Tuy đã nghĩ hưu nhưng tôi vẫn theo dõi tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX trong 5 năm qua. Qua dự thảo báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, tôi nhận thấy tình hình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương có nhiều đột phá, đặc biệt là sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế phù hợp với tình hình thực tế của địa phương đã tạo điều kiện phát triển đồng bộ trên các lĩnh vực của tỉnh. Tôi đánh giá cao công tác lãnh đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, của Ban Chấp hành Đảng bộ các cấp đã đề ra chủ trương, lãnh đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các biện pháp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Việc xây dựng các chính sách ưu đãi và sự năng động của lãnh đạo tỉnh trong việc mời gọi đầu tư đã đưa nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đến Bình Dương đầu tư, qua đó tạo điều kiện phát triển cơ sở hạ tầng và góp phần giải quyết việc làm cho nhân dân địa phương. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế như một số chỉ tiêu chưa đạt so với nghị quyết đã đề ra, các ngành dịch vụ chuyển biến còn chậm, chưa đáp ứng được kỳ vọng của người dân.
Trong nhiệm kỳ tới, tôi tin tưởng với việc đổi mới và đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế sẽ giúp Bình Dương tiếp tục phát triển mạnh. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển kinh tế, cần chú ý đến việc đẩy mạnh phát triển kinh tế dịch vụ để đáp ứng yêu cầu cho quá trình đô thị hóa cũng như đáp ứng được yêu cầu của nhân dân, đưa dịch vụ đến tận tay nhân dân kịp thời và nhanh chóng.
Bên cạnh đó, việc lựa chọn nhân sự trong nhiệm kỳ mới, ngoài các tiêu chuẩn theo quy định, cần chú ý đến những cán bộ gần dân, lắng nghe ý kiến của dân và cần có trình độ thực tiễn để kịp thời đưa ra các biện pháp, chính sách đúng với tình hình thực tiễn để bảo đảm cho kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển bền vững.
KHÁNH ĐĂNG (ghi)