Nông thôn mới khởi sắc

Cập nhật: 12-02-2018 | 10:33:08

Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), theo kế hoạch đến năm 2020 Bình Dương có 49 xã đạt chuẩn NTM. Đến nay, toàn tỉnh đã có 42 xã được công nhận đạt chuẩn NTM (xã Chánh Phú Hòa, TX. Bến Cát đã chuyển lên phường); 7 xã đều đạt 15 tiêu chí NTM trở lên.


Nhờ cách làm hiệu quả, Bình Dương đã có nhiều thành công trong xây dựng NTM.
Trong ảnh: Vườn bưởi cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm ở xã nông thôn mới Bạch Đằng, TX.Tân Uyên. Ảnh: QUỲNH NHIÊN

Đổi thay

Những ngày cận Tết Mậu Tuất 2018, chúng tôi đến xã Thanh An, huyện Dầu Tiếng - là một trong những xã điểm xây dựng NTM của tỉnh, đã được công nhận đạt chuẩn trong giai đoạn 2011-2015. Tuy vậy, địa phương vẫn tiếp tục đầu tư nâng chất NTM trên địa bàn. Điều dễ nhận thấy về sự đổi thay trên vùng đất giàu truyền thống cách mạng Thanh An đó là hệ thống hạ tầng ngày càng được đầu tư hoàn thiện, nhà kiên cố mọc lên ngày càng nhiều, giao thông nông thôn được nâng cấp mở rộng...

Bà Lê Thị Kim Sang, Chủ tịch UBND xã Thanh An cho biết, xây dựng NTM là một chương trình lớn của Đảng và Nhà nước, xã đã xác định công tác tuyên truyền, vận động nhân dân phải được đặt lên hàng đầu. Để thực hiện chương trình xây dựng NTM, Đảng ủy xã đã ra nghị quyết chuyên đề; UBND xã có kế hoạch thực hiện chương trình; các tổ chức, đoàn thể có kế hoạch cụ thể theo ngành, đơn vị phụ trách và phân công trách nhiệm cho từng cá nhân.

Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, những năm qua xã Thanh An đã kiên cố hóa được trên 90% hệ thống kênh thủy lợi. Hệ thống giao thông trên địa bàn đã được đầu tư hoàn chỉnh, song địa phương vẫn thường xuyên khảo sát để có kế hoạch duy tu, nâng cấp hàng năm. Hiện nay, hệ thống đường trục xã, liên xã, đường trục chính nội đồng trên địa bàn đã được cứng hóa 100%. Cùng với giao thông, hệ thống điện cũng được đầu tư nâng cấp ngày càng hoàn thiện. Kết quả nổi bật là thu nhập bình quân đầu người tăng lên rõ rệt, từ 22,5 triệu đồng năm 2011 tăng lên 46 triệu đồng năm 2017.

Rời Thanh An, chúng tôi đến cù lao Bạch Đằng (xã Bạch Đằng, TX.Tân Uyên). Chúng tôi đã cảm nhận được hơi ấm mùa xuân len lỏi trong những vườn bưởi bội thu; sắc xuân len lỏi đến từng góc nhà. Ông Huỳnh Văn Ly, người dân xã Bạch Đằng chia sẻ, nhờ quá trình xây dựng NTM mà những con đường nối liền các ấp trong xã ngày nào còn lầy lội, bụi bặm giờ đã được trải nhựa phằng lỳ, không những giúp người dân đi lại thuận tiện mà còn tạo điều kiện cho bà con vận chuyển hàng hóa nông sản. Bên cạnh đó, sự hỗ trợ và khuyến khích của chính quyền địa phương để người dân thâm canh vườn bưởi đã giúp nông dân trong xã nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.

Từ khi thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, được sự đầu tư của Nhà nước và sự đóng góp của người dân, xã Bạch Đằng đã xây dựng, nâng cấp láng nhựa 18 tuyến đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng với tổng chiều dài gần 20km, tổng kinh phí hơn 146 tỷ đồng. Mạng lưới điện quốc gia đã phủ kín trên địa bàn, phục vụ tốt cho sinh hoạt và sản xuất của người dân. Hiện ở xã Bạch Đằng, đã có những hộ trồng bưởi có thu nhập cả trăm triệu đồng chỉ trên 1.000m2 đất trồng bưởi. Năm 2017, thu nhập bình quân của người dân trong xã đạt hơn 40 triệu đồng...

Cách làm hiệu quả

Để chương trình xây dựng NTM đi vào cuộc sống, ông Nguyễn Tấn Bình, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, các nội dung xây dựng NTM đã được đưa vào nghị quyết của Đảng bộ tỉnh. Trong quá trình triển khai thực hiện nghị quyết này, chính quyền các cấp trong tỉnh đã tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Toàn tỉnh chung tay xây dựng NTM” và được nhân dân đồng tình, hưởng ứng. Có thể thấy, quá trình xây dựng NTM đang từng bước đưa đời sống văn hóa - xã hội ở khu vực nông thôn xích gần với thành thị, người nông dân ngày càng có điều kiện để tiếp cận những dịch vụ tốt hơn. Cuộc sống văn minh đang đến với người dân nông thôn, tạo nền tảng vững chắc cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Trong xây dựng cơ sở hạ tầng NTM, Bình Dương đã có cách làm riêng, hiệu quả. Cụ thể các hạng mục như y tế, trường học, đường giao thông, nhà văn hóa, chợ… đều được tỉnh cân nhắc và triển khai phù hợp, đạt hiệu quả cao. Chẳng hạn, khi thực hiện xây dựng NTM không nhất thiết phải xây dựng nhà văn hóa riêng tại mỗi ấp, khi mà tỷ lệ hội họp không nhiều và có thể tận dụng ở trụ sở UBND xã hoặc văn phòng ấp; không nhất thiết phải xây dựng bằng được công trình để đủ tiêu chí mà không mang lại hiệu quả và gây lãng phí…

Chính từ chủ trương ban đầu là không chạy theo hình thức, chú trọng đến chất lượng xây dựng, nên chương trình NTM của Bình Dương đã có những bước đi đúng hướng, vững chắc. Điều đáng nói là không có địa phương nào của tỉnh xảy ra tình trạng nợ công trong quá trình xây dựng NTM.

QUỲNH NHIÊN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=579
Quay lên trên