Phó Chủ tịch nước phát biểu tại Hội nghị Cấp cao Pháp ngữ

Cập nhật: 30-11-2014 | 06:08:40

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan và các trưởng đoàn chụp ảnh chung. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Ngày 29-11, tại Trung tâm Hội nghị quốc tế ở thủ đô Dakar của Senegal đã diễn ra lễ khai mạc trọng thể Hội nghị Cấp cao các nước sử dụng tiếng Pháp lần thứ 15.

Tham dự có 28 tổng thống, thủ tướng và lãnh đạo cấp cao của 77 nhà nước và chính phủ thành viên Tổ chức quốc tế Pháp ngữ, đại diện nhiều tổ chức quốc tế và khu vực, đặc biệt là Liên hợp quốc và Liên minh châu Phi (AU). Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị.

Chủ đề của hội nghị năm nay là “Phụ nữ và thanh niên trong Cộng đồng Pháp ngữ: động lực của hòa bình, chủ thể của phát triển.”

Là đại diện duy nhất của châu Á-Thái Bình Dương, phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã bày tỏ quan ngại trước tình hình an ninh, chính trị thế giới ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường, đặc biệt là các điểm nóng, xung đột, khủng hoảng, tranh chấp gia tăng và các thách thức toàn cầu như khủng bố, biến đổi khí hậu, đói nghèo, dịch bệnh…; kêu gọi Cộng đồng Pháp ngữ tăng cường đoàn kết và đẩy mạnh các nỗ lực chung nhằm ứng phó với những thách thức này.

Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh các cuộc khủng hoảng, xung đột cần và hoàn toàn có thể được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, trên tinh thần đối thoại và hợp tác; cảm ơn và đề nghị Cộng đồng Pháp ngữ tiếp tục ủng hộ quan điểm của các nước Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Việt Nam giải quyết các tranh chấp, trong đó có tranh chấp ở Biển Đông, bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc.

Phó Chủ tịch nước cho rằng việc ưu tiên nguồn lực và tăng cường hợp tác nhằm xử lý nguồn gốc sâu xa của các cuộc khủng hoảng, xung đột như đói nghèo, lạc hậu, chậm phát triển, dịch bệnh… là hướng đi đúng đắn; đề nghị Tổ chức quốc tế Pháp ngữ tăng cường hỗ trợ các nước thành viên tái cấu trúc nền kinh tế, tạo công ăn việc làm và tăng trưởng bền vững; thúc đẩy các hình thức hợp tác, liên kết kinh tế trong không gian Pháp ngữ, trong đó có hợp tác Nam-Nam và ba bên..., vì một cộng đồng Pháp ngữ ngày càng hòa bình, thịnh vượng.

Nhất trí với chủ đề của hội nghị cấp cao lần này, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đánh giá cao vai trò của phụ nữ và thanh niên trong việc bảo vệ hòa bình, an ninh và phát triển kinh tế, xã hội; nêu bật kinh nghiệm của Việt Nam trong việc thúc đẩy bình đẳng giới và những đóng góp của phụ nữ và thanh niên Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc trước đây và xây dựng đất nước hiện nay.

Phó Chủ tịch nước đề nghị Cộng đồng Pháp ngữ tăng cường quan tâm và dành nguồn lực cho các chương trình, dự án bảo vệ quyền và tăng cường sự tham gia của phụ nữ và thanh niên trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội, nhất là đối với các doanh nhân nữ và doanh nhân trẻ.

Phó Chủ tịch nước đánh giá cao việc Cộng đồng Pháp ngữ tăng cường quan tâm đến châu Á-Thái Bình Dương và thúc đẩy quan hệ hợp tác với các nước thành viên tại khu vực; khẳng định Việt Nam sẽ nỗ lực nhằm tăng cường đóng góp với vai trò cầu nối, thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Tổ chức quốc tế Pháp ngữ với ASEAN nói riêng và châu Á-Thái Bình Dương nói chung.

Phó Chủ tịch nước cũng nêu bật đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, vì hòa bình, hợp tác và phát triển, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế của Việt Nam. Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh Việt Nam rất coi trọng các hoạt động đối ngoại đa phương, trong đó có việc tích cực phát huy vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền và lần đầu tiên đã cử lực lượng tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.

Nhân dịp này, Phó Chủ tịch nước đánh giá cao những đóng góp to lớn Tổng Thư ký Tổ chức quốc tế Pháp ngữ Abdou Diouf đối với sự phát triển của Cộng đồng Pháp ngữ trong thời gian qua.

Hội nghị các nhà lãnh đạo nhà nước và chính phủ các nước có sử dụng tiếng Pháp được tổ chức 2 năm một lần. Hội nghị đầu tiên được tổ chức vào năm 1986 tại Pháp, với các đại diện từ 41 nước có sử dụng tiếng Pháp. Việt Nam đã đăng cai hội nghị lần thứ 7 năm 1997. Đây là hội nghị có tầm quan trọng đặc biệt vì đã thông qua Hiến chương Pháp ngữ, bầu ra Tổng Thư ký đầu tiên của Cộng đồng Pháp ngữ và đề cao hợp tác kinh tế Pháp ngữ.

Cộng đồng Pháp ngữ hiện có 57 quốc gia và lãnh thổ thành viên cùng 20 quốc gia quan sát viên. Cộng đồng Pháp ngữ đã và đang ngày càng đóng vai trò quan trọng, hoạt động tích cực trên nhiều lĩnh vực như hòa bình-an ninh, đa dạng ngôn ngữ và văn hóa, đoàn kết và phát triển bền vững./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=464
Quay lên trên