Sáng qua (17-6), ông Trần Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện phong trào giao thông nông thôn (GTNT), chỉnh trang đô thị (CTĐT). Theo báo cáo, 5 năm qua tỉnh đã có những nỗ lực rất lớn trong việc kiến thiết, xây dựng hạ tầng GTNT, cải thiện bộ mặt đô thị của tỉnh.
Cải thiện hạ tầng GTNT
Trước đây, hạ tầng GTNT của Bình Dương còn lạc hậu, gây khó khăn trong việc phát triển kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân. Ngay từ những ngày đầu tái lập tỉnh, phong trào GTNT, CTĐT của tỉnh luôn được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Nhờ đó hạ tầng giao thông của tỉnh từ nông thôn đến thành thị đã dần được cải thiện, liên tục trong nhiều năm liền trở thành điểm sáng trong phong trào phát triển GTNT, CTĐT của cả nước.
Ông Trần Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: K.VINH
Cột mốc khởi điểm, tiền đề quan trọng để Bình Dương trở thành điểm sáng của cả nước về phong trào phát triển GTNT, CTĐT chính là Chỉ thị số 07/CT-UBND năm 1998 của UBND tỉnh về việc phát động phong trào làm đường GTNT với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Sau khi chỉ thị ra đời, phong trào làm đường GTNT đã được nhân rộng, phát triển mạnh mẽ. Tất cả hệ thống chính trị trong tỉnh đã vào cuộc cùng nhân dân làm đường giao thông, qua đó tạo thành một phong trào sâu rộng, nhận được sự hưởng ứng rộng rãi của các tầng lớp trong xã hội.
Nhờ sự định hướng đúng đắn của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, đến nay phong trào phát triển GTNT, CTĐT đã đi vào chiều sâu, ổn định, tạo động lực mạnh mẽ cho Bình Dương đi lên, tiếp tục trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Trong giai đoạn 2010-2014, Bình Dương đã nỗ lực, phấn đấu thực hiện thành công 2.102 công trình GTNT, CTĐT với tổng chiều dài hơn 1,2 triệu km. Trong thời gian này Bình Dương đã huy động nguồn vốn lên đến 1.530 tỷ đồng để xây dựng đường GTNT, CTĐT toàn tỉnh. Điều đặc biệt là tỷ lệ bê tông, nhựa hóa trong số công trình kể trên lên đến 47,67% về số lượng công trình và 30,4% về tổng chiều dài các tuyến đường giao thông.
Thắng lợi về khối lượng công việc thực hiện đã rõ, nhưng thắng lợi lớn hơn chính là sự đồng thuận, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân trong việc thực hiện làm đường GTNT, CTĐT. Trong 5 năm qua, toàn tỉnh đã đóng góp hơn 211 tỷ đồng gồm tiền mặt, đất và nhiều công trình của gia đình cho nhà nước làm đường. Có được kết quả này trước hết là nhờ tỉnh đã thực hiện tốt chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Đại bộ phận người dân và doanh nghiệp đều đồng tình ủng hộ phong trào GTNT, CTĐT, thấy được lợi ích thiết thực của việc làm đường GTNT, công trình CTĐT nên đã tích cực hưởng ứng chủ trương, đóng góp ý kiến, kinh phí cho nhà nước. Đồng thời, các tầng lớp nhân dân cũng đã tình nguyện tham gia vào ban giám sát cộng đồng để cùng nhau thực hiện làm đường GTNT, CTĐT.
Đầu tư mạnh cho CTĐT
Sự phát triển của phong trào làm đường GTNT, CTĐT trong những năm qua đã làm cho bộ mặt của Bình Dương thay da, đổi thịt từng ngày, trở thành một trong những địa phương có hạ tầng giao thông phát triển của cả nước; qua đó góp phần quan trọng trong việc cải thiện đời sống của người dân, nhất là người dân ở vùng nông thôn. Hạ tầng GTNT của tỉnh đến nay đã phát triển đồng bộ, có những thay đổi mạnh mẽ và đạt được nhiều thành quả đáng khích lệ. Sự phát triển mạnh mẽ của phong trào GTNT, CTĐT đã góp phần xóa bỏ khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, rút ngắn khoảng cách phân hóa giàu nghèo, tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa lưu thông, kinh tế của tỉnh phát triển đồng bộ.
Làm đường GTNT ở xã Long Tân, huyện Dầu Tiếng. Ảnh: K.VINH
Điều đáng chú ý là cùng với việc tỉnh quan tâm chú trọng đầu tư những tuyến đường lớn thì chính sự phát triển đồng bộ, rộng khắp của các tuyến đường GTNT cũng trở thành nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế của địa phương. Bên cạnh đó, các địa phương đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống GTNT phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn; tạo sự gắn kết liên hoàn, thông suốt từ hệ thống giao thông quốc gia đến đường tỉnh, đường huyện, đường xã, giữa các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa lớn, vùng nguyên liệu với các khu, cụm công nghiệp chế biến, vùng sản xuất chế biến và tiêu thụ. Nhờ đó, hệ thống GTNT cũng đã tăng cường liên kết vùng giữa Bình Dương với các tỉnh, thành lân cận.
Phát biểu tại hội nghị, đại diện Sở Giao thông - Vận tải cho rằng, trong thời gian qua, các địa phương đã thực hiện tốt những mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện phong trào tại các địa phương cũng đã bộc lộ nhiều thiếu sót, hạn chế. Chẳng hạn, tiến trình đô thị hóa trên địa bàn tỉnh diễn ra rất nhanh trong thời gian gần đây kéo theo giá trị đất, giá trị công trình kiến trúc ngày một tăng cao nên công tác vận động, huy động nhân dân để làm đường GTNT, CTĐT ngày một khó khăn. Chính điều này khiến cho công tác giải phóng mặt bằng ngày càng gặp nhiều khó khăn hơn, nhất là ở các hộ đầu tuyến, ở các đoạn đường cong…
Một khó khăn khác nữa từ việc Bình Dương đô thị hóa nhanh là những thách thức phát sinh rất lớn đối với công tác CTĐT. Ông Trần Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Tỉnh có đến 4 huyện nâng chuẩn thành thị xã là Tân Uyên, Bến Cát, Thuận An và Dĩ An kéo theo 12 xã trở thành phường. Đây là bước đi tất yếu trong việc xây dựng Bình Dương trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, nhưng lại là thách thức rất lớn đối với công tác CTĐT. Trong quá khứ, chúng ta đã thành công trong công tác làm đường GTNT thì nay phải dốc toàn lực để CTĐT. Điều này không chỉ để đạt các chỉ số quan trọng theo chuẩn đô thị loại I trong tương lai gần mà quan trọng là cải thiện đời sống nhân dân, mang lại bộ mặt văn minh, hiện đại cho tỉnh.
Trong giai đoạn 2015-2020, Bình Dương tiếp tục tăng cường đầu tư làm đường GTNT, CTĐT với tổng số vốn lên đến 2.052 tỷ đồng. Phần lớn số vốn này được tập trung phân bổ cho TP.Thủ Dầu Một và các thị xã để thực hiện công tác CTĐT. Địa phương được phân bổ nguồn vốn lớn nhất là TX.Tân Uyên với hơn 390 tỷ đồng để thực hiện 284 công trình, tiếp theo là TX.Dĩ An với 309 tỷ đồng để thực hiện 105 công trình, TP.Thủ Dầu Một hơn 305 tỷ đồng để thực hiện 345 công trình CTĐT. Đây hứa hẹn sẽ là nguồn lực rất lớn để cho các thành phố và thị xã làm tốt công tác CTĐT, mang lại bộ mặt mới cho Bình Dương trong 5 năm tiếp theo.
KHÁNH VINH