Hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về, các anh “Bộ đội Cụ Hồ” lại đảm nhiệm trọng trách mới, trở thành những chiến sĩ trên mặt trận kinh tế để góp phần xây dựng quê hương Bình Dương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Ông Nguyễn Hữu Vận (thứ 3 từ trái qua) trao quà cho những hội viên CCB nghèo nhân lễ Vu Lan
“Người khác vui mình cũng vui”
CCB Nguyễn Hữu Vận từ lâu đã trở thành cái tên thân thuộc của người dân xã Phước Hòa, huyện Phú Giáo, bởi ông không chỉ làm kinh tế giỏi mà còn hết lòng giúp đỡ người khác, nhất là những người không may bệnh tật, khó khăn đột xuất. Ông Vận chia sẻ, trước đây ông cũng xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo khó ở vùng biển Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông ở lại vùng đất Phú Giáo lập nghiệp. Trong bối cảnh chung của đất nước, gia đình ông cũng gặp không ít khó khăn. Nhưng với bản chất “Bộ đội Cụ Hồ”, ông đã khai hoang lập rẫy, tích cực tăng gia sản xuất theo phương châm “lấy ngắn nuôi dài”. Đến nay gia đình ông đã có hơn 40 ha cao su, thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.
Khi kinh tế ổn định, ông Vận dành thời gian, tiền bạc cho công tác xã hội, từ thiện. Chỉ tính từ năm 2009 đến nay, gia đình ông ủng hộ gần 1,4 tỷ đồng cho công tác này. “Động lực để tôi làm việc thiện chính là người khác vui mình cũng vui”, ông Vận nói.
Vượt khó vươn lên
Trong cuộc sống ông Nguyễn Tuấn Hải (TX.Thuận An) trải qua nhiều thăng trầm. Ông xuất thân trong một gia đình bần nông, nhà có đến 10 anh, chị, em nhưng mẹ mất sớm; không có đất sản xuất, cha ông hàng ngày đi làm thuê nuôi các con khôn lớn.
Năm 1996, ông hoàn thành nghĩa vụ trở về địa phương, bắt đầu cuộc sống mới bằng nghề phụ hồ. Thấy ông chăm chỉ, ham học hỏi, đồng nghiệp không ngần ngại truyền nghề cho ông. Rồi ông lập gia đình, vợ chồng chí thú làm ăn. Sau nhiều năm tích lũy, ông lên xã Đất Cuốc, huyện Bắc Tân Uyên mua đất, mở trang trại chăn nuôi heo, gà, trăn... Dần dần cuộc sống gia đình ổn định. Không dừng lại ở đó, ông đứng ra thành lập Công ty TNHH MTV Nam Thanh Phong chuyên xây dựng nhà xưởng và nhà ở dân dụng. Nhờ biết tính toán và vững tay nghề nên mỗi năm đạt lợi nhuận 500 - 600 triệu đồng. Giờ đây, ông đã có cơ ngơi ổn định.
Ông Hải chia sẻ: “Thành công lớn nhất nghề này ngoài lợi nhuận là công ty đã giải quyết việc làm thường xuyên cho từ 50 - 70 lao động, trong đó đa số là con em của hội viên CCB. Giúp được đồng đội nên mình thấy rất vui”.
Giỏi việc nước, việc nhà
Ông Đoàn Công Hiếu (xã Long Nguyên, huyện Bàu Bàng) được đánh giá là người năng nổ, nhiệt tình với công tác địa phương và là một CCB làm kinh tế giỏi. Hiện nay, trang trại gà lạnh của ông là một trong những trang trại kiểu mẫu được nhiều người tìm đến tham quan, học hỏi mô hình.
Ông cho biết sau khi nghỉ hưu, ông bắt tay vào sản xuất kinh doanh, từ lãnh thầu thi công các công trình dân sinh đến khai hoang trồng cao su. Năm 2009, ông thấy chăn nuôi gà công nghiệp đem lại hiệu quả kinh tế cao nên mạnh dạn vay 1,7 tỷ đồng vốn ngân hàng để đầu tư xây dựng trại chăn nuôi. Hiện trang trại của ông chăn nuôi 16.000 con gà và tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động với mức lương hàng tháng trên 5 triệu đồng/ người. Từ mô hình này mỗi năm ông thu lợi nhuận 500 triệu đồng.
Không chỉ chăm lo làm ăn, ông Hiếu còn tích cực tham gia công tác tại địa phương. Hiện ông là Ủy viên Ban Chấp hành Hội CCB huyện Bàu Bàng, Phó Chủ tịch Hội CCB xã Long Nguyên và Bí thư Chi bộ ấp Long Hưng, xã Long Nguyên. Với công việc nào ông cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
• TIỂU LIÊN