Những nhà giáo tận tụy vì học sinh

Cập nhật: 20-11-2015 | 08:21:53

Dạy và học ở mỗi thời đại đều có những chuẩn mực khác nhau, thế nhưng quan trọng nhất vẫn là tình yêu thương giữa thầy lẫn trò. Ngày nay, với sự phát triển không ngừng của xã hội khiến mọi người đều phải không ngừng vươn lên học tập để biến ước mơ thành hiện thực. Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 năm nay đến với chúng tôi thật đặc biệt, bởi cảm xúc được mang lại từ những người “đưa đò” thầm lặng làm cho nghề giáo thêm trân quý hơn bao giờ hết.

 Cô Huỳnh Thị Xuân Trang: Học trò là nguồn cảm hứng để tôi đứng vững trên bục giảng

 

Cảm xúc dâng trào từ cô giáo trẻ Huỳnh Thị Xuân Trang, giáo viên dạy văn trường THCS Mỹ Phước (TX.Bến Cát) khi nói về học trò của mình đã làm chúng tôi xúc động. Thế nhưng, cuộc trao đổi cũng lấy lại sự tự tin bởi cô giáo trẻ đầy năng động, sáng tạo và một nụ cười duyên dáng thường trực trên môi. Qua 5 năm kinh nghiệm trong nghề, với Xuân Trang đây là những năm tháng đầy trân trọng. Mỗi năm qua đi là bao kinh nghiệm được thu về để làm thế nào tiết dạy của mình được các em tiếp thu nhanh nhất. Xuân Trang chia sẻ: “Yêu thích văn từ khi còn là học sinh (HS) và may mắn hơn đó là được tiếp thu kiến thức từ những người thầy đầy tâm huyết, nên khi được về với trường THCS Mỹ Phước tôi cùng với các thầy cô khác nỗ lực trong những cái áp lực rất riêng, bởi sự tâm huyết của trường là tạo nguồn HS giỏi, cho các em có một tương lai tươi sáng hơn. Tôi lại thích sự thử thách và năng động luôn tạo cho con người ta sự vận động không ngừng để cuộc sống ngày một tốt hơn…”.

Cô Trang chia sẻ thêm, sự năng động, sáng tạo, sống nhiệt tình đã được hình thành khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Suốt 12 năm phổ thông Trang luôn là HS giỏi được thầy cô yêu mến. Và sư phạm đến với cô cũng là cái duyên nên Trang phấn đấu không ngừng nghỉ từ chuyên môn đến tất cả các hoạt động phong trào trong suốt 3 năm học tại trường Cao đẳng Sư phạm Bình Dương. Vinh dự hơn, trước khi ra trường, cô Trang cũng đã kịp đứng chân vào hàng ngũ của Đảng đầy tự hào. Tốt nghiệp loại giỏi cũng là lợi thế để Trang được về phục vụ tại quê hương mình sinh sống - trường THPT Tây Nam. Ngay năm đầu tiên về trường, với sức trẻ đầy nhiệt tâm, sáng kiến kinh nghiệm bằng đề tài “Sửa lỗi chính tả cho HS THCS” mang về cho Trang giải B. Rồi năm thứ hai tại trường THCS Tây Nam danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở cũng đã đến với cô giáo trẻ yêu nghề.

Khi trường THCS Mỹ Phước thành lập, Trang được điều về đây tiếp tục sự nghiệp trồng người của mình. Để học trò yêu mến tiết học thì chính mình phải yêu mến và tạo sự gần gũi cho trò cùng hiểu và rồi các bài giảng cứ thế đi vào lòng những đứa học trò cưng một cách thú vị.

Cô Nguyễn Thị Kim Hồng, giáo viên cùng tổ văn - Mỹ thuật của trường nhận xét: “Trong chuyên môn, Trang luôn sáng tạo để văn không nhàm chán với học trò. Tuy không chủ nhiệm lớp nhưng bằng tình cảm, sự chan hòa với HS nên các em đến với bộ môn đầy vui vẻ ở từng bài học khác nhau…”.

 Cô Nguyễn Thị Kim Hạnh: Cánh chim không mỏi

Với ước mơ trở thành cô giáo để dạy cái chữ cho con em trong xóm Cù lao Rùa, cô Nguyễn Thị Kim Hạnh, giáo viên trường Tiểu học Thái Hòa A (TX.Tân Uyên) miệt mài học tập. Dù hoàn cảnh gia đình cô lúc ấy rất khó khăn, nhưng cô vẫn quyết tâm đeo đuổi ước mơ của mình. Và rồi ước mơ cô đã trở thành sự thật khi cô là giáo viên của trường Tiểu học Tân Định (Tân Uyên) vào năm 1996. Sau đó cô lập gia đình, chồng cô cũng là nhà giáo. Với đồng lương ít ỏi nhưng cô với thầy Hiếu - chồng cô vẫn cọc cạch trên chiếc xe đạp từ cù lao đến trường Tiểu học Tân Định hơn 30km để tiếp tục niềm đam mê của mình bên đàn em thân yêu.

Lương bổng giáo viên lúc bấy giờ rất thấp nên cuộc sống của gia đình cô hết sức chật vật và đầy khó khăn, ấy vậy mà cô vẫn bám lấy nghề mà cô hằng ấp ủ bấy lâu nay. Cô thường tâm sự với đồng nghiệp: “Tôi đã chọn và có được một cái nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý thì không vì bất cứ lý do nào tôi phải buông bỏ nghề này”. Vì lẽ đó, mặc dù đối mặt với cơm áo, gạo tiền cô chẳng những vẫn bám nghề và dù ở cương vị nào cô cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Trong chuyên môn cô luôn đi đầu trong phong trào thi giáo viên giỏi các cấp và trong năm học 2014-2015, cô đã được công nhận là giáo viên giỏi cấp tỉnh. Yêu nghề, cô Hạnh luôn tìm tòi, sáng tạo trong phương pháp giảng dạy và viết sáng kiến kinh nghiệm nhiều năm đạt giải cấp tỉnh. Với sự nỗ lực phấn đấu từng ngày, từng giờ không mệt mỏi cô thật xứng đáng khi được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở 7 năm liền và được UBND tỉnh tặng bằng khen.

Như một cánh chim không mỏi, cô Hạnh luôn mày mò học hỏi dưới mọi hình thức, mọi lúc, mọi nơi để nâng cao tay nghề nhằm dìu dắt đàn em thân yêu góp phần vào việc đào tạo thế hệ trẻ, nâng cao dân trí, xây dựng và phát triển ngành giáo dục. Cô Hạnh đã nghiên cứu cách soạn giảng thế nào để HS nắm được bài tốt hơn, cô là một tấm gương sáng trong nhà trường về tự học. Cô còn mua sách, tìm kiếm trên mạng về đặc điểm tâm sinh lý của HS tiểu học để giúp các em tiếp cận bài tốt hơn. Ngoài ra, cô còn tham gia thi đồ dùng dạy học tự làm, cô đã làm ra nhiều đồ dùng dạy học. Những đồ dùng đó được nhiều giáo viên áp dụng có hiệu quả và đã được công nhận trong phong trào thi đồ dùng cấp tỉnh, được chọn đi trưng bày tại triển lãm thành tựu GD-ĐT tỉnh 40 năm xây dựng và phát triển.

 Cô Võ Thị Trần Phương : Yêu nghề, nghề không phụ

 Chọn học ngành y nhưng khi tốt nghiệp cử nhân điều dưỡng trường Đại học Y dược TP.Hồ Chí Minh, cô Võ Thị Trần Phương lại thích đi dạy. Và cô đã chọn trường Cao đẳng Y tế Bình Dương để truyền đạt những kiến thức đã học được cho học trò.

Cô kể, sau khi tốt nghiệp cô có thời gian hơn 1 năm công tác ở một bệnh viện tại TP.HCM. Nhưng rồi ước mơ làm cô giáo từ thuở nhỏ đã trỗi dậy nên cô đã chọn lối rẽ khác. Và cũng chính thời gian làm việc ở bệnh viện đã giúp cô tích lũy kinh nghiệm, phục vụ cho việc giảng dạy hiện tại.

Hiện cô dạy môn điều dưỡng cơ sở. Hàng ngày cô hướng dẫn, giảng dạy lâm sàng, giảng dạy thực hành cho các lớp cử nhân điều dưỡng, trung cấp điều dưỡng, cử nhân nữ hộ sinh, y sĩ, cử nhân điều dưỡng liên thông. Cô chia sẻ, là giáo viên trực tiếp giảng dạy, cô luôn có ý thức tìm hiểu phương pháp dạy học hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin vào trong giảng dạy. Các môn cô giảng dạy HS hiểu bài, ứng dụng được vào chăm sóc người bệnh trong bệnh viện. Ngoài giảng dạy lý thuyết tại trường, cô còn đưa HS đến bệnh viện và hướng dẫn lâm sàng với tinh thần trách nhiệm cao, chưa xảy ra sai sót, kết quả HS lớp cô phụ trách đạt trình độ tay nghề và điểm cao.

Với đặc thù nghề nghiệp liên quan đến con người, nên ngoài dạy học trò vững về chuyên môn, cô Phương còn hướng dẫn các em chú ý trong giao tiếp với người bệnh vui vẻ, tận tình, quan tâm đến người bệnh. Với phương châm: “Bệnh nhân đến đón tiếp niềm nở, bệnh nhân ở chăm sóc tận tình”, cô đã khuyên nhủ học trò xem người bệnh như người thân, xem bệnh nhân đau đớn như mình đau đớn. Trong quá trình giảng dạy, cô luôn nhắc nhở học trò rèn luyện 12 điều y đức của ngành y.

Dù tuổi nghề chưa nhiều nhưng cô Phương đã thể hiện năng lực chuyên môn qua các kỳ thi giáo viên giỏi ngành trung cấp chuyên nghiệp các cấp. Năm học 2014-2015 là năm đầu tiên cô tham dự giáo viên dạy giỏi. Kết quả, cô đã đoạt giải nhì cấp tỉnh tại cuộc thi giáo viên dạy giỏi “Giải thưởng Võ Minh Đức”. Sau đó cô tiếp tục tự học, tự rèn để tham gia kỳ thi giáo viên giỏi cấp quốc gia. Ra biển lớn, cô không tham vọng đạt giải, chỉ muốn học hỏi kinh nghiệm từ các đồng nghiệp là chủ yếu. Nhưng nhờ vững chuyên môn, cô đã xuất sắc đoạt giải nhì cấp quốc gia. Với những thành tích trên, cô đã được UBND tỉnh tặng bằng khen, được vinh danh là giáo viên trẻ tiêu biểu.

 THÁI - DANH - ĐẠT

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên
X