Chia sẻ bài viết lên facebook

Những mốc son lịch sử của Đảng qua các kỳ đại hội – Bài 20

Cập nhật: 31-03-2015 | 08:16:51

Bài 20: Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng Cộng sản Việt Nam

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng diễn ra từ ngày 24 đến 27-6-1991, tại hội trường Ba Đình, thủ đô Hà Nội. Dự đại hội có 1.176 đại biểu, thay mặt cho hơn 2 triệu đảng viên trong cả nước.

Đại hội VII là đại hội của trí tuệ - đổi mới, dân chủ - kỷ cương - đoàn kết; là đại hội lần đầu tiên thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đại hội một lần nữa khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc. Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản.

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng Cộng sản Việt Nam được tiến hành trong bối cảnh quốc tế và trong nước đang có những diễn biến phức tạp. Đó là những biến động đã và đang xảy ra trong các nước xã hội chủ nghĩa, sự tiến công nhiều phía vào chủ nghĩa xã hội, vào chủ nghĩa Mác - Lênin và Đảng Cộng sản, những âm mưu và thủ đoạn của các thế lực thù địch quốc tế hòng xóa bỏ chủ nghĩa xã hội hiện thực và sự hoang mang dao động trong một bộ phận lớn những người cộng sản trên thế giới đã tác động mạnh đến tư tưởng và tình cảm của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và nhân dân Việt Nam.

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng diễn ra từ ngày 24 đến 27-6-1991, tại hội trường Ba Đình, thủ đô Hà Nội

Đồng chí Võ Chí Công đọc Diễn văn khai mạc, diễn văn nêu rõ: Đảng ta thấm nhuần chủ nghĩa Mác - Lênin, tuyệt đối trung thành với lợi ích của giai cấp công nhân và của dân tộc, giữ gìn sự đoàn kết nhất trí trong Đảng. Đảng và nhân dân ta tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, quyết tâm thực hiện những mục tiêu của chủ nghĩa xã hội. Đó là sự lựa chọn duy nhất đúng.

Đồng chí Nguyễn Văn Linh đọc Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương về các văn kiện Đại hội VII. Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương do đồng chí Nguyễn Văn Linh đọc tại đại hội đã đánh giá việc thực hiện hơn 4 năm đổi mới trên các lĩnh vực đời sống xã hội, đề ra phương hướng, nhiệm vụ chủ yếu trong 5 năm (1991-1995).

Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương tại đại hội đã đánh giá việc thực hiện đổi mới trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, sau hơn 4 năm đưa Nghị quyết Đại hội VI vào cuộc sống. Công cuộc đổi mới đã đạt được những thành tựu bước đầu rất quan trọng. Đó là:

- Tình hình chính trị của đất nước ổn định.

- Nền kinh tế có những chuyển biến tích cực và đã đạt được những tiến bộ rõ rệt trong việc thực hiện các mục tiêu của 3 chương trình kinh tế, bước đầu hình thành nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận động theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, nguồn lực sản xuất của xã hội được huy động tốt hơn, tốc độ lạm phát được kiềm chế bớt, đời sống vật chất và tinh thần của một bộ phận nhân dân có phần được cải thiện.

- Sinh hoạt dân chủ trong xã hội ngày càng được phát huy.

- Quốc phòng được giữ vững, an ninh quốc gia được bảo đảm. Từng bước phá thế bị bao vây về kinh tế và chính trị, mở rộng quan hệ quốc tế, tạo ra môi trường thuận lợi hơn cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.

Bên cạnh những thành tựu, đất nước vẫn chưa ra khỏi khủng hoảng kinh tế, xã hội, công cuộc đổi mới còn những hạn chế, nhiều vấn đề kinh tế, xã hội nóng bỏng chưa được giải quyết.

Trên cơ sở đánh giá tình hình hơn 4 năm đổi mới, Đại hội lần thứ VII của Đảng đã rút ra 5 bài học kinh nghiệm bước đầu về đổi mới:

Một là, phải giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa trong quá trình đổi mới, kết hợp sự kiên định về nguyên tắc và chiến lược cách mạng với sự linh hoạt trong sách lược, nhạy cảm nắm bắt cái mới. Phải giữ vững tư duy độc lập và sáng tạo trong việc đề ra đường lối đổi mới phù hợp với đặc điểm tình hình của nước ta, đáp ứng đúng lợi ích và nguyện vọng của nhân dân. Điều kiện cốt yếu để công cuộc đổi mới giữ được định hướng xã hội chủ nghĩa và đi đến thành công là trong quá trình đổi mới, Đảng phải kiên trì và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, giữ vững vai trò lãnh đạo xã hội. Đảng phải tự đổi mới và chỉnh đốn, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của mình.

Hai là, đổi mới toàn diện, đồng bộ và triệt để, nhưng phải có bước đi, hình thức và cách làm phù hợp. Đổi mới là một cuộc cách mạng sâu sắc trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đồng thời trong mỗi bước đi lại phải xác định đúng khâu then chốt để tập trung sức giải quyết làm cơ sở đổi mới các khâu khác và lĩnh vực khác. Phải tập trung sức làm tốt đổi mới kinh tế, đáp ứng những đòi hỏi cấp bách của nhân dân về đời sống, việc làm và các nhu cầu xã hội khác, xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, coi đó là điều kiện quan trọng để tiến hành thuận lợi đổi mới trong lĩnh vực chính trị. Chính trị đụng chạm đến các mối quan hệ đặc biệt phức tạp và nhạy cảm trong xã hội, nên việc đổi mới trong hệ thống chính trị nhất thiết phải trên cơ sở nghiên cứu và chuẩn bị rất nghiêm túc, không cho phép gây mất ổn định chính trị dẫn đến sự rối loạn. Nhưng không vì vậy mà tiến hành chậm trễ đổi mới hệ thống chính trị, nhất là về tổ chức bộ máy và cán bộ, mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và các đoàn thể nhân dân, bởi đó là điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện dân chủ.

Ba là, phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần đi đôi với tăng cường vai trò quản lý của Nhà nước về kinh tế - xã hội.

Bốn là, tiếp tục phát huy ngày càng sâu rộng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, nhưng để phát huy dân chủ đúng hướng và đạt kết quả thì quá trình đó phải được lãnh đạo tốt, có bước đi vững chắc phù hợp với tình hình chính trị, xã hội nói chung. Có như vậy mới thực sự bảo đảm được quyền làm chủ của nhân dân, động viên toàn dân hăng hái xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Năm là, trong quá trình đổi mới phải quan tâm dự báo tình hình, kết hợp phát hiện và giải quyết đúng đắn những vấn đề mới nảy sinh trên tinh thần kiên định thực hiện đường lối đổi mới, tăng cường tổng kết thực tiễn và không ngừng hoàn chỉnh lý luận về con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Công cuộc đổi mới càng đi vào chiều sâu thì càng xuất hiện nhiều vấn đề mới liên quan đến nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội. Chỉ có tăng cường tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận thì công cuộc đổi mới mới trở thành hoạt động tự giác, chủ động và sáng tạo, bớt được sai lầm và bước đi quanh co, phức tạp.

Đại hội đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế, xã hội đến năm 2000; Báo cáo xây dựng Đảng và sửa đổi Điều lệ Đảng; Điều lệ Đảng (sửa đổi).

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội đã đánh giá tổng quát quá trình cách mạng Việt Nam và nêu lên những bài học kinh nghiệm lớn:

Một là, nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Hai là, sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Ba là, không ngừng củng cố, tăng cường đoàn kết; đoàn kết toàn Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế.

Bốn là, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh trong nước với sức mạnh quốc tế.

Năm là, sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu bảo đảm thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Cương lĩnh đã vạch rõ quan niệm của Đảng ta về chủ nghĩa xã hội mà nhân dân ta sẽ xây dựng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội trong thời kỳ quá độ để thực hiện mục tiêu của chủ nghĩa xã hội. Xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội:

- Do nhân dân lao động làm chủ.

- Có một nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu.

- Có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

- Con người được giải phóng khỏi áp bức, bóc lột, bất công, làm theo năng lực, hưởng theo lao động, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc; có điều kiện phát triển toàn diện cá nhân.

- Các dân tộc trong nước bình đẳng, đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ.

- Có quan hệ hữu nghị và hợp tác với nhân dân tất cả các nước trên thế giới.

Đại hội còn thông qua Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000.

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng đã bầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng gồm có 155 đồng chí ủy viên. Hội nghị lần thứ nhất của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VII) đã bầu Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng gồm 17 đồng chí. Đồng chí Đỗ Mười được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng. (Còn tiếp)

(Theo “Đảng và Hồ Chí Minh - cuộc song hành lịch sử”,

NXB Lao Động năm 2013)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=2129
Quay lên trên