Những điểm nhấn qua các kỳ đại hội - Bài 2 

Cập nhật: 18-09-2015 | 09:21:12

Bài 2: Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Sông Bé lần thứ II: Xây dựng công - nông - lâm nghiệp toàn diện

Đại hội (ĐH) đại biểu Đảng bộ tỉnh Sông Bé lần thứ II xác định phương hướng đi lên của tỉnh là: “Xây dựng thành một tỉnh công - nông - lâm nghiệp toàn diện” nhằm sớm cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, tăng nhanh nguồn xuất khẩu...

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Sông Bé khóa II Ảnh: T.LIỆU

ĐH đại biểu Đảng bộ tỉnh Sông Bé lần thứ II diễn ra từ ngày 26-12-1979 đến ngày 1-1- 1980, với 350 đại biểu tham dự, đại diện cho gần 5.000 đảng viên trong toàn tỉnh. Ông Nguyễn Văn Hữu, nguyên Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy cho biết, ĐH đại biểu Đảng bộ tỉnh Sông Bé lần thứ II đã đánh giá kết quả đạt được trong nhiệm kỳ trước là đã tạo ra sự thay đổi cơ bản bộ mặt ở nông thôn, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đồng bào bị địch kìm kẹp trước đây, vùng đồng bào đi xây dựng kinh tế mới. Tuy nhiên, ĐH đã thẳng thắn chỉ ra một số khuyết, nhược điểm trong nhận thức tư tưởng và tổ chức thực hiện của các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở. Đó là nhận thức chưa đầy đủ đường lối chung và đường lối phát triển kinh tế do Nghị quyết ĐH Đảng bộ toàn quốc lần thứ IV đề ra, nhất là nhận thức về nội dung bước đi ban đầu của thời kỳ quá độ; sự cần thiết tồn tại 5 thành phần kinh tế cũng như vấn đề cải tạo đi đôi với xây dựng; cải tạo để xây dựng và thúc đẩy sản xuất phát triển. Nhiều cơ sở Đảng, chính quyền các cấp chưa vận dụng đúng đắn đường lối của Đảng vào đặc điểm cụ thể của địa phương; chưa tập trung sức giải quyết nhu cầu về lương thực, làm hạn chế sự phát triển của các ngành nghề có thế mạnh...

Bên cạnh đó, bệnh quan liêu, cửa quyền, xa rời quần chúng, không chịu học tập, rèn luyện của một số cán bộ, đảng viên là một trong những nguyên nhân làm hạn chế kết quả lãnh đạo thực hiện các chỉ tiêu Nghị quyết ĐH đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ I đã đề ra. Trên cơ sở đó, ĐH đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ II, nhiệm kỳ 1980- 1982 xác định tiềm năng kinh tế của tỉnh phong phú, đa dạng, có thế mạnh về phát triển trồng và chế biến lương thực, chăn nuôi, lâm nghiệp, cây công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp. Vì vậy, ĐH xác định phương hướng đi lên của tỉnh Sông Bé là: “Xây dựng thành một tỉnh công - nông - lâm nghiệp toàn diện” nhằm sớm cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, tăng nhanh nguồn hàng xuất khẩu, làm tốt nghĩa vụ đối với Nhà nước.

Theo đó, ĐH đề ra 5 nhiệm vụ cụ thể phải hoàn thành. Đó là đẩy mạnh sản xuất lương thực và thực phẩm, nhất là màu lương thực bao gồm mì, bắp, cao lương, khoai lang, giong riềng và chăn nuôi heo, trâu, bò, gà, cá nhằm bảo đảm bằng được những định lượng cung cấp theo chế độ trong khu vực tập thể, quốc doanh và có dự trữ. Vì vậy, phải tạo mọi điều kiện chế biến màu bằng nhiều hình thức từ thủ công đến cơ giới để đưa màu vào bữa ăn chính của nhân dân và cán bộ, công nhân viên, bộ đội. Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Phạm Văn Đồng ngày 14-11-1979 là: “Sông Bé phải đi đầu về chế biến màu và làm cho bữa ăn ngày càng văn minh; làm cơ sở để phát huy các thế mạnh về chăn nuôi, nghề rừng, cây công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp truyền thống của tỉnh. Đồng thời bảo đảm hậu cần tại chỗ phục vụ tốt an ninh và quốc phòng”.

Phát động một cao trào trong nhân dân sản xuất ra nhiều hàng tiêu dùng, bằng cách tận dụng tất cả năng lực sản xuất của các thành phần kinh tế quốc doanh, tập thể, cá thể và tư sản dân tộc. Mục đích để cải thiện đời sống về các mặt: ăn, ở, học hành, đi lại và chữa bệnh của nhân dân. Song song đó, động viên nhân dân làm tốt công tác nghĩa vụ xuất khẩu đối với Nhà nước và địa phương với khả năng hiện có trong tỉnh tăng lên gấp 2,5 lần năm 1979.

Phát động rộng rãi quần chúng tiếp tục đấu tranh chống tiêu cực trong nội bộ và ngoài xã hội với yêu cầu là sớm ngăn chặn và đẩy lùi những tệ nạn; tiếp tục xác lập quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động trong việc xây dựng kế hoạch, sản xuất và phân phối vật tư, hàng hóa tại cơ sở, xây dựng HĐND và đoàn thể quần chúng các cấp làm đúng chức năng là tổ chức đại diện của dân. Nhân dân được quyền chất vấn và các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm trả lời những vấn đề thuộc quyền làm chủ tập thể của quần chúng.

ĐH đề ra mục tiêu phấn đấu là: khai hoang 22.000 ha, lương thực 350.000 tấn quy lúa (198.000 tấn màu lương thực), đưa bình quân lương thực lên 530kg/người; heo 200.000 con, sản lượng 6.250 tấn thịt cá, trồng 6.000 ha mía, rừng (trồng 400 ha và 2,5 triệu cây phân tán, khai thác 15.400m3 gỗ), cao su chế biến 4.500 tấn; xuất khẩu đạt 30 triệu đồng; học sinh các cấp có 160.000 em đến trường; xây dựng bệnh viện, bệnh xá từ tỉnh đến xã đạt 2.635 giường bệnh...

Trên cơ sở sản xuất được phát triển, đời sống của nhân dân tiếp tục được ổn định, quyền làm chủ của nhân dân ngày càng phát huy và tinh thần nâng cao cảnh giác cách mạng, sẵn sàng đánh bại mọi âm mưu phá hoại của kẻ thù và chiến đấu bảo vệ Tổ quốc trong mọi tình huống. Nghị quyết ĐH cũng đã chỉ rõ một số biện pháp chủ yếu để thực hiện các mục tiêu như kế hoạch phải xuất phát từ tình hình thực tế, chú trọng phân vùng chuyên canh và thâm canh, cải tạo tổ chức lại sản xuất theo nguyên tắc: “Tự nguyện, cùng có lợi và quản lý dân chủ”, khuyến khích các mục tiêu thành phần kinh tế (kể cả tư sản dân tộc), nhanh chóng khôi phục các cơ sở sản xuất cũ, xây dựng thêm cơ sở sản xuất mới; từng bước xây dựng huyện thành đơn vị quản lý ngân sách toàn diện, là địa bàn tiến hành đồng thời 3 cuộc cách mạng ở nông thôn.

Đặc biệt, Nghị quyết nhấn mạnh đến công tác xây dựng Đảng, xác định xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh là nhân tố quyết định thắng lợi Nghị quyết của ĐH Đảng bộ tỉnh lần thứ II đề ra. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Sông Bé nhiệm kỳ II là 45 đồng chí, gồm 43 ủy viên chính thức và 2 ủy viên dự khuyết. Đồng chí Đỗ Văn Nuống, Ủy viên Trung ương Đảng tiếp tục được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy; đồng chí Lê Văn Thâm là Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; đồng chí Nguyễn Văn Luông là Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh. Đến ngày 7-5-1980, đồng chí Đỗ Văn Nuống chuyển về Tổng cục Cao su, đồng chí Nguyễn Văn Luông được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy và đồng chí Nguyễn Như Phong được bầu làm Phó Bí thư Tỉnh ủy.

Ông Nguyễn Văn Hữu cho biết, ĐH lần thứ 2 của tỉnh Sông Bé đánh dấu bước trưởng thành của Đảng bộ trong việc thực hiện vai trò lãnh đạo sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa trên phạm vi cả tỉnh. Đó là quá trình tìm tòi tổng kết thực tiễn, đề ra bước đi sát hợp về cơ cấu kinh tế và cơ chế quản lý phù hợp với điều kiện cụ thể của đất nước đang ở chặng đường đầu tiên của thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội. Sau ĐH, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và Ban Thường vụ đã tổ chức nhiều hội nghị tiếp tục đi sâu đánh giá tình hình, đề ra nhiều chủ trương biện pháp cụ thể để chỉ đạo mọi hoạt động của tỉnh Sông Bé trong thời gian sau đó. (Còn tiếp)

THU THẢO

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1723
Quay lên trên