Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận Nguyễn Thị Hồng Hà phát biểu. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Sáng 11/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đặc xá (sửa đổi).
Các đại biểu đề nghị, dự thảo Luật cần phân định rành mạch tính chất đặc trưng của đặc xá so với các chính sách khoan hồng khác để khắc phục hạn chế về số lượng người được đặc xá lớn, đối tượng rộng như thời gian qua.
Phân định rõ đặc xá với tha tù trước thời hạn có điều kiện
Theo nhiều đại biểu, hạn chế lớn trong công tác thi hành Luật Đặc xá thời gian qua là số lượng người được đặc xá trong mỗi đợt là khá lớn, chưa thể hiện rõ tính đặc biệt của đặc xá đối với người phạm tội.
Do đó, các đại biểu cho rằng các quy định về đặc xá phải có sự khác biệt cơ bản so với các chính sách khoan hồng khác đang được giao cho các cơ quan tư pháp thực hiện.
Tính chất đặc biệt này phải được thể hiện ở các nội dung chủ yếu là: thẩm quyền, thời điểm, điều kiện, trình tự, thủ tục đặc xá.
Đa số ý kiến cho rằng, việc sửa đổi điều kiện đặc xá phải đặt trong bối cảnh Bộ luật Hình sự năm 2015 mới bổ sung chế định tha tù trước thời hạn có điều kiện.
Nêu ý kiến về điều kiện đặc xá, đại biểu Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên) cho biết, khoản 1 Điều 10 của dự thảo Luật đang quy định nhiều điều kiện cụ thể của đặc xá cơ bản giống điều kiện tha tù trước thời hạn có điều kiện quy định tại Điều 66 của Bộ luật Hình sự.
Từ đó, đại biểu đề nghị cần quán triệt đặc xá là thể hiện sự khoan hồng của Đảng, Nhà nước, cần phân định rành mạch tính chất của đặc xá so với các chính sách khoan hồng khác.
Bộ luật Hình sự đã bổ sung chế định tha tù trước thời hạn có điều kiện, nếu không sửa đổi cơ bản về điều kiện đặc xá mà áp dụng song song hai chế định này sẽ dẫn tới trùng lặp về chính sách.
Trao đổi cùng các đại biểu liên quan đến vấn đề này, đại biểu Nguyễn Hòa Bình (Quảng Ngãi), Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao đồng tình với những đánh giá của rất nhiều đại biểu trong thời gian vừa qua, việc đặc xá thể hiện sự nhân đạo của Đảng, Nhà nước, tuy nhiên vẫn còn một số hạn chế trong triển khai thực hiện.
Trong 10 năm đã có 7 đợt đặc xá, tổng số người được đặc xá là khá lớn, hơn 85 nghìn người.
"Điều này tạo ra mâu thuẫn là khi Hội đồng xét xử xem xét hình phạt, tăng giảm 6 tháng hay 1 năm tù, họ phải cân nhắc rất kỹ, thậm chí chịu áp lực rất lớn, nhưng khi đặc xá, số lượng rất lớn" - Chánh án Nguyễn Hòa Bình đưa quan điểm.
Phân tích sự khác nhau giữa tha tù trước thời hạn có điều kiện và đặc xá, Chánh án Nguyễn Hòa Bình nêu ví dụ nếu một người bị án tù 10 năm, đã chấp hành 5 năm được tha tù trước thời hạn nếu ra ngoài xã hội có tái phạm sẽ phải quay lại để chấp hành tiếp án phạt tù còn lại của bản án. Còn đặc xá là miễn phần hình phạt còn lại của bản án.
Do đó, việc tha tù trước thời hạn vừa thể hiện sự nhân đạo, vừa nghiêm minh, trong đó có vai trò gắn liền với cơ quan thi hành án, chính quyền địa phương theo dõi người được tha tù trước thời hạn không tái phạm.
"Tuy nhiên cần phải lưu ý, thời điểm đặc xá phải đúng là những sự kiện đặc biệt quan trọng, nhiều năm làm một lần chứ không nên làm mỗi năm một lần sẽ trùng với tha tù trước thời hạn," Chánh án Nguyễn Hòa Bình nêu quan điểm.
Một số đại biểu còn cho rằng, nếu giữ quy định về điều kiện đặc xá như dự thảo Luật hoặc theo hướng chặt chẽ hơn sẽ dẫn tới trùng lặp về chính sách do các đối tượng đủ điều kiện được xét đặc xá, cơ bản đã được Tòa án tha tù trước thời hạn có điều kiện, nên hầu như không còn đối tượng để xét đặc xá nữa.
Cần quy định cụ thể về thời điểm đặc xá
Dự thảo Luật giữ nguyên quy định của Luật hiện hành về 3 thời điểm đặc xá gồm: nhân sự kiện trọng đại của đất nước; nhân ngày lễ lớn của đất nước và trong trường hợp đặc biệt.
Đa số ý kiến tán thành với dự thảo Luật vì phù hợp với tổng kết thực tiễn thực hiện đặc xá thời gian qua; căn cứ các quy định của Luật, Chủ tịch nước sẽ quyết định thời điểm đặc xá cụ thể đáp ứng yêu cầu thực tế đặt ra.
Tuy nhiên, hiện nay Chính phủ mới quy định về các ngày lễ lớn mà chưa quy định về sự kiện trọng đại của đất nước, do đó nhiều đại biểu đề nghị quy định cụ thể về sự kiện trọng đại của đất nước để bảo đảm chủ động trong triển khai thực hiện.
Theo đại biểu Y Khút Niê (Đắk Lắk), về thời điểm đặc xá, quy định của dự thảo luật chưa rõ ràng về sự kiện trọng đại là "sự kiện nào, trọng đại ra sao". Điều này sẽ khiến khi áp dụng thực hiện tràn lan, làm mất đi ý nghĩa về sự khoan hồng của Đảng, Nhà nước.
Từ đó, đại biểu đề nghị quy định rõ đặc xá vào dịp Quốc khánh 2/9 hoặc Tết Nguyên đán sẽ giúp các cơ quan tham mưu, thực hiện chủ động trong triển khai Luật Đặc xá.
Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cho rằng, để bảo đảm ý nghĩa của công tác đặc xá, bảo đảm lựa chọn chính xác các trường hợp để trình Chủ tịch nước quyết định đặc xá cần bổ sung các quy định nhằm tăng cường các thiết chế kiểm tra, giám sát.
Tuy nhiên, dự thảo Luật chưa quy định cụ thể nội dung này. Từ đó, nhiều đại biểu đề nghị bổ sung quy định cụ thể trách nhiệm của từng cơ quan; trách nhiệm kiểm tra của cơ quan cấp trên với cơ quan cấp dưới; trách nhiệm kiểm soát giữa các khâu và giữa các cơ quan; trách nhiệm giám sát của Mặt trận Tổ quốc các cấp đối với công tác đặc xá./.
Theo TTXVN