Phát triển nguồn nhân lực: Chung tay đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

Cập nhật: 23-10-2015 | 08:24:03

Hướng tới một lực lượng lớn nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng cho sự phát triển kinh tế của tỉnh, Bình Dương đang nỗ lực trong công tác đào tạo nguồn nhân lực. Sự ra đời và phát triển của một số trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) trong thời gian qua đã thể hiện sự quyết tâm cao độ đó. Phát triển nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng bậc nhất để tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa, là điều kiện tiên quyết bảo đảm sự phát triển nhanh và bền vững của tỉnh.

 Trường ĐH Quốc tế Miền Đông được thành lập phù hợp với định hướng xã hội hóa đầu tư trường ĐH mà Nhà nước kêu gọi trong cung ứng nguồn nhân lực qua đào tạo, nhất là nhân lực trình độ cao để đẩy nhanh phát triển kinh tế. Ảnh: N.THANH

 Nỗ lực trong công tác đào tạo

Nhằm đáp ứng quá trình phát triển và hội nhập quốc tế mạnh mẽ của địa phương, Bình Dương xác nhận việc đào tạo nguồn nhân lực là một trong những mũi đột phá quan trọng và quyết định tập trung xây dựng một hệ thống giáo dục mạnh cho tỉnh. Bình Dương hiện có 8 trường ĐH, 6 trường CĐ, 17 trường trung cấp chuyên nghiệp (TCCN). Mỗi năm, các cơ sở này đào tạo khoảng 30.000 lao động, trong đó lao động có trình độ từ trung cấp trở lên khoảng 12.000 người.

Hướng tới một lực lượng lớn nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng cho sự phát triển kinh tế của tỉnh, Bình Dương đang nỗ lực trong công tác đào tạo nguồn nhân lực. Các trường như ĐH Thủ Dầu Một, ĐH Bình Dương, ĐH Kinh tế - Kỹ thuật Bình Dương, ĐH Quốc tế Miền Đông (QTMĐ)… là nơi đào tạo quan trọng trong việc cung cấp nguồn nhân lực cho các KCN của tỉnh. Các trường ĐH tại Bình Dương đang rất quan tâm, cố gắng giúp tỉnh xây dựng đội ngũ cán bộ hoàn chỉnh. Thời gian qua, các trường ĐH xúc tiến, triển khai những chương trình phát triển đội ngũ cán bộ nói riêng và phát triển nguồn nhân lực cho Bình Dương nói chung.

PGS-TS Nguyễn Văn Hiệp, Hiệu trưởng trường ĐH Thủ Dầu Một cho biết: Là trường ĐH công lập đào tạo đa ngành, đa cấp, trường ĐH Thủ Dầu Một có sứ mệnh đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực có trình độ trung cấp, CĐ, ĐH và sau ĐH để phục vụ cho sự nghiệp CNH-HĐH tỉnh Bình Dương, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, tham gia vào đổi mới và phát triển giáo dục ĐH Việt Nam. Trong thời gian tới, nhà trường luôn cam kết đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh và các tỉnh, thành lân cận, hướng dẫn người lao động nhất là lao động trẻ có tri thức, đạo đức, có kỹ năng mềm, tốt nghiệp ra trường có việc làm với mức thu nhập cao, góp phần xây dựng tỉnh nhà phát triển nhanh, bền vững, trở thành đô thị công nghiệp, dịch vụ hiện đại, văn minh, giàu đẹp.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Để Bình Dương phát triển nhanh, bền vững thì nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là vấn đề quan trọng hàng đầu. Vì nguồn nhân lực là lực lượng sản xuất trực tiếp của xã hội. Phát triển nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng bậc nhất để tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa, là điều kiện tiên quyết bảo đảm sự phát triển nhanh và bền vững của tỉnh.

Chất lượng giáo dục - đào tạo tại các trường ĐH trong tỉnh đang ngày càng đáp ứng nguyện vọng của nhân dân Bình Dương, đặc biệt, phải kể đến sự đóng góp của các trường ĐH, CĐ, TCCN ngoài công lập, không sử dụng ngân sách Nhà nước. Các trường này góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, giúp cho tỉnh thực hiện định hướng, tầm nhìn chiến lược trong phát triển nguồn nhân lực để hướng tới nền kinh tế trí thức.

Sinh viên trong giờ học thực hành

 Các chỉ tiêu đã thực hiện đạt hoặc dự kiến sẽ đạt vào cuối năm 2015 theo chương trình Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Bình Dương giai đoạn 2011-2015: Tỷ lệ cán bộ, CC-VC có trình độ từ CĐ trở lên hiện chiếm 69,64%, trong đó có 5,16% có trình độ sau ĐH (mục tiêu đến năm 2015 là trên 70% có trình độ từ CĐ trở lên, trong đó có 5% có trình độ sau ĐH). Công chức cấp xã có trình độ ĐH đạt 57,16% (mục tiêu đến năm 2015 là 40%). Tỷ lệ giáo viên các cấp học trên chuẩn tăng cao và nhiều bậc học đã thực hiện vượt mục tiêu đề ra, trong đó giáo dục mầm non có 47,27% trên chuẩn, giáo dục tiểu học có 84,28% trên chuẩn, giáo dục trung học cơ sở có 71,39% trên chuẩn (mục tiêu đến năm 2015 có từ 40 - 45% giáo viên các cấp đạt trên chuẩn). Tuyển chọn 196 học viên tạo nguồn cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp xã (mục tiêu tuyển chọn 150 người). Đạt 6,6 bác sĩ/1 vạn dân (dự kiến đến cuối năm 2015 đạt mục tiêu đề ra là 6,8 bác sĩ/1 vạn dân). Đào tạo nghề: Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 68%, trong đó đào tạo nghề đạt 48% (dự kiến đến cuối năm 2015 đạt mục tiêu đề ra là trên 70%).

TS Nguyễn Văn Phúc, Hiệu trưởng trường ĐH QTMĐ cũng cho biết: Trường ĐH QTMĐ là một trường ĐH của doanh nghiệp nhà nước chủ lực của tỉnh, vừa đào tạo nhân lực trình độ cao cho xã hội; vừa góp phần thực hiện công tác đào tạo nguồn lực phục vụ quản lý kinh tế - xã hội và thu hút đầu tư nước ngoài. Trường được giao nhiệm vụ vừa đào tạo nhân lực trình độ cao cho xã hội; vừa góp phần thực hiện giải quyết bài toán nguồn nhân lực tại tỉnh Bình Dương và của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trước hết phải nâng cao chất lượng giáo dục. Ngoài việc trang bị cho học sinh những kiến thức cơ bản, cần gắn lý thuyết với thực hành và thực tế xã hội để tăng tính tự chủ, năng động cho học sinh ngay còn học phổ thông. Mở rộng, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng đào tạo nghề, gắn đào tạo với nhu cầu thực tế của xã hội, định hướng chiến lược phát triển của tỉnh, thực hiện tốt phương châm: “Đào tạo những ngành nghề xã hội cần”. Để làm được việc đó, bên cạnh việc ưu tiên đầu tư của Nhà nước, cần huy động sức mạnh của toàn xã hội, đặc biệt là sự nỗ lực của mỗi cá nhân để tự nâng cao kiến thức, tạo cho được phong trào tự học, tự nghiên cứu mạnh mẽ trong toàn xã hội.

Ông Trần Thanh Liêm, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nhấn mạnh: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo - quản lý, cán bộ khoa học kỹ thuật và đội ngũ công nhân lao động nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh trong giai đoạn mới là nhiệm vụ có tính chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh nhà. Điều đó một lần nữa cho thấy, Bình Dương luôn coi trọng vai trò của giáo dục - đào tạo đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Việc mở rộng sản xuất kinh doanh phải đi đôi với việc nâng cao hàm lượng tri thức và tăng mạnh số lượng nguồn nhân lực thông qua đào tạo, trong đó nguồn nhân lực chất lượng cao là cấp thiết, là mục tiêu quan trọng mà tỉnh Bình Dương cần phải giải quyết đồng bộ với sự phát triển toàn diện của tỉnh trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh hy vọng rằng, trong thời gian tới, các trường ĐH, CĐ trên địa bàn tỉnh sẽ cố gắng để cùng chung tay đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần thiết thực đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh đạt 80% vào năm 2020.

 NGỌC THANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1198
Quay lên trên