Đã 60 năm tuổi Đảng, 80 năm tuổi đời, bác Nguyễn Minh Đức, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy vẫn luôn một lòng kiên trung với Đảng. Vào những ngày cả dân tộc nô nức hướng đến kỷ niệm 70 năm khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, được trò chuyện cùng bác, thế hệ hậu sinh như chúng tôi càng thêm tin tưởng, thêm mạnh mẽ để cống hiến sức mình gìn giữ nền độc lập dân tộc...
Nguyên vẹn ký ức ngày 23-9-1945
Cách đây không lâu, tôi đã được nghe bác Nguyễn Minh Đức kể về Mái trường lá mía đầy hào hùng một thời. Hôm nay, tôi lại tìm đến bác để ghi lại những ký ức đẹp và xúc động của những ngày này cách đây 70 năm, thời điểm khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Bác kể, ba bác là ông Nguyễn Văn Bồng (còn gọi là Sách), sinh sống tại Bến Cát. Thời Pháp thuộc, ông Nguyễn Văn Bồng từng phải đi lính cho Pháp suốt 3 năm. Sau khi ra quân, ông Bồng trở về địa phương và âm thầm tập hợp lực lượng thanh niên nhằm tập luyện võ nghệ, bồi dưỡng kỹ thuật quân sự để sẵn sàng ứng phó giành lại chính quyền khi thời cơ chín muồi.
Bác Nguyễn Minh Đức trò chuyện với tác giả về những tháng ngày hào hùng cách đây 70 năm
“Hồi đó tôi chỉ 10 tuổi, nhưng tôi vẫn nhớ như in bầu không khí vô cùng sôi sục của nhân dân ta. Nhà nhà vót tầm vông, chuẩn bị sẵn sàng tham gia cướp chính quyền. Bấy giờ với nhân dân ta, cây tầm vông như vũ khí lợi hại nhất mà dễ tìm. Nhà nào cũng chuẩn bị sẵn sàng khi cần đến. Hồi đó tại địa phương có một cái gò và cả cánh đồng rất lớn. Thanh niên trong làng chẳng cần ai bảo ai, chiều chiều là vác tầm vông ra gò luyện tập hăng hái, nghiêm túc, lòng sục sôi khí thế chờ ngày giành lấy chính quyền…”, bác Nguyễn Minh Đức nhớ lại.
Bác Đức không nhớ chính xác ngày giành lấy chính quyền ở Bến Cát là ngày nào. Nhưng với bác, ngày 23-9-1945 là một cột mốc không thể quên. Đó là ngày mà thanh niên, nông dân, công nhân… huyện Bến Cát rầm rầm xuống đường biểu dương lực lượng sau khi đã giành được chính quyền về tay mình, chỉ ít ngày sau khi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn khai sinh đất nước. Bác Đức còn kể cho tôi nghe cái cảm giác của ngày được thoát khỏi ách đô hộ, ngày được giải phóng cho chính mình, giải phóng quê hương. Khi ấy, cậu bé Đức mới chỉ 10 tuổi, nhưng trong gia đình bác có cha và 4 người anh, trong đó có anh Nhơn chỉ 12 tuổi, đều tham gia đấu tranh, cướp chính quyền từ bọn tay sai.
Cả gia đình tham gia làm cách mạng
Có sống trong cảnh nước mất nhà tan thì mới biết nỗi khát khao của tự do lớn đến nhường nào. Chính sự khát khao đó góp phần sinh ra những người con anh dũng, sẵn sàng hiến thân cho độc lập dân tộc. Bác Đức kể, hồi đó, chẳng phải ai bảo ai, hễ nhà nào còn thanh niên có sức khỏe là tự nguyện tham gia luyện tập, chuẩn bị lực lượng sẵn sàng cho ngày lật đổ chính quyền tay sai. “Phải nói rằng việc vận động quần chúng lúc bấy giờ hay quá. Phong trào đấu tranh rầm rộ hơn bao giờ hết. Sau khi giành được chính quyền, hội quán thanh niên được thành lập. Một chòi gác được lập ra trên ngọn cây lộc vừng có gốc rất lớn. Thanh niên thay phiên canh gác, quan sát tình hình từ chốt này”, bác Đức nhớ lại.
Năm 1947, khi mới 12 tuổi, cậu bé Nguyễn Minh Đức đã gia nhập Ủy ban Kháng chiến hành chánh huyện Bến Cát. Cũng trong năm này, hai người anh của bác Đức đang tham gia lực lượng quốc gia tự vệ, bị giặc bắt rồi giết cùng một lúc. Một năm sau, ba bác cũng bị bọn chúng bắt, dẫn vào rừng để yêu cầu chỉ điểm đồng đội nhưng ông không khai. Vậy là chúng treo ngược ba bác lên cây rồi bắn chết. Riêng anh Nhơn, vào Chiến khu Đ và làm Phó Bí thư thị xã Thủ Dầu Một, bị giặc bắt và đày ra Côn Đảo đến năm 1972. Sau khi trả tự do, anh Nhơn tiếp tục xuống đường đấu tranh, tham gia giải phóng thị xã, rồi trúng bom và hy sinh năm 1974.
Một lòng kiên trung
Những năm sau đó, biến nỗi đau tột cùng của sự mất mát người thân, Nguyễn Minh Đức trở nên kiên cường hơn, mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Bác nhớ, trận bão lụt năm 1952, một trong những trận lụt chưa từng có ở miền Nam, khiến tình hình đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Mặt trận Ủy ban Kháng chiến hành chánh huyện Bến Cát hoạt động rất khó khăn. Với quân số ban đầu từ 50 người chỉ còn lại 6 người. Song để “trả nợ nước, rửa thù nhà”, bác Đức quyết bám trụ, chiến đấu đến cùng. Năm 1954, thanh niên dân chính Đảng chuyển sang bộ đội, tập kết ra Bắc chuẩn bị lực lượng cho cuộc tổng tiến công. Nguyễn Minh Đức đã lên đường tập kết ra Bắc trong đợt này.
Sau giải phóng thống nhất đất nước năm 1975, bác vẫn một lòng tin tưởng vào lý tưởng của Đảng, nguyện cống hiến phần đời còn lại để xây dựng đất nước sau chiến tranh. Trong suốt quá trình làm việc, bác là một trong những người nói không với tiêu cực, tham nhũng. Ít ai biết rằng bác chính là một trong những cây bút sắc sảo trên báo Sông Bé - Bình Dương được bạn đọc đón nhận nhiệt tình.
Giờ đây, với 60 năm tuổi Đảng, 80 năm tuổi đời, nhưng tình yêu và niềm tin của bác Nguyễn Minh Đức đối với Đảng vẫn vẹn nguyên. Bác Đức nói rằng sự đóng góp của gia đình mình cho sự nghiệp cách mạng nước nhà, không phải là sự mất mát, mà chính là phần thưởng lớn giành cho con cháu sau này. Họ có quyền tự hào về truyền thống cách mạng của gia đình và cũng phải biết tiếp tục phấn đấu, cống hiến, xứng đáng với thế hệ cha anh đi trước.
SONG ANH (lược ghi)