Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc: Đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, quản lý chặt đầu tư

Cập nhật: 15-11-2024 | 13:58:42

Phó Thủ tướng nêu rõ, “giải ngân vốn đầu tư công đúng ra trách nhiệm của ai người đó làm, không phải đôn đốc,” “quy định pháp luật chồng chéo, vướng mắc thì có đôn đốc cũng không làm được.”


Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc, tổ trưởng Tổng công tác phát biểu.

Sáng 15/11, họp Tổ công tác số 4 và số 7 về kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2024, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc, Tổ trưởng hai Tổ công tác lưu ý phải tập trung làm, làm nhanh, làm mạnh, nhưng phải làm chắc chắn, bền vững, đảm bảo chất lượng.

Quản lý đầu tư chặt chẽ

Phó Thủ tướng nêu rõ, “giải ngân vốn đầu tư công đúng ra trách nhiệm của ai người đó làm, không phải đôn đốc,” “quy định pháp luật chồng chéo, vướng mắc thì có đôn đốc cũng không làm được.”

Với yêu cầu của Hội nghị Trung ương 10 vừa qua là làm thế nào thúc đẩy kinh tế nhanh nhất, sử dụng nguồn lực một cách hiệu quả nhất, tránh ứ đọng nguồn lực, vướng mắc, gây khó khăn, cũng như chỉ đạo của Tổng Bí thư, chúng ta bước sang kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình, phát triển thịnh vượng, Chính phủ đã đề nghị sửa các luật: Luật Đầu tư công, Luật Quy hoạch, Bộ Tài chính xây dựng 1 luật sửa 7 luật, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao nhiệm vụ chủ trì 1 luật sửa 4 luật.

“Chúng tôi rất hy vọng sau khi Quốc hội biểu quyết thông qua, các quy định của pháp luật được ban hành chúng ta làm sẽ thuận lợi hơn,” chia sẻ điều này, Phó Thủ tướng dẫn chứng: Luật Đầu tư công có nhiều nội dung sửa đổi rất mới như giao địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm.

Vốn đầu tư sau khi được các bộ, ngành, địa phương trình lên sẽ giao danh mục về cho địa phương quyết định làm và được điều chỉnh từ dự án này sang dự án khác, không phải trình lên trên, miễn là không vượt tổng mức vốn giao cho địa phương. Vốn chương trình mục tiêu cũng đổi mới theo hướng đó. Như vậy sẽ không mất nhiều thời gian, dự án sớm hoàn thành và phát huy hiệu quả.

Theo Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc, dự án dở dang sẽ kéo theo nhiều hệ lụy, nhà thầu suy yếu, không trả được khối lượng, chất lượng công trình ngày một giảm sút. Dự án liên quan đến công nghệ nếu kéo dài thời gian công nghệ sẽ lạc hậu, không đáp ứng yêu cầu, lãng phí là hiện hữu.

Lấy ví dụ cụ thể về dự án đường cao tốc, Phó Thủ tướng cho rằng, chạy theo số lượng mà không quản chặt chất lượng để xảy ra lún, sụt thì hậu quả rất lớn, như dự án cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi do VEC làm chủ đầu tư đã phải “trả giá,” Khi giao cho địa phương quyết phải tính toán kỹ.

“Khoán trắng cho tư vấn làm, hôm sau đường bị sụt, lún, vỡ là các đồng chí phải chịu hết, cho nên phải tính toán từ khâu thiết kế, con đường đó những phương tiện nào đi, chịu lực như thế nào?” Phó Thủ tướng nhấn mạnh, đồng thời yêu cầu phải tính đến tầm nhìn dài hạn, đảm bảo tuổi thọ của công trình.

Yêu cầu các tỉnh miền núi cân đối lại tổng thu ngân sách, đặc biệt là thu tiền sử dụng đất, để cam kết với Chính phủ cho đúng, Phó Thủ tướng lưu ý, nếu không đúng, phải họp ngay Ủy ban Nhân dân, Hội đồng Nhân dân, đề nghị Chính phủ bố trí bổ sung vốn vào chương trình trung hạn thì công trình mới phát huy được hiệu quả, tránh bỏ dở dang khi thiếu vốn, dẫn đến không quyết toán được, mà bài học từ dự án Bệnh viện Việt Đức và Bạch Mai cơ sở 2 ở Hà Nam là một ví dụ.

“Phải tập trung đẩy nhanh đúng tiến độ, quản trị rất tốt. Phải cân đối tài khóa, nguồn thu ngân sách, không phải cam kết cho được việc để sau này không ai xử lý rất mệt,” Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Tổ trưởng Tổ công tác cũng lưu ý, chỉ còn 45 ngày nữa hết năm 2024, tỷ lệ giải ngân đang rất thấp, các bộ, ngành trung ương chỉ được 36,09%, các địa phương được 52,19%, để giải ngân đạt 95% vốn như đã cam kết là phải nỗ lực rất lớn, khối lượng phải làm ngày, làm đêm, thủ tục phải kịp thời.

Phải tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công từ nay đến cuối năm, quản lý đầu tư chặt chẽ, nguy hiểm nhất là vi phạm về khối lượng và chất lượng công trình, đây là nguyên nhân của những nguyên nhân xảy ra thất thoát. Bên cạnh đó, tập trung tháo gỡ các vướng mắc, các bộ, ngành phải đáp ứng kịp thời yêu cầu của địa phương; quyết tâm hoàn thành khối lượng trước ngày 31/12/2024.

Phó Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, trong đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét đề nghị của các tỉnh để điều chỉnh tổng mức đầu tư, thủ tục đầu tư, chuyển nguồn, tháo gỡ thủ tục đầu tư có vướng mắc, tham mưu bố trí vốn bổ sung cho các dự án, để hoàn thành đúng tiến độ, phát huy hiệu quả, sớm đưa công trình vào bàn giao, sử dụng. Bộ Tài chính tháo gỡ về nguồn vốn ODA, bố trí vốn, điều chỉnh vốn đầu tư khi có ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Tỷ lệ giải ngân thấp

Báo cáo của Bộ Kế hoạch cho thấy, tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2024 Thủ tướng Chính phủ giao cho 21 đơn vị (10 bộ, cơ quan trung ương, 11 địa phương) thuộc Tổ công tác số 4 là 47.236,241 tỷ đồng (chiếm 6,9% tổng kế hoạch đầu tư vốn của cả nước).

Hiện chỉ còn Bộ Tài chính chưa phân bổ hết kế hoạch vốn được giao với số vốn còn lại chưa phân bổ là 44,013 tỷ đồng, do chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư, chiếm 0,09% tổng kế hoạch đầu tư vốn của các đơn vị thuộc Tổ công tác số 4 và chiếm 0,3% tổng số vốn chưa phân bổ của cả nước.

Tỷ lệ giải ngân 10 tháng đạt 59,8% kế hoạch được Thủ tướng giao, cao hơn mức trung bình của cả nước (52,46%). Trong đó, 4 cơ quan trung ương và 8 địa phương có tỷ lệ giải ngân cao hơn tỷ lệ giải ngân bình quân chung của cả nước; 5 bộ, cơ quan trung ương và 3 địa phương tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình của cả nước.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2024 được giao cho 5 địa phương thuộc Tổ công tác số 7 là 21.807,443 tỷ đồng. Đến thời điểm báo cáo, 5 địa phương đã phân bổ hết kế hoạch vốn được giao.

Số vốn đã phân bổ chi tiết của 5 địa phương: 26.113,333 tỷ đồng, đạt 119,75% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Cơ bản các địa phương đều giao cao hơn kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (do giao tăng phần ngân sách địa phương).

Đến hết tháng 10/2024, tổng số vốn giải ngân của 5 địa phương đạt 48,36% kế hoạch (thấp hơn mức bình quân cả nước), trong đó 3 địa phương (Đắk Lắk 60,49%; Đắk Nông 50,89%; Gia Lai 51,76%) có tỷ lệ giải ngân cao hơn mức trung bình cả nước, 2 địa phương (Kon Tum 42,93%, Lâm Đồng 38,37%) có tỷ lệ giải ngân thấp hơn mức trung bình cả nước. Ước giải ngân cả năm của 4/5 địa phương (Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng) đều đạt từ 95% trở lên, riêng tỉnh Đắk Nông dự kiến giải ngân chỉ đạt 92% (dưới 95%).

Nhiều vướng mắc

Các khó khăn, vướng mắc chủ yếu trong thực hiện giải ngân vốn đầu tư công của các đơn vị thuộc hai Tổ công tác nằm ở quy định của pháp luật; công tác chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng; khâu thực hiện dự án và trong thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Quy trình, thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác theo quy định của Luật Lâm nghiệp còn phức tạp, tốn nhiều thời gian, chưa tạo sự chủ động cho địa phương và làm ảnh hưởng đến tiến độ chung triển khai thực hiện các dự án là những vướng mắc của các tỉnh Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum.

Đại diện tỉnh Cao Bằng cho biết, tỷ lệ giải ngân của địa phương đạt thấp, đến nay giải ngân mới đạt 48,1%. Khó khăn lớn nhất là giải ngân vốn của dự án đường cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, số vốn rất lớn nhưng tỷ lệ giải ngân còn thấp. Nguyên nhân do mưa, lũ quét kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện. Tỉnh đang đẩy nhanh tiến độ thi công trong mùa khô và cam kết sẽ giải ngân đạt 95% vốn năm 2024.

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Điện Biên Phạm Đức Toàn thông tin, đến hết tháng 10/2024, tỉnh giải ngân đạt 58,4%. Với một tỉnh khó khăn như Điện Biên, nguồn đầu tư công là nguồn lực rất quan trọng trong thúc đẩy kinh tế-xã hội trên địa bàn, tỷ lệ giải ngân trên chưa đạt được yêu cầu nhiệm vụ đề ra.

Ông Phạm Đức Toàn nêu các nguyên nhân như nguồn thu từ sử dụng đất năm 2024 đạt thấp so với dự toán được giao do tình hình khó khăn chung, điều kiện thời tiết không thuận lợi, nguồn vật liệu, nhất là nguồn cát rất khó khăn, đơn giá tăng mạnh, nguồn cung được cấp phép không đáp ứng nhu cầu, ảnh hưởng đến quá trình thi công của các dự án trong giai đoạn nước rút, trọng điểm. Bên cạnh đó có nguyên nhân chủ quan là do năng lực, công tác tư vấn, quản lý từ chủ đầu tư đến các đơn vị thi công cũng cần chấn chỉnh, thời gian qua tỉnh thường xuyên tổ chức họp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Nằm trong số các địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp dưới mức trung bình của cả nước, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lai Châu Lê Văn Lương chia sẻ các khó khăn trong giải phóng mặt bằng, vật liệu xây dựng, thiếu cát sỏi do vướng Luật Khoáng sản và hiện nay vẫn chưa tháo gỡ được. Thu từ sử dụng đất cũng rất thấp, ảnh hưởng đến kết quả giải ngân.

Cũng tại cuộc họp, đại diện các Bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường đã trả lời các ý kiến, kiến nghị của các địa phương./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=442
Quay lên trên