Qua 5 năm thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25-4-2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động cho vay nặng lãi (“tín dụng đen”), với sự nỗ lực của các cơ quan chức năng trong tỉnh, bước đầu “tín dụng đen”đã được đẩy lùi…
Cán bộ, chiến sĩ đồn Công an Khu công nghiệp VSIP phát cẩm nang tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn của tội phạm “tín dụng đen” đến người lao động
Phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả
Thời gian qua, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” diễn biến rất phức tạp. Đáng chú ý là sự xuất hiện của một số đối tượng thường trú ngoài tỉnh đến hoạt động cho vay nhỏ lẻ, kinh doanh cầm đồ. Ngoài ra, hoạt động cho vay số tiền lớn thông qua quan hệ quen biết ngụy trang dưới nhiều hình thức, thủ đoạn tinh vi nổi lên là cho vay bằng các hợp đồng “giả cách”, ủy quyền, hợp đồng mua bán tài sản... gây nhức nhối dư luận.
Trước năm 2019, hoạt động “tín dụng đen” diễn biến phức tạp trên toàn quốc nói chung và Bình Dương nói riêng. Trước tình hình này, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo Công an tỉnh phối hợp các ngành có liên quan tham mưu huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia vào công tác đấu tranh phòng, chống loại tội phạm này và đạt được những thành quả đáng ghi nhận. Bình Dương được Bộ Công an ghi nhận là một trong những tỉnh đi đầu, quyết liệt trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan hoạt động “tín dụng đen”.
Bên cạnh đó, những năm gần đây, công tác tuyên truyền phương thức, thủ đoạn và hậu quả của “tín dụng đen” được thực hiện đồng bộ, rộng khắp các cấp, các ngành với các hình thức phong phú, đa dạng đến mọi tầng lớp người dân, nhất là nhóm người yếu thế, dễ bị “tín dụng đen” dụ dỗ, lôi kéo nhằm nâng cao ý thức phòng ngừa, cảnh giác và chấp hành pháp luật; các lực lượng chức năng ở cấp cơ sở đã phát động quần chúng nhân dân đồng loạt ra quân bóc gỡ tờ rơi, quảng cáo vi phạm và tố giác tội phạm.
Theo Đại tá Trần Văn Chính, Phó Giám đốc Công an tỉnh, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh (Ban Chỉ đạo 138 tỉnh), trong 5 năm qua, công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm nói chung và tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” nói riêng luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Các kế hoạch tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm là: Tăng cường tuyên truyền trong nhân dân về ý thức pháp luật; phương thức thủ đoạn, hậu quả tác hại của “tín dụng đen”; đề xuất các chính sách xã hội, tài chính, ngân hàng để hỗ trợ vay vốn đối với người dân; đẩy mạnh đấu tranh, xử lý đối với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen” gắn với phòng, chống tệ nạn xã hội; tăng cường quản lý kiểm tra, xử lý trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh, các trường hợp quảng cáo cho vay trái pháp luật.
Lực lượng Công an tỉnh làm việc với một đối tượng cho vay nặng lãi
Chuyển biến tích cực
Với vai trò là cơ quan thường trực, Công an tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp có tính căn cơ, đột phá để phòng ngừa và quyết liệt tấn công trấn áp tội phạm, trong đó thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 12/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Qua việc thực hiện tốt công tác tham mưu và chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp nêu trên, bước đầu đã có hiệu quả tác động, huy động sự tham gia của các ban ngành, tổ chức xã hội vào công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”.
Tính từ ngày 15-4-2019 đến ngày 14-4-2024, toàn tỉnh đã phát hiện, triệt xóa 74 vụ với 148 đối tượng về các hành vi liên quan đến “tín dụng đen”, trong đó đã khởi tố 50 vụ với 91 bị can về hành vi “cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”; khởi tố 9 vụ với 42 bị can liên quan các hành vi cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng, hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản, làm nhục người khác... Trong số 74 vụ phát hiện, xử lý có 60 vụ (chiếm 82%) là do các đối tượng, băng nhóm từ ngoài tỉnh đến gây án. Viện Kiểm sát nhân dân các cấp đã truy tố 36 vụ với 54 bị can; Tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý đưa ra xét xử 35 vụ với 53 bị cáo về hành vi “cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”. Công an, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện thực hiện nghiêm túc công tác tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác tội phạm, công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc, vụ án có liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, bảo đảm nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng quy định pháp luật.
Qua 5 năm thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nhờ sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp và sự khẩn trương triển khai đồng bộ, quyết liệt bằng nhiều biện pháp, đến nay hoạt động “tín dụng đen” cơ bản được kiềm chế. Nhiều đối tượng đã ngưng hoạt động, rời địa phương, chỉ còn một số ít đối tượng chuyển sang hoạt động lén lút…
Đại tá Trần Văn Chính, Phó Giám đốc Công an tỉnh: “Thời gian tới, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” sẽ có nhiều diễn biến mới, tiềm ẩn phức tạp. Các đối tượng sử dụng công nghệ cao, lợi dụng không gian mạng xuất hiện nhiều loại hình, phương thức, thủ đoạn mới, ẩn danh, không phụ thuộc vào phạm vi địa lý, lãnh thổ. Do đó, không chỉ lực lượng công an mà cần sự vào cuộc của các sở, ngành địa phương trong phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm này”. |
TÂM TRANG - THANH TUYÊN