Trong xu thế hội nhập, việc đăng ký sở hữu trí tuệ (SHTT) có ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp (DN) Việt Nam. Chính vì vậy, nhận thức của xã hội, DN và nỗ lực của các ngành chức năng nhằm hỗ trợ DN trong lĩnh vực này là một yêu cầu bức thiết.
Ngành chức năng, các doanh nghiệp cần nỗ lực nhiều hơn trong phát triển tài sản trí tuệ. Trong ảnh: Sản xuất máy phát điện tại Công ty Cổ phần Sáng Ban Mai (TX.Bến Cát). Ảnh: XUÂN THI
Khó khăn của DN
Theo các chuyên gia đầu ngành, SHTT mang lại lợi ích thiết thực cho các DN như: Ngăn chặn việc làm giả; tránh xâm phạm quyền SHTT của người khác; tiếp cận thị trường mới thông qua nhượng quyền thương mại, liên doanh; bảo hộ những cải tiến đối với sản phẩm; huy động vốn… Song hiện nay, nhiều DN còn khá mù mờ về quyền SHTT đối với sản phẩm của mình. Một cuộc điều tra xã hội học gần đây cho thấy, có đến 80% DN vừa và nhỏ (VVN) chưa hiểu rõ tầm quan trọng của SHTT. Còn theo số liệu của Cục SHTT (Bộ Khoa học và Công nghệ), từ năm 2006-2016 lượng đơn đăng ký SHTT của các DN đạt 104.275 đơn; bình quân mỗi năm số đơn nhận được tăng từ 10 - 15%. So với nước ngoài, lượng đơn đăng ký SHTT hàng hóa của Việt Nam còn thấp, cụ thể như lĩnh vực sáng chế, đơn của người Việt Nam chỉ chiếm 9,5% trên tổng lượng đơn đã nộp để giữ bản quyền SHTT.
Tại những hội thảo liên quan đến vấn đề SHTT được tổ chức gần đây, nhiều chuyên gia cho rằng các DNVVN đa phần đều chỉ quan tâm đến vấn đề phát triển sản phẩm, gọi vốn đầu tư, lập kế hoạch marketing, bán hàng mà quên mất vấn đề SHTT, bảo vệ ý tưởng, bảo hộ thương hiệu - vốn là quyền pháp lý rất quan trọng. Thực trạng này đã đẩy DN trong nước đứng trước nguy cơ mất thương hiệu và bị kiện khi xâm hại quyền SHTT của người khác, nhất là trong xu thế hội nhập, hàng nhái, hàng giả đang tràn lan như hiện nay. Đối với các DN đăng ký giao dịch trên sàn thương mại điện tử, việc đăng ký về SHTT tại nhiều quốc gia càng có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo hộ sản phẩm.
SHTT là một loại tài sản vô hình nhưng lại có giá trị rất lớn đối với DN. Tại những nền kinh tế lớn trên thế giới như Mỹ, châu Âu, Nhật… vấn đề SHTT rất được các DN quan tâm; mỗi ý tưởng, sản phẩm, thương hiệu đều được bảo hộ độc quyền trước khi xuất hiện trên thị trường.
Theo ông Lý Ngọc Minh, Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ Bình Dương, Giám đốc Công ty TNHH Minh Long I (TX. Thuận An), về nguyên tắc, trước khi đưa sản phẩm ra thị trường, việc đầu tiên DN phải làm là tiến hành các thủ tục về xác lập quyền SHTT. Khi sản phẩm được luật pháp bảo hộ sẽ tránh được những phiền phức về tranh chấp nhãn hiệu, thương hiệu, bản quyền sản phẩm. Đây là con đường bảo đảm cho việc kinh doanh bền vững. Hiện nay, các DN trong Hiệp hội Gốm sứ rất chú trọng đến vấn đề này, song khó khăn lớn nhất là thời gian xét duyệt quyền SHTT còn khá chậm, ít nhất phải mất khoảng 6 tháng cho sản phẩm gốm sứ, gây khó khăn trong việc đưa hàng hóa lưu thông ra bên ngoài thị trường.
Ông Trần Thành Trọng, Chủ tịch Hiệp hội Cơ điện Bình Dương, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sáng Ban Mai (TX.Bến Cát) cũng cho biết, hầu hết các DN trong hiệp hội cơ điện đều thực hiện việc đăng ký bảo hộ SHTT cho sản phẩm của mình, nhưng khó khăn nhất là thời gian xét duyệt quá lâu, có những sản phẩm lên đến 3 năm, gây khó khăn cho DN, nhất là DN làm hàng xuất khẩu. Lý giải về việc còn nhiều DN không đăng ký quyền SHTT, ông Lý Ngọc Minh cho rằng cũng có thể do DN mù mờ về thông tin, ngại va chạm về thủ tục hành chính, hoặc do kiểu làm ăn không có chiến lược…
Cần sự đồng hành của ngành chức năng
Sau hơn 10 năm Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Chính phủ đang đàm phán một loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các DN tham gia kinh doanh và xuất nhập khẩu hàng hóa với các đối tác nước ngoài. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký ban hành Chỉ thị 38/CT-TTg về tăng cường thực hiện và khai thác hiệu quả các FTA với chính sách cụ thể đang được kỳ vọng sẽ tạo ra làn sóng hội nhập mạnh mẽ hơn đối với Việt Nam.
Lãnh đạo các DN đã đăng ký bảo hộ quyền SHTT thành công chia sẻ, vấn đề DN đang lo ngại là nguồn cung cấp thông tin về SHTT của các nước tại Việt Nam chưa nhiều. Trong khi đó, DN xuất khẩu đang gặp khó khăn khi đăng ký bảo hộ tại các nước với môi trường pháp lý phức tạp, khoảng cách địa lý nên bắt buộc họ phải chi một khoản đầu tư không nhỏ. Đối với việc đăng ký SHTT tại các quốc gia trên thế giới cũng còn rất thiếu thông tin. Chỉ riêng trong khối ASEAN, hệ thống pháp luật của các nước không đồng đều; các nước như Singapore, Thái Lan… có chính sách, quy định đăng ký SHTT chặt chẽ, nhưng tại một số nước khác thì hệ thống pháp luật còn lỏng lẻo, chưa hoàn thiện.
Tại cuộc họp lần thứ 44 trong khuôn khổ chương trình của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2017 được tổ chức tại nước ta, nhóm chuyên gia APEC về SHTT đã tập trung đối thoại về chính sách SHTT và thảo luận các biện pháp nhằm tăng cường tính hiệu quả của hệ thống bảo hộ SHTT, thực hiện hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền SHTT; nỗ lực triển khai có hiệu quả Kế hoạch hành động tập thể về SHTT nhằm đạt các mục tiêu của APEC về tự do hóa thương mại và đầu tư vào năm 2020… Qua đó góp phần nâng cao nhận thức của công chúng về SHTT; khuyến khích sử dụng, khai thác và thương mại hóa quyền SHTT...
Theo các chuyên gia, các ngành chức năng cần có nhiều hơn các hoạt động trao đổi thông tin, kinh nghiệm cần thiết nhằm phát triển thị trường, giúp DN tăng sức cạnh tranh trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu, nhất là trong lĩnh vực SHTT. Đặc biệt, DNVVN phải nhận thức được giá trị của SHTT và coi đó là một tài sản kinh doanh có giá trị và nghiên cứu, tận dụng linh hoạt các cam kết quốc tế cho phép, vận dụng kinh nghiệm thực tiễn và pháp luật về SHTT của các nước phù hợp theo điều kiện của Việt Nam. Các DN phải chấp nhận cuộc chơi, cạnh tranh bình đẳng với DN nước ngoài trong việc chủ động tìm ra phương thức và hướng đi phù hợp, phải biết cách dự báo, nâng cao kiến thức về SHTT, tìm hiểu kiến thức pháp luật hoặc thuê luật sư tư vấn. Nếu chưa đủ tiềm lực, các DN nên chủ động liên kết với thành viên hiệp hội và các cơ quan chức năng để được hỗ trợ về SHTT ở nước ngoài.
Ông Nguyễn Tấn Cường, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết, ngày 15-9- 2017, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2465/QĐ-UBND phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Bình Dương giai đoạn 2017-2020. Mục tiêu của chương trình nhằm đáp ứng 100% tập thể, cá nhân trên địa bàn tỉnh có yêu cầu về tuyên truyền, đào tạo về tạo lập, quản lý, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ; 100% cán bộ quản lý, cán bộ thực thi có nhu cầu học tập chuyên môn, nghiệp vụ liên quan đến SHTT; hỗ trợ cho ít nhất 250 hồ sơ đăng ký bảo hộ quyền SHTT; hỗ trợ đăng ký, quản lý quyền SHTT cho ít nhất 3 sản phẩm có chứa địa danh, dấu hiệu biểu trưng, lợi thế của tỉnh. Sở Khoa học và Công nghệ đang phối hợp với phòng kinh tế các huyện, thị, thành phố trong tỉnh triển khai hội nghị tập huấn “Bảo hộ quyền SHTT đối với nhãn hiệu” theo đúng mục tiêu của chương trình. Các cá nhân, tổ chức có nhu cần liên hệ trực tiếp với Sở Khoa học và Công nghệ.
TIỂU MY