Trên địa bàn tỉnh Bình Dương có 4 con sông, gồm: Sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, sông Thị Tính và sông Bé với tổng chiều dài 243 km, trong đó sông Đồng Nai tiếp giáp tỉnh Đồng Nai, sông Sài Gòn tiếp giáp TP.Hồ Chí Minh và tỉnh Tây Ninh. Hai tuyến sông Sài Gòn và Đồng Nai là sông cấp 3 (sông quốc gia) do Cục Đường sông Việt Nam quản lý; hai tuyến sông Thị Tính và sông Bé do địa phương quản lý.
Theo Sở Giao thông - Vận tải tính, đến cuối năm 2017, trên địa bàn tỉnh có 5 cảng hoạt động, bao gồm: Cảng Tổng hợp Bình Dương, cảng Thạnh Phước, cảng An Sơn, cảng Thế Giới Nhà và cảng Bà Lụa. 5 cảng này nằm trên tuyến đường thủy nội địa (ĐTNĐ) quốc gia do Cục ĐTNĐ Việt Nam công bố hoạt động.
Về bến thủy nội địa (BTNĐ), toàn tỉnh có 84 BTNĐ (sông Đồng Nai có 35 bến; sông Sài Gòn có 10 bến; sông Thị Tính có 19 bến; lòng hồ Dầu Tiếng có 16 bến...). Trong đó, Cảng vụ ĐTNĐ khu vực III quản lý nhà nước chuyên ngành các BTNĐ trên 2 tuyến sông Sài Gòn và sông Đồng Nai; Cảng vụ ĐTNĐ Bình Dương quản lý các BTNĐ trên sông Thị Tính và lòng hồ Dầu Tiếng... Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 20 bến khách ngang sông (sông Đồng Nai có 9 bến; sông Sài Gòn có 10 bến; sông Bé có 1 bến).
Lực lượng cảnh sát đường thủy kiểm tra một sà lan chở cát trên sông Sài Gòn
Theo Trung tá Tống Minh Sơn, Đội trưởng Đội Cảnh sát đường thủy, Phòng Cảnh sát giao thông - Công an tỉnh, trong năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018 (tính từ 16-11-2017 đến 15- 5-2018), thông qua công tác tuần tra, kiểm soát (TTKS), xử lý vi phạm, lực lượng cảnh sát đường thủy đã tuyên truyền, vận động người dân đi đò, các chủ bến đò ngang chấp hành nghiêm Luật Giao thông ĐTNĐ và trang bị đầy đủ các thiết bị cứu sinh, cứu đắm bảo đảm an toàn, thực hiện cuộc vận động của Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia về “Người đi đò phải mặc áo phao”, Luật Giao thông ĐTNĐ và Nghị định 132/2015/NĐ-CP của Chính phủ... Qua đó đã tuyên truyền cho gần 2.000 lượt người sống trên sông nước và ven sông, người điều khiển phương tiện thủy. Đồng thời trực tiếp tuyên truyền cho 173 chủ phương tiện làm nghề lưới cá trên sông không sử dụng xung điện đánh bắt thủy sản trên các tuyến sông. Yêu cầu các chủ bến đò ngang, 24 người điều khiển phương tiện đò ngang viết bản cam kết chấp hành Luật Giao thông ĐTNĐ, không chở quá số người quy định...
Với những nỗ lực này, trong năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018, tình hình trật tự, ATGT các tuyến sông trên địa bàn tỉnh diễn biến bình thường. Lưu lượng phương tiện hoạt động trên các tuyến giảm, các phương tiện vi phạm trật tự, ATGT đường thủy cũng giảm so với năm 2016... Tình hình an ninh trật tự trên các tuyến ổn định, không xảy ra tình trạng trộm, cướp hay bảo kê trên các tuyến sông cũng như tại các BTNĐ. Các bến đò ngang bảo đảm an toàn khi đưa khách qua sông.
Trong năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018, trên các tuyến sông Sài Gòn và Đồng Nai xảy ra 3 vụ tai nạn giao thông đường thủy và 1 vụ lật sà lan làm chìm 3 phương tiện; chết 5 người; thiệt hại một số tài sản...
Đáng chú ý là vụ tai nạn xảy ra vào lúc 1 giờ 50 phút ngày 18- 5-2018, tại bến sông (trên tuyến nhánh sông Đồng Nai - khu vực bơm cát trên trạm điện 500KV thuộc KP.Cây Da, phường Thạnh Phước, TX.Tân Uyên, tỉnh Bình Dương). Thời điểm này tàu đẩy BS ĐN - 1064 có 5 người trên tàu đang đi từ Biên Hòa (Đồng Nai) về TX.Tân Uyên, khi đang chuẩn bị cập bến khu vực bơm cát lên trạm điện 500KV thuộc KP.Cây Da thì sà lan bị lật úp và nhấn chìm tàu đẩy xuống nước. Hậu quả làm 3 người trên tàu tử vong...
Ngay sau khi nhận được thông tin về vụ tai nạn, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Trương Hòa Bình đã gởi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình các nạn nhân trong vụ tai nạn này và phân công Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng trực tiếp xuống hiện trường phối hợp với Ban ATGT, các cơ quan chức năng của tỉnh Bình Dương chỉ đạo xử lý, khắc phục hậu quả vụ tai nạn; thăm hỏi, hỗ trợ động viên gia đình các nạn nhân trong vụ tai nạn.
Trung tá Tống Minh Sơn cho biết thêm: Trong thời gian tới, đơn vị sẽ chủ động phối hợp với các cơ quan báo, đài, chính quyền địa phương và thông qua công tác TTKS để tăng cường công tác tuyên truyền Luật Giao thông ĐTNĐ và các văn bản có liên quan đến công tác bảo đảm trật tự, ATGT đường thủy cho chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện và các hộ sống ven các tuyến sông, góp phần nâng cao nhận thức về công tác bảo đảm trật tự, ATGT đường thủy. Đồng thời phối hợp các ngành có liên quan, chính quyền địa phương kiên quyết xử lý các hành vi lấn chiếm hành lang ATGT đường thủy.
Thông qua công tác TTKS, phát hiện kiến nghị những sơ hở, thiếu sót trong hệ thống phao tiêu, biển báo với các ngành chức năng khẩn trương bổ sung, sửa chữa, lắp đặt kịp thời nhằm bảo đảm ATGT đường thủy. Thường xuyên kiểm tra, bảo quản tốt công cụ, phương tiện sẵn sàng phục vụ khi có yêu cầu công tác, chiến đấu, chuẩn bị lực lượng, phương tiện, nhiên liệu bảo đảm ứng phó kịp thời khi có bão, lũ xảy ra. Tăng cường công tác TTKS, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm góp phần phòng ngừa không để xảy ra tai nạn giao thông đường thủy...
Trong 6 tháng đầu năm 2018 (tính từ ngày 16-11-2017 đến 15-5-2018), Đội Cảnh sát đường thủy (Phòng Cảnh sát giao thông - Công an tỉnh) đã tổ chức 128 ca TTKS trên các tuyến đường thủy với 460 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia. Qua đó, đã kiểm tra và lập biên bản 399 trường hợp vi phạm các lỗi như: Vận chuyển hàng hóa quá vạch mớn nước (60 trường hợp); không kẻ vạch dấu mớn nước an toàn (22 trường hợp); không bố trí đầy đủ tín hiệu (40 trường hợp); không bố trí đủ định biên thuyền viên (152 trường hợp); trang bị không đủ bình chữa cháy (125 trường hợp).
Lực lượng kiểm tra đã nhắc nhở 97 trường hợp do phương tiện đã bị lập biên bản của các đơn vị khác nhưng chưa khắc phục lỗi vi phạm; ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 328 trường hợp, nộp ngân sách Nhà nước hơn 242 triệu đồng.
BÌNH MINH