thị trường tiêu thụ sản phẩm; hơn nữa có hệ thống giao thông được nâng cấp và hoàn thiện tạo điều kiện cho lưu thông hàng hóa được dễ dàng. Vì vậy, TX.Thuận An, TX.Dĩ An và Bến Cát là các địa phương có vai trò quan trọng trong việc thu hút FDI vì phần lớn nguồn FDI của tỉnh trong giai đoạn 1990-2011 tập trung vào lĩnh vực công nghiệp - dịch vụ.  

Sản xuất hàng hóa của doanh nghiệp FDI tại các khu công nghiệp

Các địa bàn còn lại như Tân Uyên, Dầu Tiếng, Phú Giáo cũng thu hút được số vốn FDI khá cao (chiếm trên 16% về số dự án và vốn đầu tư) trong giai đoạn 1990-2006. Nguồn FDI đầu tư vào các địa phương này chủ yếu cho lĩnh vực nông nghiệp, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông sản thực phẩm... có lợi thế về vùng nguyên liệu. Giai đoạn 2006 đến nay, nguồn FDI đầu tư vào các địa phương này chủ yếu tập trung vào lĩnh vực chế biến gỗ, công nghiệp hỗ trợ...

Từ năm 1990 đến nay, thu hút FDI có sự thay đổi lớn, nhưng tăng mạnh nhất vẫn là từ năm 2006 đến nay, còn trước đó sức hút của Bình Dương (thuộc tỉnh Sông Bé cũ) không đáng kể, chỉ ngang với các tỉnh Long An, Kiên Giang và kém xa các “đại gia” như Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, càng không thể so sánh được với các “đầu tàu” lớn như TP.Hồ Chí Minh hay Hà Nội. Cụ thể, giai đoạn 1991-1995 Bình Dương chỉ có 382 triệu USD vốn FDI, chiếm 2,4% tổng vốn FDI của cả nước; giai đoạn 1996-2000 tăng lên 1,6 tỷ USD, chiếm 7,9% tổng vốn FDI cả nước. Chỉ 1 năm sau, Bình Dương có đến 558 dự án FDI với vốn đầu tư 2,9 tỷ USD. FDI vào Bình Dương tăng nhanh nhất vẫn là trong 10 năm trở lại đây, gấp 4 lần về số lượng dự án và gấp 6 lần về vốn đầu tư. Quy mô dự án cũng có nhiều thay đổi lớn, đạt mức trung bình khoảng 8 triệu USD/dự án, tăng bình quân trên 3 triệu USD/dự án so với trước đó. Nguyên nhân là do thời gian gần đây có một số dự án quy mô lớn đầu tư vào lĩnh vực bất động sản và hạ tầng cơ sở.

Kết quả thu hút FDI tại Bình Dương quả thật đáng tự hào, bởi xuất phát điểm là một tỉnh nông nghiệp, kết cấu hạ tầng còn nhiều hạn chế, nhưng nhờ nỗ lực của Đảng bộ và nhân dân, giờ đây Bình Dương đã trở thành một trong những tỉnh thu hút FDI đứng tốp đầu của cả nước. Thành quả ấy phản ánh thực tế về sự năng động của tỉnh, biết cách mời gọi, đón tiếp và giữ chân những “người bạn mới” bằng những hành động cụ thể. Nói như ông Hồ Minh Phương, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh: “Tại Bình Dương, mọi cánh cửa đều rộng mở. Các doanh nghiệp muốn trực tiếp gặp cán bộ của UBND tỉnh không có khó khăn gì. Tại hầu hết các lễ khai trương, động thổ các công trình lớn nhỏ, người ta có thể dễ dàng nhận thấy sự có mặt của lãnh đạo tỉnh. Và, họ cũng nhìn thấy sự thân thiện giữa các doanh nhân và giới chức trong tỉnh, thể hiện mối quan hệ chân thành để cùng nhau làm giàu cho Bình Dương”. Ý kiến của vị lãnh đạo tỉnh một thời đã khái quát hết toàn cảnh sự thân thiện trong hợp tác, cởi mở trong quan hệ và có trách nhiệm để bạn bè khắp thế giới biết đến Bình Dương và chọn lựa đầu tư vào Bình Dương. Điều này cũng giúp lý giải vì sao nguồn vốn FDI đổ vào Bình Dương tăng nhanh đến vậy! 

Ông ĐỖ NHẤT HOÀNG, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ KH-ĐT: “Bình Dương luôn nằm trong tốp đầu của cả nước về thu hút FDI...”

Trong nhiều năm qua, chúng tôi rất tin tưởng Bình Dương trong lĩnh vực thu hút FDI, vì Bình Dương luôn nằm trong tốp đầu của cả nước về thu hút FDI. Bình Dương có cách làm bài bản nên kết quả đã phản ánh đúng thực tiễn. Trong 8 tháng đầu năm nay, cả nước thu hút được hơn 8 tỷ USD vốn FDI thì Bình Dương đã chiếm hơn 2,3 tỷ USD, bằng 25% của cả nước. Điều đó tiếp tục phản ánh cách làm tốt của Bình Dương và tôi tin tưởng rằng, với cách làm này thì năm nay và những năm tiếp theo Bình Dương luôn luôn nằm trong tốp đầu của cả nước về thu hút đầu tư và đóng góp quan trọng cho nền kinh tế. Trong cơ cấu vốn đầu tư thì tỷ lệ vốn của nhà đầu tư tăng thêm của doanh nghiệp ngày một tăng, đấy là một một dấu hiệu tốt, bởi những nhà đã đầu tư rồi người ta rất hiểu, khi người ta mở rộng chứng tỏ là họ đã đặt tin tưởng vào Bình Dương.

Bài 2: Tác động từ thu hút FDI đến sự phát triển kinh tế

TRỌNG MINH

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên