Phát triển công nghiệp phụ trợ: Liên kết là hướng đi tất yếu

Cập nhật: 09-03-2018 | 08:37:05

Ngành công nghiệp phụ trợ (CNPT) của Bình Dương đang phát triển mạnh. Tuy vậy, lĩnh vực này vẫn còn nhiều nút thắt cần tháo gỡ để phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. 

Thời gian qua, ngành CNPT của Bình Dương đã được lãnh đạo tỉnh rất quan tâm. Cụ thể là ngày 18-10-2017, UBND tỉnh đã có Kế hoạch số 4659 về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 75/NQ-CP ngày 9-8-2017 của Chính phủ. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Sở Công thương thực hiện các giải pháp nhằm thúc đẩy xuất khẩu, nâng cao chất lượng hoạt động xúc tiến thương mại; tập trung thu hút, phát triển các ngành công nghiệp chế tạo, công nghiệp hỗ trợ gắn với tăng mạnh năng suất nội bộ ngành, hàm lượng công nghệ và giá trị nội địa trong sản phẩm...

Công nghiệp phụ trợ phát triển sẽ đóng góp rất lớn vào sự phát triển của các ngành công nghiệp, trong đó có ngành dệt may. Trong ảnh: Dệt may là một trong những ngành có đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế của tỉnh nhà. Ảnh: TIỂU MY

Theo ghi nhận, đến nay, trong cả nước số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNPT còn rất khiêm tốn. Tại Bình Dương, thông tin từ Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh cho biết, năm 2017, toàn tỉnh có 374 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNPT, trong đó có 57 doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước.

Lý giải về nguyên nhân các doanh nghiệp chưa mặn mà với ngành CNPT, các chuyên gia cho rằng các chính sách ưu đãi thời gian qua có vai trò tạo động lực thúc đẩy ngành CNPT phát triển, tuy nhiên kết quả mang lại vẫn chưa như kỳ vọng. Để doanh nghiệp ngành CNPT của Bình Dương lớn mạnh, cần tập trung xây dựng chính sách phát triển một số ngành chính có khả năng tạo dung lượng thị trường và nâng cao năng lực của các nhà cung cấp linh kiện, phụ tùng trong nước, đặc biệt là cho các ngành công nghiệp điện tử, ô tô, gỗ và dệt may. Bên cạnh đó, ngành chức năng cần nghiên cứu hình thành gói tín dụng riêng cho ngành CNPT với mức lãi suất ưu đãi. Cùng với đó, rất cần có các chương trình xúc tiến thương mại, trong đó chính quyền địa phương vừa là cầu nối hỗ trợ vừa làm nhiệm vụ giám sát doanh nghiệp tiếp cận CNPT của thế giới.

Tại hội thảo “Phát triển công nghiệp hỗ trợ - Tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp trong nước” do Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức mới đây, các nhà quản lý và các chuyên gia đã bàn nhiều về vấn đề đẩy mạnh liên kết giữa doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp trong nước để phát triển CNPT, các chuyên gia kiến nghị Chính phủ cũng cần thành lập các sàn giao dịch sản phẩm công nghiêp, ý tưởng, công nghệ để việc kết nối thêm thuận lợi.

Theo ông Kim Yong Seok, đại diện Tập đoàn Samsung, tập đoàn đã đẩy mạnh hỗ trợ kỹ thuật cho các doanh nghiệp Việt Nam thông qua việc cử chuyên gia đến công ty để làm việc. Từ chỗ chỉ có 1 doanh nghiệp Việt Nam là nhà cung cấp cấp II, đến nay đã có tới 29 doanh nghiệp Việt Nam trở thành nhà cung cấp cấp I. Samsung sẽ tiếp tục cử chuyên gia đến các doanh nghiệp hướng dẫn để có thêm nhiều doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng của tập đoàn, góp phần phát triển CNPT ở Việt Nam.

Theo nhiều doanh nghiệp trong nước, đã có nhiều cơ chế, chính sách, đề án hỗ trợ phát triển CNPT nhưng vẫn chưa thật sự hiệu quả. Quan trọng nhất là làm sao doanh nghiệp trong nước liên kết được với các doanh nghiệp nước ngoài để nắm được nhu cầu và cơ hội để doanh nghiệp vừa và nhỏ có cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, qua đó đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế nước nhà.

 Ông Nguyễn Văn Dành, Giám đốc Sở Công thương cho biết, sở đang triển khai nhiều đề án quan trọng làm cơ sở để tham mưu cho UBND tỉnh các chính sách đẩy mạnh phát triển ngành CNPT. Trong thời gian tới, lãnh đạo sở sẽ làm việc với lãnh đạo các hiệp hội, ngành hàng trong tỉnh để nắm bắt nhu cầu cụ thể của các doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, sở sẽ phối hợp với các ngành chức năng đề xuất UBND tỉnh các giải pháp đẩy mạnh hướng liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên cơ sở hai bên cùng có lợi.

 

TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1131
Quay lên trên