Kết quả nổi bật từ phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi (NDSXKDG) trong tỉnh là nhiều nông dân từ khó khăn đã trở thành tỷ phú.
Làm giàu từ ý chí vượt khó
Khi nói đến bà Nguyễn Ngọc Diệp, ở khu phố 5, thị trấn Phước Vĩnh, huyện Phú Giáo, bà con ở khu phố ai cũng cảm phục ý chí vươn lên và sự cần cù trong lao động của bà. Trong giai đoạn 1996-2017, bà nuôi gà công nghiệp bằng trại lạnh số lượng 15.000 con, với hình thức gia công. Mỗi năm, trang trại gà mang lại cho bà lợi nhuận 400 triệu đồng.
Bà Nguyễn Ngọc Diệp đang thu hoạch hoa lan
Bà còn lấy phân gà ủ với men sinh học để bón cây cao su. Hiện gia đình bà có 20 ha cây cao su đang cho khai thác. Nhờ bón phân hữu cơ vi sinh nên cây phát triển tốt, ít bệnh, mủ nhiều, độ cao. Mỗi năm, cây cao su mang lại lợi nhuận trên 500 triệu đồng. Bà còn trồng 8.000m2 lan mokara và lan rừng, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Bà Diệp chia sẻ, thực hiện chủ trương sản xuất nông nghiệp ứng dụng khoa học - kỹ thuật cao, gia đình bà đã ứng dụng nhiều mô hình sản xuất, như chăn nuôi gà công nghiệp (trại lạnh), trồng cao su, trồng hoa lan, kinh doanh cá khô... những mô hình này đem lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện bà còn mở thêm dịch vụ kết hoa phục vụ lễ, tết, hội nghị, sự kiện…
Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, bà Diệp còn giải quyết việc làm ổn định cho 15 lao động và hơn 800 lượt lao động thời vụ tại địa phương. Bên cạnh đó, bà còn giúp đỡ 20 hộ có việc làm ổn định, vươn lên thoát nghèo.
Những năm qua, các mô hình kinh tế của bà mang lại thu nhập bình quân gần 2 tỷ đồng mỗi năm. Để có được kết quả này, bà Diệp cho biết ngoài nỗ lực của bản thân, gia đình bà còn được Nhà nước hỗ trợ về chính sách, vốn, khuyến nông, chuyển giao khoa học - công nghệ. Bà còn tích cực tham gia các phong trào tại địa phương, như đóng góp 20 triệu đồng, hơn 2.500m2 đất, 140 cây cao su để làm đường giao thông nông thôn…
Với những kết quả đó, trong những năm qua bà luôn đạt danh hiệu NDSXKDG nhiều năm liền.
Thành công nhờ dám nghĩ, dám làm
Với cách làm sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, ông Lê Văn Hòn, ở khu phố Tân Hội, phường Tân Hiệp, TX.Tân Uyên đã thành công với mô hình trồng nấm bào ngư, linh chi và nuôi bò sinh sản. Mỗi tháng, các mô hình này mang lại cho ông thu nhập trên 90 triệu đồng.
Trên diện tích 4.000m2, mô hình trồng nấm bào ngư, linh chi của ông đạt năng suất 20 tấn/ năm. Để có được kết quả này, ông đã mạnh dạn ứng dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, như sử dụng hệ thống tưới tự động giúp giảm chi phí nhân công, mang lại chất lượng sản phẩm cao. Bên cạnh đó, ông áp dụng mô hình sản xuất gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản, sản xuất thực phẩm sạch gắn với bảo vệ môi trường. Ông còn được hội nông dân tạo điều kiện đi tham quan, học hỏi các mô hình làm ăn hiệu quả ở các địa phương bạn; được tập huấn, tham gia hội thảo về cây con, cách phòng trừ, chăm sóc, trị bệnh trên cây nấm...
Mỗi tháng, gia đình ông Lê Văn Hòn thu về hàng chục triệu đồng từ nấm bào ngư, linh chi
Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Hòn còn hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, giải quyết nhiều việc làm cho người lao động ở nông thôn. Những năm qua, ông cùng gia đình luôn chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào thi đua, từ thiện tại địa phương.
Với những kết quả đạt được và đóng góp của mình, ông Hòn đã được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen vì đã có thành tích trong phong trào thi đua NDSXKDG năm 2017, được UBND tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2013-2018 cùng nhiều phần thưởng khác.
Khấm khá nhờ mạnh dạn ứng dụng sáng kiến
Chị Tăng Thị Hằng ở ấp Bàu Càm, xã An Long, huyện Phú Giáo là một trong những nông dân nổi bật trong phong trào xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Những năm qua, chị đã mạnh dạn ứng dụng các sáng kiến vào sản xuất, làm kinh tế gia đình.
Mô hình nuôi chim yến của chị đến nay đạt kết quả cao. Hiện gia đình chị có 5 nhà yến. Ngoài ra, gia đình chị còn thực hiện mô hình nuôi thỏ thả vườn, trồng sầu riêng. Hiện gia đình chị có hơn 10 ha đất, trong đó có 9 ha cao su, hơn 1 ha trồng các loại cây trồng khác kết hợp nuôi thỏ thả vườn. Mỗi năm, vườn cây, các mô hình kinh tế mang lại cho gia đình chị thu nhập hơn 1 tỷ đồng.
Chị Tăng Thị Hằng bên đàn thỏ nuôi của gia đình
Nhờ tiên phong, mạnh dạn ứng dụng khoa học - công nghệ trong trồng trọt, chăn nuôi nên đến nay gia đình chị Hằng đã vươn lên khá giả. Gia đình chị còn giúp đỡ nhiều gia đình còn khó khăn, hội viên nông dân vươn lên phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống. “Gia đình tôi bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho bà con còn khó khăn với hình thức bán trả chậm, không lãi suất hoặc bán thiếu cho đến khi thu hoạch mới trả tiền gốc cho gia đình”, chị Hằng cho biết.
Hiện gia đình chị đang giải quyết việc làm thường xuyên cho 17 lao động và gần 30 lao động thời vụ tại địa phương. Ngoài ra, với tinh thần “Lá lành đùm lá rách”, thời gian qua chị thường xuyên hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ vốn cho 25 hộ cận nghèo để họ có cơ hội vươn lên tạo dựng cuộc sống mới.
Với những việc làm ý nghĩa, thiết thực nói trên, từ năm 2014 đến 2018, chị Hằng đã 3 lần được UBND tỉnh tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào nông dân thi đua SXKDG và đạt danh hiệu NDSXKDG cấp tỉnh giai đoạn 2014-2016.
THOẠI PHƯƠNG - MINH DUY