Phát triển thương mại đi vào chiều sâu

Cập nhật: 13-02-2015 | 17:18:40

Năm 2014 đánh dấu bước chuyển động mạnh mẽ của thị trường bán lẻ ở Bình Dương. Một số tập đoàn bán lẻ tầm cỡ quốc tế đã mạnh dạn đầu tư hàng trăm triệu đô la Mỹ vào các dự án thương mại (TM) trên địa bàn tỉnh. Sự tham gia của những “đại gia” bán lẻ nước ngoài ở Bình Dương không chỉ giúp người tiêu dùng trong tỉnh tiếp cận dần với văn minh TM, văn minh đô thị mà còn thúc đẩy ngành TM - dịch vụ (DV) phát triển theo hướng hiện đại.

 Thị trường bán lẻ nhiều tiềm năng

Mặc dù đang chịu sự ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu nhưng năm 2014, Bình Dương vẫn được các nhà bán lẻ nổi tiếng trong và ngoài nước quan tâm đến đầu tư. Mới đây, Công ty TNHH Becamex Tokyu đã đưa vào hoạt động khu TM Hikari (giai đoạn I). Được đầu tư vốn lên hàng chục tỷ đồng, khu TM Hikari là một trong những dự án TM đầu tiên của khu phố vườn Tokyu tại Thành phố mới Bình Dương. Khu TM này được xây dựng theo tiêu chuẩn hiện đại, với kết cấu thép, một tầng, có tổng diện tích trên 33.000m2; trong đó diện tích khu cửa hàng trên 1.600m2 gồm các quầy bán hàng, nhà hàng, café, cửa hàng tiện lợi Family Mart (Nhật Bản) đáp ứng đầy đủ nhu cầu ẩm thực, thư giãn của cán bộ làm việc tại Trung tâm Hành chính tập trung của tỉnh và cư dân trong khu vực.

 Nhiều đại gia bán lẻ đã đầu tư vào thị trường bán lẻ tại Bình Dương. Trong ảnh: Khách hàng mua sắm tại Aeon Mall Bình Dương Ảnh: X.THI

Tháng 11-2014, Aeon Mall, thương hiệu nổi tiếng của Nhật Bản đã khai trương trung tâm (TT) TM tại TX.Thuận An. TT có tổng vốn đầu tư gần 100 triệu đô la Mỹ; tổng diện tích xây dựng trên 75.000m2, trong đó diện tích kinh doanh trên 45.000m2. Sự có mặt của nhà bán lẻ này đã mang đến cho người tiêu dùng Bình Dương thêm một địa chỉ trải nghiệm mới. Đến với Aeon Mall không chỉ để mua sắm mà còn để vui chơi, giải trí trong một không gian hiện đại, tiện lợi. Cách đây không lâu, Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc) đã khai trương TTTM cũng tại TX.Thuận An. TT tích hợp hiện đại rộng trên 21.000m2 cung cấp những sản phẩm, dịch vụ theo phong cách Hàn Quốc cho khách hàng tại địa phương và các vùng lân cận. Trước đó, thị trường bán lẻ ở Bình Dương cũng đã đón nhận các đại gia bán lẻ tên tuổi quốc tế như Metro Cash & Carry (Đức), Big C (Tập đoàn Casino Pháp).

Có thể thấy, sự chọn lựa và xuất hiện ngày càng nhiều doanh nghiệp nước ngoài có tầm cỡ trong lĩnh vực bán lẻ đang tạo cú hích mới đối với thị trường Bình Dương nhiều tiềm năng và sôi động.

Dịch chuyển theo hướng hiện đại

Song hành cùng sự phát triển công nghiệp, từ sau ngày tái lập tỉnh (1-1- 1997), đến nay TM-DV là ngành kinh tế lớn thứ 2 (chiếm 35,5% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của Bình Dương. Vào thập niên 90 của thế kỷ trước, TM của Bình Dương vẫn phát triển theo hướng doanh nghiệp Nhà nước với hệ thống phân phối bán lẻ là các cửa hàng bách hóa tại các TT TX.Thủ Dầu Một, huyện Thuận An (cũ) và giao dịch mua bán tại các chợ phiên, chợ quê tại vùng nông thôn, hoạt động theo cơ chế bao cấp và đang dịch chuyển dần sang kinh tế thị trường. Nhìn lại 10 năm về trước, năm 2004, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đánh dấu bước ngoặt mới khi khai trương siêu thị (ST) đầu tiên ở Bình Dương tại chợ Thủ Dầu Một, phường Phú Cường, TX.Thủ Dầu Một, mở ra cái nhìn mới cho người tiêu dùng Bình Dương về hình thức TM hiện đại. Tiếp đó, mô hình ST, TTTM lần lượt được mở ra ở các huyện, thị phía nam của tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh đã phát triển 11 ST, 8 TTTM và 95 chợ.

 Khách hàng mua sắm tết tại Siêu thị Big C Bình Dương Ảnh: T.HỒNG

Để đạt được kết quả nói trên, Bình Dương đã có nhiều nỗ lực thực hiện các chương trình, giải pháp nhằm khai thác hợp lý, có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của từng địa phương để đẩy mạnh phát triển TM. Đòn bẩy phát triển ngành TM của tỉnh đó là hạ tầng TM được đầu tư hoàn chỉnh, phát triển nhanh hệ thống cầu đường, sớm hình thành các đường vành đai, các trục đường xuyên tâm, các đường kết nối khu công nghiệp, khu chế xuất, TTTM và khu dân cư tạo đà cho phát triển nhanh các dự án TM. Song song đó, việc thu hút đầu tư xây dựng, quản lý chợ cũng được thực hiện từ nhiều năm qua.

Giai đoạn 2000-2004, toàn tỉnh có 86 chợ, hầu hết là chợ loại 3 với kết cấu nhà tạm, khung tiền chế. Đến nay, Bình Dương đã phát triển lên 95 chợ với vốn đầu tư hàng trăm tỷ đồng, từ nguồn vốn xã hội hóa. Tại địa bàn nông thôn, tỉnh đã chú trọng phát triển chợ theo chương trình nông thôn mới dưới hình thức kêu gọi đầu tư, xã hội hóa để phục vụ nhu cầu của người dân vùng nông thôn, đồng thời từng bước phát triển các vùng nông thôn theo hướng đô thị hóa, hiện đại hóa. Theo đó, hiện nay toàn tỉnh có 23/48 xã xây dựng nông thôn mới đạt tiêu chuẩn số 7 về chợ.

Để tạo nên bức tranh TM tươi sáng hơn trong những năm qua, còn phải kể đến hiệu quả tích cực từ các chương trình bình ổn thị trường, hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa của tỉnh. Bên cạnh đó, phiên chợ vui cho công nhân cũng được các cấp, các ngành và doanh nghiệp thực hiện hiệu quả… đã góp phần tạo đà cho phát triển TM theo chiều sâu và dịch chuyển TM theo hướng hiện đại.

Theo đánh giá của ông Hồ Văn Bình, Phó Giám đốc Sở Công thương, chủ trương mở rộng không gian đô thị, hệ thống giao thông được phát triển rộng khắp đã tạo thuận lợi cho việc vận chuyển lưu thông hàng hóa giữa các phường với các địa phương trong và ngoài tỉnh. Cùng với đó, các chợ truyền thống hiện hữu được tỉnh quan tâm cải tạo nâng cấp nhằm bảo đảm an toàn phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như phù hợp mỹ quan đô thị và giữ gìn trật tự an toàn giao thông. “Sự phát triển của mạng lưới bán lẻ truyền thống và hiện đại đã đáp ứng được sự gia tăng về quy mô và trình độ phát triển nhu cầu mua sắm của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, góp sức tạo nên những nét chấm phá cho ngành TM của tỉnh Bình Dương”, ông Bình cho biết.

Sức hút từ Bình Dương

Theo ông Hồ Văn Bình, thời gian qua Bình Dương được đánh giá là một trong những thị trường tiềm năng đối với ngành bán lẻ với dân số trên 1,8 triệu người, hơn 17.000 doanh nghiệp trong và ngoài nước đang hoạt động và nhà đầu tư đến với Bình Dương đang tiếp tục gia tăng; cùng với đó hạ tầng TM không ngừng được đầu tư, cải thiện... Đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bán lẻ trong nước lẫn nước ngoài nắm bắt, tận dụng và khai thác tốt. Hơn nữa, Bình Dương đang dần trở thành một trong những địa phương tiêu thụ hàng bán lẻ ở mức khá cao so với các tỉnh trong khu vực với tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ đạt gần 90.000 tỷ đồng trong năm 2014; tỷ lệ tăng của ngành này luôn duy trì mức trên 24% mỗi năm trong 5 năm qua.

Thông tin chung từ các ST, TTTM như Big C Bình Dương, Co.opmart Bình Dương, Vinatex Mỹ Phước… cho thấy, cạnh tranh bán lẻ tại Bình Dương tuy đang diễn ra khá quyết liệt nhưng doanh thu bán hàng của các đơn vị này luôn tăng trưởng ở mức 2 con số, đây là con số khá lý tưởng đối với ngành TM. Thống kê mới đây cho thấy, số lượng người tiêu dùng đến mua sắm tại các TTTM, ST trên địa bàn tỉnh tăng cao. Riêng tại Aeon Mall Bình Dương, trong thời gian đầu khai trương đã đón trung bình 100.000 - 130.000 lượt khách/ ngày, doanh thu đạt trung bình 12 - 15 tỷ đồng/ngày. Aeon Mall Bình Dương cũng không ngần ngại đặt kế hoạch đạt doanh số khoảng 100 triệu đô la Mỹ/năm trong thời gian tới... Với kết quả hoạt động và mục tiêu kỳ vọng của các ST, TTTM trên địa bàn tỉnh có thể khẳng định, Bình Dương là thị trường rộng lớn, đầy tiềm năng mà các doanh nghiệp bán lẻ trong và ngoài nước đang chủ động nắm bắt và phát triển mạnh.

Thị trường bán lẻ Việt Nam được xếp hạng là một trong 7 thị trường sinh lợi nhiều nhất trên thế giới, do vậy các nhà phân phối trong và ngoài nước đã và đang nghiên cứu để nắm bắt thị phần thị trường này. Hơn nữa, năm 2015, hàng loạt hiệp định tự do TM có hiệu lực hoặc được ký kết như ASEAN+6, Việt Nam - Liên minh châu Âu, Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định đối tác toàn diện khu vực… sẽ tạo điều kiện thu hút đầu tư và mở rộng thị trường bán lẻ, qua đó thúc đẩy tăng trưởng.

Phân tích các điều kiện trong và ngoài nước, với những thuận lợi nội tại cho thấy, bức tranh ngành TM của Bình Dương sẽ có nhiều thay đổi. “Với tiềm năng và thế mạnh sẵn có, dòng vốn hứa hẹn sẽ tiếp tục đổ mạnh vào ngành bán lẻ ở Bình Dương, thúc đẩy TM của tỉnh giao thương phát triển. Bức tranh TM của Bình Dương được dự báo cũng sẽ thay đổi nhanh chóng nhờ vào cơ cấu dân số gia tăng, sức mua tăng trưởng bền vững trong những năm qua, thu nhập bình quân đầu người không ngừng tăng và nhu cầu gia tăng sử dụng dịch vụ TM cao cấp, ý thức về hàng gian hàng giả... của người dân ngày càng nâng cao sẽ là những yếu tố thúc đẩy sự hiện diện của các “đại gia” bán lẻ toàn cầu tại Bình Dương trong thời gian tới”, ông Hồ Văn Bình nói.

 ÔNG TRẦN THANH LIÊM, PHÓ CHỦ TỊCH UBND TỈNH: "TM-DV là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh trong thời gian tới"

Quan điểm tổng quát phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020, định hướng 2025 xác định, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh khu vực TM-DV, phát triển đô thị, công nghệ cao… Theo đó, TM-DV được chọn là ngành trọng yếu để xây dựng Bình Dương trở thành một trong những địa phương phát triển TM-DV theo hướng hiện đại, góp phần đưa nền kinh tế của tỉnh phát triển nhanh và bền vững.

ÔNG YASUO NISHITOHGE, TỔNG GIÁM ĐỐC CÔNG TY TNHH AEON MALL VIỆT NAM: "Bình Dương đã hỗ trợ chúng tôi rất nhiều"

Từ khi Aeon bắt đầu xin chủ trương, giải phóng mặt bằng, xây dựng trung tâm… chúng tôi luôn nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của chính quyền địa phương. Sự trợ giúp kịp thời ấy đã giúp Aeon Mall hoạt động thông suốt và hoàn thành dự án đúng kế hoạch. Chúng tôi hy vọng sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của địa phương và các đơn vị liên quan để công ty duy trì an ninh, trật tự an toàn giao thông thật tốt, qua đó mang đến cho khách hàng những trải nghiệm tốt nhất, an toàn nhất khi mua sắm, sử dụng dịch vụ của Aeon Mall.

ÔNG NAKATA, TỔNG GIÁM ĐỐC CÔNG TY TNHH BECAMEX TOKYU: "Cung cấp cho cư dân không gian TM nhiều tiện ích"

Thông qua kế hoạch phát triển TM, chúng tôi muốn cung cấp cho cư dân nơi đây một không gian TM nhiều tiện ích, đề xuất một phong cách sống mới cho cư dân, người làm việc trong Thành phố mới Bình Dương nhằm xây dựng một thành phố ai nấy đều muốn chuyển đến sinh sống và làm việc. Chúng tôi hy vọng, khu TM Hikari có thể điểm tô thêm sắc màu cho cuộc sống, cũng như tạo nên một không gian ấm cúng, gần gũi để mọi người có thể cùng giao lưu và chia sẻ về phong cách, thời gian yêu thích của mình.

CHỊ NGUYỄN THỊ THÁI HẰNG (PHƯỜNG PHÚ CƯỜNG, TP.THỦ DẦU MỘT): "Các ST, TTTM đáp ứng nhu cầu về hàng tiêu dùng"

Những năm trước, người dân muốn mua sắm, giải trí theo nhu cầu phải xuống tận TP.HCM. Nhưng nay, các ST, TTTM ở Bình Dương phục vụ mọi nhu cầu về hàng hóa của người tiêu dùng. Đặc biệt, sự xuất hiện ngày càng nhiều doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài sẽ tạo ra một môi trường mua sắm hoàn hảo cho người dân và mở ra một trải nghiệm mới mẻ đối với người tiêu dùng Bình Dương.

THANH HỒNG (ghi)

TRÚC HUỲNH

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=807
Quay lên trên