Bài 14: Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng Cộng sản Việt Nam
Đó là nội dung cơ bản của cuộc đấu tranh giai cấp gay go phức tạp nhằm giải quyết vấn đề “ai thắng ai” giữa giai cấp vô sản và giai cấp tư sản, giữa con đường xã hội chủ nghĩa và con đường tư bản chủ nghĩa. Cuộc đấu tranh là quá trình thực hiện kết hợp cải tạo với xây dựng, chính trị với kinh tế, hòa bình với bạo lực, thuyết phục với cưỡng bách, giáo dục với hành chính…
Muốn đưa sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa đến toàn thắng, điều kiện quyết định trước tiên là phải thiết lập và không ngừng tăng cường chuyên chính vô sản, thực hiện và không ngừng phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động. Trong đó, nắm vững chuyên chính vô sản là nắm vững đường lối của Đảng, tăng cường sự lãnh đạo của giai cấp công nhân, thực hiện và phát huy quyền làm chủ của tập thể nhân dân lao động, xây dựng Nhà nước vững mạnh để tiến hành 3 cuộc cách mạng về quan hệ sản xuất, khoa học kỹ thuật và tư tưởng văn hóa, xóa bỏ chế độ bóc lột, đập tan sự phản kháng của kẻ thù. Xây dựng chế độ làm chủ tập thể là xây dựng một xã hội trong đó người làm chủ là nhân dân lao động, có tổ chức mà nòng cốt là liên minh công nông, do giai cấp công nhân lãnh đạo.
Đoàn Chủ tịch Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng
Báo cáo đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ của kế hoạch phát triển kinh tế và văn hóa (1976-1980) nhằm 2 mục tiêu vừa cơ bản vừa cấp bách là bảo đảm nhu cầu của đời sống nhân dân, tích lũy để xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội. Muốn vậy, phải ra sức thực hiện các nhiệm vụ: Phát triển vượt bậc về nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, giải quyết một cách vững chắc nhu cầu của cả nước về lương thực, thực phẩm và hàng tiêu dùng thông dụng, xây dựng thêm nhiều cơ sở mới về công nghiệp nặng, đặc biệt là cơ khí, mở mang giao thông vận tải, xây dựng cơ bản, đẩy mạnh khoa học kỹ thuật; sử dụng hết lực lượng lao động; hoàn thành cơ bản cải tạo xã hội chủ nghĩa ở miền Nam, củng cố quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, cải tiến mạnh mẽ công tác thương nghiệp, giá cả, tài chính, ngân hàng; tăng nhanh nguồn xuất khẩu; phát triển giáo dục, văn hóa, y tế, cải cách giáo dục, đào tạo cán bộ, thanh toán hậu quả của chủ nghĩa thực dân mới; xây dựng một hệ thống mới về quản lý kinh tế trong cả nước.
Về đối ngoại, Báo cáo nêu rõ trong giai đoạn mới, chúng ta cần ra sức tranh thủ những điều kiện quốc tế thuận lợi để nhanh chóng hàn gắn những vết thương chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế, phát triển văn hóa, khoa học - kỹ thuật, củng cố quốc phòng, cùng các nước xã hội chủ nghĩa, các dân tộc trên thế giới đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội, chống chủ nghĩa đế quốc. Trong quá trình làm việc, đại hội đã tập trung phân tích đánh giá tình hình thế giới và khẳng định mạnh mẽ chính sách đối ngoại nhất quán của Đảng và Nhà nước trong giai đoạn mới là tăng cường tình đoàn kết chiến đấu và quan hệ hợp tác với tất cả các nước xã hội chủ nghĩa, làm hết sức mình để góp phần làm cho lý tưởng cao đẹp của chủ nghĩa Mác - Lênin ngày càng thắng lợi rực rỡ. Ra sức bảo vệ và phát triển mối quan hệ đặc biệt giữa nhân dân ta với nhân dân Lào và Campuchia. Ủng hộ sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa của nhân dân các nước vì độc lập dân tộc, dân chủ, hòa bình và tiến bộ xã hội. Thiết lập và mở rộng quan hệ bình thường giữa nước ta với tất cả các nước khác trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền, bình đẳng cùng có lợi. Ra sức tranh thủ những điều kiện quốc tế thuận lợi để hàn gắn vết thương chiến tranh, phát triển đất nước về mọi mặt.
Về xây dựng Đảng, Báo cáo đã tổng kết công tác xây dựng Đảng và sửa đổi Điều lệ Đảng, nêu lên những thay đổi và nhiệm vụ chủ yếu của công tác xây dựng Đảng trong thời kỳ mới.
Trong Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng đã trình bày những kinh nghiệm tích lũy được trong mấy chục năm qua, xác định nhiệm vụ, phương châm và biện pháp công tác Đảng trong giai đoạn mới, bảo đảm cho Đảng làm tròn trách nhiệm lãnh đạo nhân dân cả nước tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa.
Đại hội quyết định đổi tên Đảng thành Đảng Cộng sản Việt Nam và thông qua Điều lệ mới của Đảng gồm có 11 chương và 59 điều. Điều lệ đã rút gọn 10 nhiệm vụ của đảng viên thành 5 nhiệm vụ, đặt lại chức vụ Tổng Bí thư thay chức Bí thư thứ nhất, quy định nhiệm kỳ của Ban Chấp hành Trung ương là 5 năm.
Sau một tuần làm việc khẩn trương, đầy trách nhiệm, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng đã thành công tốt đẹp và thu được những kết quả to lớn. Đại hội đã thông qua Nghị quyết đổi tên Đảng Lao động Việt Nam thành Đảng Cộng sản Việt Nam. Đại hội nhất trí hoàn toàn Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - văn hóa từ năm 1976 đến 1980, Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và sửa đổi Điều lệ Đảng.
Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng đã bầu Ban Chấp hành Trung ương gồm 101 ủy viên chính thức và 32 ủy viên dự khuyết. Bộ Chính trị gồm có 14 ủy viên chính thức và 3 ủy viên dự khuyết. Đồng chí Lê Duẩn được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. (Còn tiếp)
Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng nêu rõ: “Để thực hiện tốt chủ trương “vừa xây dựng kinh tế Trung ương, vừa phát triển kinh tế địa phương, kết hợp kinh tế Trung ương với kinh tế địa phương trong một cơ cấu kinh tế quốc dân thống nhất”, phải vận dụng đúng đắn nguyên tắc kết hợp quản lý và kế hoạch hóa theo ngành với quản lý và kế hoạch hóa theo địa phương và theo vùng lãnh thổ. Các bộ, tổng cục cần tích cực và chủ động lập kế hoạch toàn ngành, thống nhất quản lý toàn ngành trên những mặt chủ yếu, tác động mạnh mẽ và đúng đắn vào hoạt động của ngành ở địa phương. Các cấp tỉnh, thành phố cần chủ động lập kế hoạch, bao gồm phần kinh tế trực thuộc địa phương quản lý và phần nhiệm vụ của địa phương đối với kinh tế Trung ương trên địa bàn của tỉnh, thành phố. Trong kế hoạch của cấp tỉnh, thành phố, phải cân đối theo lãnh thổ về sức lao động, lực lượng xây dựng, vật liệu xây dựng, vận tải, điện, nước trong tỉnh, thành phố, lương thực, thực phẩm và hàng tiêu dùng bảo đảm đời sống của dân cư ở địa phương. Về đầu tư xây dựng cơ bản, phải kết hợp tốt và chặt chẽ kế hoạch đầu tư theo ngành với kế hoạch đầu tư ở từng địa phương, thực hiện nghiêm chỉnh việc các bộ, tổng cục cùng bàn bạc, thống nhất ý kiến với UBND các tỉnh, thành phố về những phần trong quy hoạch và kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản của ngành có liên quan đến các mặt đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội trong tỉnh, thành phố.
Với việc từng bước xây dựng huyện thành đơn vị kinh tế nông - công nghiệp, nội dung kế hoạch hóa ở cấp huyện có nhiều vấn đề rất mới đặt ra. Phải sớm xác định nội dung quản lý kinh tế và kế hoạch hóa ở cấp huyện để các huyện thực hiện được trách nhiệm của mình về sản xuất và tổ chức đời sống, chỉ đạo được việc xây dựng và thực hiện kế hoạch theo nội dung mới. Trong tương lai, kế hoạch Nhà nước phải được xây dựng và tổng hợp từ huyện lên.
Đi đôi với việc cải tiến công tác kế hoạch hóa ở các ngành, các cấp, phải chuyển biến mạnh mẽ công tác kế hoạch hóa ở đơn vị cơ sở. Hướng cơ bản là mở rộng hơn nữa quyền chủ động của xí nghiệp, thúc đẩy xí nghiệp hợp lý hóa sản xuất, cải tiến kỹ thuật, khai thác mọi khả năng tiềm tàng của mình, xí nghiệp có điều kiện thì xây dựng và thực hiện kế hoạch cao hơn mức kế hoạch Nhà nước, có lợi cho Nhà nước, cho xí nghiệp và cho người lao động”.
(Theo “Đảng và Hồ Chí Minh - cuộc song hành lịch sử”, NXB Lao Động năm 2013)