Suốt thời gian dài dịch bệnh Covid-19 diễn ra đã tác động tới tâm lý, hành vi mua sắm của người tiêu dùng (NTD). Việc bảo vệ quyền lợi NTD đang được các ngành chức năng tăng cường.
Lực lượng chức năng kiểm tra, lập biên bản hộ kinh doanh sản phẩm giả nhãn hiệu tại TP.Thuận An
Nhiều vi phạm liên quan đến quyền NTD
Tại hội nghị tổng kết Hội Bảo vệ quyền lợi NTD Bình Dương được tổ chức mới đây, ông Nguyễn Phương Đông, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh, cho biết thời gian qua các vụ việc vi phạm quyền của NTD vẫn tiếp diễn với nhiều hình thức mới. Tình trạng đầu cơ, bán hàng không rõ nguồn gốc diễn biến phức tạp, vi phạm liên quan tới hoạt động thương mại điện tử cũng không ít. Trong năm 2021, lực lượng quản lý thị trường tỉnh đã kiểm tra 597 vụ, xử lý 444 vụ việc liên quan đến hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, an toàn thực phẩm, đã xử phạt vi phạm hành chính gần 4,8 tỷ đồng.
“Vi phạm trên lĩnh vực thương mại ngày càng phức tạp. Các đối tượng chủ yếu tập trung vào những mặt hàng có giá trị lớn, sản xuất tại nước ngoài, thông qua nhiều kênh bán hàng để giao dịch. Các đối tượng rất tinh vi nhằm xóa dấu vết, gây ảnh hưởng đến quá trình điều tra xác minh của lực lượng chức năng. Vì vậy cần có sự phối hợp của các doanh nghiệp (DN), NTD và các đơn vị quản lý mới có thể xử lý đúng đối tượng vi phạm”, ông Nguyễn Phương Đông chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Bán, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi NTD tỉnh, cho biết chỉ riêng năm 2021 đơn vị này đã nhận được gần 30 cuộc gọi phản ánh, khiếu nại, yêu cầu của NTD trên toàn tỉnh. Nhiều cuộc gọi và đơn khiếu nại của NTD liên quan đến những sản phẩm, dịch vụ như hàng kém chất lượng, hàng giả trên các sản phẩm điện máy, thực phẩm, thiết bị y tế… Khiếu nại trực tiếp của NTD về các DN có hành vi vi phạm pháp luật gửi đến đã được hòa giải thành công với đơn vị kinh doanh. “Trong bối cảnh dịch bệnh, NTD hạn chế đi lại, tiêu dùng có tính chọn lọc hơn. Những thói quen tiêu dùng trước đây như mua hàng trực tiếp đã chuyển thành giao dịch qua mạng và yêu cầu chất lượng sản phẩm cao hơn. Do đó, công tác bảo vệ quyền lợi NTD cũng phải có những hình thức thích ứng với xu hướng này”, ông Nguyễn Văn Bán cho biết thêm.
Ngăn chặn hành vi không lành mạnh
Thực tế cho thấy, đại dịch Covid-19 là yếu tố tác động để mọi NTD thay đổi thói quen mua sắm, cơ quan quản lý nhà nước cũng thay đổi cách tiếp cận để bảo vệ NTD và các DN. Chủ đề do Bộ Công thương phát động “Tiêu dùng an toàn trong thời kỳ bình thường mới” nhằm khẳng định ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bảo đảm quyền an toàn cho NTD trong các giao dịch trên thị trường. Đồng thời, đây còn là sự kêu gọi các cấp, các ngành, các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức xã hội, cộng đồng DN trong việc chung tay thực hiện trách nhiệm bảo vệ quyền lợi NTD, góp phần xây dựng một xã hội văn minh.
Ông Nguyễn Văn Bán cho biết trong những năm qua, công tác bảo vệ quyền lợi NTD thường xuyên được quan tâm. Năm 2021, khi dịch bệnh diễn ra phức tạp, công tác bảo vệ quyền lợi NTD cũng luôn được chú ý. Đã có nhiều đơn vị, tổ chức nỗ lực xây dựng và thực hiện tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng như phối hợp vận chuyển nhu yếu phẩm, phát miễn phí khẩu trang y tế, nước sát khuẩn, tích cực tuyên truyền về quyền của NTD.
Trong số đó, không thể không kể đến sự tham gia chủ động, tích cực và hiệu quả của các địa phương, các chi hội trên địa bàn tỉnh, từ đó Bình Dương là địa phương luôn dẫn đầu cả nước về triển khai thực hiện nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi NTD. Có được kết quả đó, theo ông Nguyễn Văn Bán, những năm qua UBND tỉnh đã ban hành kịp thời các kế hoạch, chương trình “Hành động vì quyền lợi NTD” để triển khai sâu rộng trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, hàng năm Sở Công thương đều phối hợp với Hội Bảo vệ quyền lợi NTD tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của NTD thiết thực, tiết kiệm, hiệu quả; khuyến khích, động viên sự tham gia đông đảo, tích cực của các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức xã hội, DN và NTD, góp phần xây dựng môi trường kinh doanh, tiêu dùng lành mạnh, kích thích tiêu dùng và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
THANH HỒNG