Thầy giáo và thầy thuốc là 2 nghề cao quý được xã hội quý trọng. Có một nơi người thầy khoác trên mình 2 màu áo, vừa làm thầy thuốc chữa bệnh cho mọi người, vừa là người thầy đào tạo ra lớp người kế cận chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Nơi chúng tôi muốn nhắc đến, đó là trường Cao đẳng Y tế Bình Dương.
Một tiết thực hành trên mô hình của sinh viên khoa điều dưỡng trường Cao đẳng Y tế Bình Dương. Ảnh: A.SÁNG
Đặc thù của nghề thầy thuốc là chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Khi chẳng may bị ốm đau bệnh tật, người bệnh phó thác sinh mạng của mình cho bác sĩ. Để đem lại sự sống cho người bệnh, người thầy thuốc phải thường xuyên rèn luyện chuyên môn, y đức. Làm nghề y đã khó, làm người thầy trong ngành y càng khó hơn, vì phải dạy cho các em trở thành người thầy thuốc chăm sóc sức khỏe cho người bệnh. Do đó đòi hỏi người thầy trong ngành y phải có kỹ năng nghề nghiệp cao, muốn vậy người thầy phải tự rèn luyện để không chỉ dạy nghề cho học sinh mà còn dạy đạo đức, phải biết đối xử tử tế với người bệnh.
Với các thầy cô ở trường Cao đẳng Y tế Bình Dương, tất cả những giáo viên ở đây đều là bác sĩ. Và trước khi tham gia giảng dạy ở trường họ đều có thời gian công tác ở các cơ sở y tế. Bác sĩ Đào Thị Tâm, Trưởng phòng đào tạo cho biết: “Khi đã là thầy giáo giảng dạy ở trường, đồng thời chúng tôi vẫn tiếp tục tham gia điều trị ở bệnh viện. Y học ngày càng hiện đại, chúng tôi phải thường xuyên cập nhật những kiến thức mới, đi thực hành ở bệnh viện, học hỏi kinh nghiệm của các anh chị đi trước. Dù bận việc trường, việc ở bệnh viện, nhưng những thầy thuốc yêu nghề đã chịu khó đọc tài liệu, đổi mới phương pháp giảng dạy”. Để đào tạo ra những thế hệ thầy thuốc vững chuyên môn và có y đức, người thầy đã dạy cho học trò phải thương yêu người bệnh như người thân của chính mình, xem họ đau đớn như mình đau đớn, xứng đáng thầy thuốc như mẹ hiền. Do vậy, giáo viên luôn lồng ghép giáo dục đạo đức y học trong các buổi học cho học sinh, sinh viên.
Và để học trò vững tay nghề, tất cả giáo viên đều đưa học trò đến các cơ sở y tế để nâng cao năng lực thực hành của học sinh, sinh viên. Những em học ngành điều dưỡng, hộ sinh đều tham gia điều trị ở bệnh viện, còn sinh viên khoa dược phải đến công ty dược, khoa dược bệnh viện, các nhà thuốc lớn trong tỉnh, nhằm củng cố thêm những kiến thức thực tiễn cho các em. Ngoài ra, trong quá trình giảng dạy nhà trường luôn kết hợp với nhà tuyển dụng lao động để ứng dụng vào đào tạo cho học sinh phù hợp nhu cầu xã hội. Chia sẻ về nghề, thầy Nguyễn Bá Hải, Phó trưởng khoa dược, cho biết cùng với đào tạo chuyên môn, giáo viên còn giáo dục các em luôn đặt sức khỏe bệnh nhân lên hàng đầu, hướng dẫn người bệnh sử dụng thuốc an toàn, hợp lý, hiệu quả.
Trường Cao đẳng Y tế Bình Dương hiện có 119 người, trong đó có 2 tiến sĩ, 2 nghiên cứu sinh, 2 bác sĩ chuyên khoa II, 29 thạc sĩ/chuyên khoa I. Những người thầy vừa là thầy giáo vừa là thầy thuốc có y đức và chuyên môn vững vàng ấy đã và đang đào tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng, cung cấp cho các cơ sở y tế. Ban giám hiệu nhà trường nhìn nhận, các thế hệ nhà giáo, cán bộ, viên chức đã và đang nối tiếp nhau làm nên trang sử vẻ vang của nhà trường. Nhà trường ghi nhận những cống hiến to lớn của đội ngũ các thầy cô giáo đã và đang cống hiến cho sự nghiệp phát triển của trường.
Tiếp nối truyền thống dạy tốt của các thế hệ đi trước, với sự năng động và sáng tạo, làm việc trong điều kiện đổi mới và hội nhập, thế hệ những người thầy “2 trong 1” ngày nay đã nhanh chóng tiếp cận với thực tiễn và tri thức mới, quyết tâm đổi mới căn bản trong công tác đào tạo của nhà trường.
“Trong các thế hệ thầy cô giáo, có những người hoàn thành sự nghiệp vẻ vang, có những người đã đi hết gần cả cuộc đời với sự nghiệp đào tạo, nay đã đạt đến sự chín muồi về chuyên môn, tích lũy kinh nghiệm phong phú vẫn đang tiếp tục ngày đêm miệt mài, tâm huyết với nghề, gắn bó với nhà trường”.
(Tiến sĩ, bác sĩ Trần Văn Đáng, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Y tế Bình Dương)
A.SÁNG