Trong tuần qua, mặc dù tỷ giá ngoại tệ USD liên tục leo dốc nhưng diễn biến trên thị trường giao dịch ngoại tệ trên địa bàn tỉnh vẫn ổn định.
Tỷ giá liên tục dao động tăng
Tuần qua, trên thị trường cả nước đã chứng kiến sự tăng mạnh của tỷ giá VND/USD trong hệ thống ngân hàng, với mức tăng hàng trăm đồng và đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Cho đến ngày cuối tuần qua (18-2), dù tỷ giá trung tâm vẫn được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giữ nguyên ở mức 22.229 đồng/USD nhưng giá USD tại các ngân hàng thương mại lại được điều chỉnh tăng khá mạnh. Cụ thể, Vietcombank và BIDV cùng tăng 15 đồng ở cả hai chiều so với giá khảo sát ngày 17-2, lên 22.750 - 22.830 đồng/USD; trong khi đó Vietinbank cũng tăng 20 đồng ở cả hai chiều, lên 22.760 - 22.830 đồng/USD; ACB tăng 20 đồng chiều mua vào và tăng 30 đồng chiều bán ra, lên 22.750 - 22.830 đồng/USD; Eximbank cũng tăng tới 30 đồng chiều mua vào và tăng 40 đồng chiều bán ra, lên 22.760 - 22.840 đồng/USD... Với biên độ +/-3% đang được áp dụng, tỷ giá trần mà các ngân hàng được áp dụng trong ngày 18-2 là 22.896 đồng/USD và tỷ giá sàn là 21.562 đồng/USD. Tính trong tuần qua, mức tỷ giá trên đã được điều chỉnh giảm 5 đồng, tương đương 0,02%.
Trong năm 2016, hoạt động ngoại hối của Vietcombank Chi nhánh Bình Dương có sự tăng trưởng đáng kể so với năm trước, doanh số mua, bán ngoại tệ với khách hàng đạt hơn 1 tỷ USD (tăng 15,4% so với năm 2015); trong đó doanh số mua USD đạt trên 860 triệu USD, doanh số bán USD đạt gần 200 triệu USD. Bên cạnh đó, doanh số thanh toán quốc tế/tài trợ thương mại của chi nhánh ngân hàng đạt gần 1,4 tỷ USD (tăng 15%); trong đó doanh số xuất khẩu đạt hơn 900 triệu USD, doanh số nhập khẩu đạt hơn 470 triệu USD. Số liệu trên cho thấy, cán cân thanh toán của Vietcombank Chi nhánh Bình Dương thặng dư hơn 430 triệu USD. Như vậy, Vietcombank Chi nhánh Bình Dương là đơn vị có tính chủ động cao về nguồn vốn ngoại tệ để đáp ứng đầy đủ nhu cầu ngoại tệ của khách hàng, góp phần bình ổn thị trường ngoại hối tại địa phương.
Như vậy, mặc dù có những biến động tăng, giảm nhẹ trong các phiên giao dịch gần đây nhưng xu hướng chung của thị trường, tỷ giá vẫn có diễn biến dao động tăng.
Đủ nguồn cung USD tại chỗ
Diễn biến tăng tỷ giá liên tục trong những ngày đầu năm đến nay được các chuyên gia trong ngành nhận định xuất phát từ 2 nguyên nhân chính đến từ trong và ngoài nước. Thứ nhất, xuất phát từ nhu cầu của doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa đã đẩy tỷ giá ở một vài ngân hàng lớn lên cao, kéo theo sự tăng giá USD ở một loạt các ngân hàng khác. Thứ hai, về yếu tố bên ngoài, là sự lên giá đáng kể của đồng USD trong 2 tuần qua. Để giảm áp lực lạm phát, NHNN đã phải liên tục hút bớt thanh khoản qua thị trường mở (OMO). Việc VND mới chỉ mất giá vừa phải so với USD trong khi các đồng tiền chủ chốt khác mất giá nhiều hơn cho thấy, thực ra VND đã lên giá so với các đồng tiền chủ chốt nói chung, do đó đã có tác động nhất định lên xuất khẩu của nước ta.
Sau biến động mạnh trong ngày 15-2, NHNN đã phát tín hiệu điều tiết thị trường, nhờ vậy tỷ giá USD đã cân bằng trong ngày 16-2. Trong ảnh: Kiểm đếm ngoại tệ tại Vietcombank Chi nhánh Bình Dương Ảnh: THANH HỒNG
Ông Nguyễn Thái Minh Quang, Giám đốc Vietcombank Chi nhánh Bình Dương nhìn nhận, năm ngoái NHNN đã giữ ổn định tỷ giá thành công (VND giảm giá 1,1% so với USD). Ngay trong những ngày cuối năm 2016, thị trường gây sức ép, NHNN vẫn bán ra USD đáp ứng nhu cầu, nhưng cuối cùng cũng không sử dụng hết số ngoại tệ dự kiến. Còn từ đầu năm đến nay, NHNN đã liên tục mua vào và chưa có động thái bán ra nào. Như vậy, NHNN luôn sẵn sàng đẩy nguồn cung USD vào thời điểm hợp lý.
Liệu những áp lực nội tại và ngoài thị trường thế giới là yếu tố gây sức ép lên tỷ giá và thị trường ngoại hối trong năm nay? Ông Quang phân tích, tương tự như năm 2016, trong năm 2017 nguồn cung ngoại tệ của NHNN dự kiến sẽ ở mức dồi dào và tiếp tục là yếu tố hỗ trợ mạnh cho tỷ giá. Ngoại trừ Mỹ, nhiều quốc gia lớn trên thế giới, đặc biệt là khu vực châu Á vẫn đang duy trì chính sách nới lỏng khá mạnh mẽ. Theo đó, với thế mạnh về sự ổn định kinh tế, chính trị, Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm sáng thu hút vốn đầu tư. Hơn nữa, năm 2017 sẽ là năm cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước diễn ra sôi động, đặc biệt tại các tổng công ty lớn được nhà đầu tư nước ngoài quan tâm. Diễn biến này hứa hẹn sẽ đem lại nguồn cung ngoại tệ lớn cho Việt Nam trong thời gian tới.
Cũng theo ông Quang, với các yếu tố trên, mặc dù đồng VND trong năm 2017 sẽ chịu nhiều sức ép hơn giai đoạn trước nhưng triển vọng nguồn cung ngoại tệ dồi dào, cơ chế điều hành tỷ giá linh hoạt sẽ giúp NHNN tiếp tục chủ động hơn trong điều hành và bình ổn thị trường khi cần thiết. Trên cơ sở đó sẽ bảo đảm nhiều mục tiêu quan trọng như sự ổn định của nền kinh tế, bảo đảm sức hấp dẫn của Việt Nam với dòng vốn đầu tư; bên cạnh đó tiếp tục duy trì mặt bằng lãi suất thấp ở mức hợp lý để hỗ trợ tăng trưởng và giữ nợ công ở giới hạn cho phép... Vì vậy, trong thời gian tới, tỷ giá sẽ tiếp tục được duy trì ổn định.
THANH HỒNG