Dù đã ở tuổi 80 nhưng ông Nguyễn Văn Tròn, ngụ ấp Đồng Tâm, xã Tam Lập, huyện Phú Giáo vẫn nỗ lực phát triển kinh tế gia đình với mô hình vườn - ao - chuồng. Mô hình kinh tế của ông mang lại lợi nhuận cao, giúp ông có cuộc sống ổn định, có điều kiện tham gia tích cực các hoạt động của địa phương.
Ông Nguyễn Văn Tròn quê gốc ở Long An. Trong những năm 1960, ông là dân quân tại địa phương. Năm 1974, ông về Sư đoàn 9, Quân đoàn 4 bắt đầu tham gia kháng chiến. Đơn vị ông đã có 4 năm chiến đấu oanh liệt tại chiến trường Campuchia. Đến năm 1977, Sư đoàn 9 về nước để tăng gia sản xuất, gắn bó với vùng đất Phước Vĩnh (nay là xã Tam Lập). Năm 1979, ông nghỉ hưu và bắt đầu gầy dựng sự nghiệp tại Tam Lập. Bằng tâm huyết và ý chí của mình, ông đã xây dựng được cơ ngơi đáng nể từ nghề nông.
Ông Nguyễn Văn Tròn đang chăm sóc ao cá gia đình
Bắt tay vào làm kinh tế, ông trồng xoài trên mảnh đất 4 ha mà ông đã khai hoang. Ông Tròn lên tận Bình Chánh, TP.HCM tự tay lựa chọn giống, chiết cành. Nhưng xoài cho thu nhập thấp, hay sâu bệnh nên ông chuyển sang trồng điều, rồi đến trồng cao su. Hiện tại, gia đình ông có 11 ha cao su, 4 ha điều và 1 ha cây ăn trái.
Bên cạnh trồng trọt, ông Tròn còn tổ chức chăn nuôi thành công. Với đàn heo 30 con, mỗi năm xuất 2 đợt ông thu về 200 triệu đồng. Bên cạnh đó là ao cá với nhiều loại như cá trắm cỏ, cá mè, cá chép, cá rô phi… góp phần tăng hiệu quả kinh tế qua mô hình vườn - ao - chuồng.
Từ mô hình vườn - ao - chuồng không những giúp ông có cuộc sống khá giả mà còn tạo việc làm cho 4 lao động khác, với mức lương 130.000 đồng/ ngày. “Những ngày mới về Bình Dương cuộc sống của vợ chồng tôi rất khó khăn. Không nản chí, tôi đã nỗ lực khai hoang, trồng đủ loại cây để nuôi sống gia đình. Bản thân tôi luôn tâm niệm dù khó khăn nhưng cố gắng sẽ thành công”, ông Tròn tâm sự.
Hiện nay, ngoài ông ra còn có vợ và con gái cũng theo nghề nông. Dù gia đình khá giả, con cháu và nhân công nhiều nhưng ông vẫn không cho phép mình an nhàn tuổi già. Hàng ngày, dù tuổi cao nhưng ông vẫn tận tụy, tự tay chăm sóc đàn cá, đàn heo, xem đó là một niềm vui tuổi già.
Ông Tròn còn được biết đến là người tích cực tham gia công tác Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Hội Người cao tuổi ở xã. Ông cũng tích cực đóng góp vào quỹ hội, hỗ trợ cho những hội viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn với lãi suất ưu đãi, tạo điều kiện cho họ cải thiện đời sống. Ông Tròn chia sẻ dù đã đến tuổi xế chiều nhưng còn sức khỏe thì còn làm kinh tế và nhiệt tình công tác hội.
Từ những thành quả lao động sản xuất, trong 2 năm 2012, 2014, ông Tròn đã được UBND tỉnh tuyên dương là “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi”. Ông cũng từng được mời đi báo cáo kết quả sản xuất ở nhiều nơi. Đối với ông, lòng nhiệt huyết của cựu chiến binh năm xưa không bao giờ tắt.
T.LÝ - H.NHUNG