Phát điện từ rác

Cập nhật: 15-11-2022 | 08:41:48

Dự án nhà máy rác có dây chuyền công nghệ đốt rác thu hồi năng lượng của Công ty Cổ phần Nước - Môi trường Bình Dương (Biwase) hiện đang trong giai đoạn nước rút để lắp đặt tuabin chạy thử nghiệm. Với công suất 5MW, dự án hứa hẹn đạt được “lợi ích kép”, mang lại giá trị kinh tế cũng như góp phần tích cực trong công tác bảo vệ môi trường (BVMT) vì mục tiêu phát triển bền vững mà Bình Dương đặt ra.

 Tuabin phát điện được xem là “trái tim” của nhà máy điện, đầu tư công nghệ hiện đại, tiên tiến của Tập đoàn Siemens (Đức)

 “Nhà máy điện” 300 tỷ đồng

Một ngày đầu tháng 11- 2022, chúng tôi có mặt tại công trường xây dựng nhà máy rác - nơi hàng chục công nhân, kỹ sư của Chi nhánh Xử lý chất thải Bình Dương thuộc Biwase vẫn đang miệt mài “chạy nước rút” cho những công đoạn cuối để chuẩn bị lắp đặt tổ máy phát điện tận thu nguồn nhiệt từ lò đốt rác thải tại chi nhánh. Nhìn tổ hợp máy phát điện dày đặc hệ thống ống dẫn nhiệt, dẫn khí để chạy tuabin được đầu tư công nghệ từ châu Âu cho thấy quyết tâm của Biwase đối với những cam kết trong chiến lược kinh doanh của mình, mang lại hiệu quả nhưng “không quên trách nhiệm” với cộng đồng, nhất là BVMT.

Đưa chúng tôi tham quan tại công trường, chỉ tay về hướng các công nhân đang làm việc, kỹ sư Nguyễn Văn Bắc, phụ trách trực tiếp tại công trường, chia sẻ công ty quyết tâm trong tháng 12 này sẽ vận hành “Nhà máy điện công suất 5MW”. Để đưa vào vận hành đúng kế hoạch, trong những tháng qua, trên công trường có hơn 40 kỹ sư, công nhân của Biwase đã nỗ lực làm việc suốt ngày đêm. Đó không chỉ là quyết tâm lãnh đạo công ty đề ra mà còn là sự kỳ vọng của nhà đầu tư về những triển vọng mới trong chiến lược kinh doanh của Biwase nhằm đem lại những giá trị gia tăng không ngừng.

Chia sẻ thêm về công nghệ “Nhà máy điện thứ 2” của Biwase, ông Ngô Chí Thắng, Phó Giám đốc Chi nhánh Xử lý chất thải Bình Dương, cho biết việc đầu tư nhà máy đã được Hội đồng Quản trị, đặc biệt là các cổ đông, nhà đầu tư tin tưởng và ủng hộ bởi lợi ích đem lại không chỉ có giá trị kinh tế mà còn gắn với trách nhiệm BVMT. Đó được xem là một “sứ mệnh” xuyên suốt nhằm mang lại sự hài hòa giữa lợi ích kinh tế và lợi ích chung cho cộng đồng.

“Thiết kế nhà máy điện đều do đội ngũ kỹ sư của Biwase thực hiện thông qua học hỏi từ nhiều nước trên thế giới. Trong đó, thiết bị, máy móc, tuabin đều trang bị công nghệ hiện đại tiên tiến đến từ châu Âu, bảo đảm công suất ổn định 5MW/h và sẽ được phát lên điện lưới quốc gia. Hiện, tiến độ đã hoàn thành phần đốt rác, tận thu nguồn nhiệt để chuyển sang bộ phát nhiệt, sinh hơi, tạo áp suất cao để chạy tuabin phát điện. Tổng giá trị đầu tư cho dự án nhà máy đốt rác thu hồi năng lượng để sản xuất điện là 300 tỷ đồng”, ông Thắng chia sẻ.

Trong chiến lược phát triển của mình, mục tiêu của Biwase đặt ra là phải đầu tư các công trình đạt chất lượng cao và mang lại các lợi ích lâu dài. Do đó, dự án tiếp tục do chính Biwase thực hiện thiết kế cùng với sự tham gia của những đơn vị, nhà tư vấn có kinh nghiệm hàng đầu trong lĩnh vực. Cùng với đó, các công nghệ, thiết bị đều nhập từ châu Âu. Riêng lò đốt rác được lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải tự động được đầu tư công nghệ của Anh và kết nối 24/24 giờ theo thời gian thực với Trung tâm Quan trắc môi trường tỉnh để giám sát.

“Định hướng của Biwase thời gian tới là trở thành một khu liên hợp hoàn chỉnh. Hiện chúng tôi cũng đang trên lộ trình đạt được điều đó, chất thải được thu hồi, tái chế tối đa và sau đó xử lý triệt để. 100% rác thải được phân loại, tái chế, sản xuất ra các sản phẩm hữu ích, thân thiện môi trường. Qua đó, để các nhà đầu tư trong tất cả các lĩnh vực đến Bình Dương đều tin tưởng khả năng xử lý chất thải trong suốt quá trình hoạt động”, ông Ngô Chí Thắng nói.

 Biwase đang tập trung đẩy nhanh tiến độ để đưa nhà máy vào vận hành trong tháng 12-2022 theo kế hoạch

Lợi ích kép

Tại các buổi tiếp xúc, gặp gỡ với các nhà đầu tư, ông Nguyễn Văn Thiền, Chủ tịch HĐQT Biwase đã thuyết phục được các cổ đông, nhà đầu tư “khó tính” bởi tầm nhìn chiến lược “phát triển bền vững”. Đó là tạo nên sự hài hòa giữa lợi ích kinh tế với mục tiêu BVMT phải luôn song hành.

Hiện nay, ước tính mỗi ngày toàn tỉnh có hơn 2.200 tấn rác sinh hoạt, dự báo lượng rác thải sẽ tăng hàng năm khoảng 10%. Năm 2017, dự án xây dựng “Nhà máy điện Biwase thứ nhất” tận thu nguồn khí mêtan từ bãi chôn lấp rác tạm tại khu liên hợp đã được khởi động, trên nền công nghệ châu Âu. Các tổ máy, thiết bị được nhập khẩu chủ yếu từ Đức, nhà máy điện có trị giá 70 tỷ (khoảng 3 triệu đô la Mỹ) với hệ thống được thiết kế hiện đại, đồng bộ, có thể kiểm tra, thao tác và vận hành từ xa. Với hệ thống thông minh kiểm soát nguồn khí dành thu gom, phân tách nước, tạp chất khỏi nguồn khí thu về đã được đầu tư hiện đại, toàn bộ theo công nghệ châu Âu bảo đảm nguồn nhiên liệu cung cấp chạy các máy phát điện cho công suất 2.320kW. Sản lượng điện mang lại hiệu quả trong hoạt động sản xuất, bởi nguồn điện này phục vụ cho toàn bộ hoạt động tại chi nhánh, nhất là cho hoạt động sản xuất phân compost công suất 1.680 tấn/ngày của công ty, hàng năm tiết kiệm hàng chục tỷ đồng cho Chi nhánh Xử lý chất thải Bình Dương.

“Chi nhánh đang hoàn thiện hệ thống thu hồi nhiệt để sản xuất điện công suất 5MW, nguồn điện sẽ đưa lại quá trình sản xuất nội bộ tại khu liên hợp xử lý chất thải, sau đó lượng điện này sẽ được truyền tải lên lưới điện quốc gia. Chúng tôi tin tưởng cùng lợi ích điện Biogas và tổ máy phát điện tận dụng nguồn nhiệt từ lò đốt trong thời gian tới sẽ góp phần mang lại hiệu quả trong việc tiết giảm chi phí sản xuất, giảm thiểu được các tác động môi trường…”.

(Ông Ngô Chí Thắng, Phó Giám đốc Chi nhánh Xử lý chất thải Bình Dương)

“Với dự án nhà máy điện thứ 2, công suất 5MW của Biwase sẽ tận dụng nguồn nhiệt từ lò đốt rác công suất 200 tấn/ngày. Nguồn nhiệt từ lò đốt rác sẽ được tận thu không những mang lại giá trị gia tăng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của Biwase mà đây chính là mục tiêu trong chiến lược “phát triển bền vững” của công ty thời gian tới”, ông Nguyễn Văn Thiền, Chủ tịch HĐQT Biwase chia sẻ tại cuộc gặp gỡ với các nhà đầu tư.

Trong những năm qua, là doanh nghiệp đặc thù trong lĩnh vực môi trường, trong đó việc sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ODA, Biwase đã được Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và các nhà tài trợ đánh giá cao. Trong bối cảnh nguồn điện tại khu vực phía bắc của tỉnh, đặc biệt là khu vực TX.Bến Cát đang tăng cao như hiện nay, dự án sản xuất điện của Biwase hứa hẹn sẽ đóng góp phần tích cực bổ sung nguồn điện trong khu vực, đồng thời có ý nghĩa hơn trong công tác BVMT. Có thể nói, sau thành công của nhà máy điện Biogas, dự án tận dụng nguồn nhiệt từ lò đốt rác thải không thể tái chế tiếp tục trở thành “điểm sáng”, được kỳ vọng vừa mang lại “lợi ích kép” trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, vừa mang lợi ích cho cộng đồng trong sự nghiệp chung tay BVMT mà tỉnh Bình Dương đã đặt ra trong mục tiêu phát triển bền vững.

MINH DUY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=957
Quay lên trên