Sáng qua (21-10), tại kỳ họp lần thứ X, Quốc hội khóa XIV, ông Phạm Trọng Nhân, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã có bài phát biểu góp ý về dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi), theo đó cơ bản bày tỏ sự đồng tình với báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) tại kỳ họp này.
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương tham dự kỳ họp thứ X, Quốc hội khóa XIV trực tuyến tại điểm cầu Bình Dương. Ảnh: XUÂN THI
Tuy nhiên, theo ông Phạm Trọng Nhân, nếu đặt dự thảo luật trong tương quan với Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và Quyết định 749 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” thì có thể thấy nhiều quy định vẫn chưa đáp ứng được tinh thần Nghị quyết 52 cũng như chương trình chuyển đổi số quốc gia. Nhiều điều khoản của dự luật, đặc biệt là thủ tục đăng ký cư trú chưa thể đáp ứng yêu cầu “ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến vào đăng ký, quản lý cư trú” mà ngay từ đầu Tờ trình của Chính phủ đã đặt ra.
Cụ thể, về hồ sơ đăng ký thường trú, điểm c khoản 2 Điều 21 quy định “Giấy tờ, tài liệu chứng minh các điều kiện khác quy định tại điểm b, điểm c khoản 2 Điều 20 của luật này”. Đối chiếu điểm b, điểm c khoản 2 Điều 20 thì để đăng ký thường trú, người cao tuổi, người khuyết tật phải chứng minh quan hệ nhân thân với anh, chị, em ruột, cháu ruột; người khuyết tật, mất khả năng lao động, người bị bệnh tâm thần hoặc các bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi về ở với ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh, chị, em ruột, cô, dì, chú bác, cậu ruột, cháu ruột, người giám hộ… Nếu bỏ sổ hộ khẩu, ngoài giấy khai sinh chứng minh quan hệ nhân thân cha, mẹ, con; giấy đăng ký kết hôn chứng minh quan hệ vợ chồng thì không còn loại giấy tờ nào có thể chứng minh quan hệ nhân thân giữa công dân với anh, chị, em ruột, ông, bà, cô, cậu, dì, chú... ngoại trừ lý lịch đảng viên. Trong trường hợp những công dân trên không phải là đảng viên thì họ phải làm thế nào để chứng minh quan hệ nhân thân này? Bên cạnh đó, điểm a khoản 2 Điều 21 quy định hồ sơ đăng ký thường trú có tờ khai thay đổi thông tin cư trú, trong đó ghi rõ ý kiến đồng ý cho đăng ký thường trú của chủ hộ, chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp. Như vậy, vì sao trong tờ khai thay đổi thông tin cư trú không xác định cả quan hệ nhân thân cho các đối tượng điều chỉnh như trên để công dân bớt phiền hà về thủ tục hành chính mà trong thực tế người bị bệnh tâm thần không thể thực hiện được điều này?
Ngoài ra, khoản 1 Điều 22 về thủ tục đăng ký thường trú và khoản 2 Điều 28 về hồ sơ, thủ tục đăng ký tạm trú, gia hạn tạm trú dự thảo quy định “Người đăng ký nộp hồ sơ tại cơ quan đăng ký cư trú nơi mình cư trú”. Như vậy, dự luật lần này đã không đặt ra trường hợp cho phép công dân nộp hồ sơ đăng ký thường trú và tạm trú qua môi trường mạng, mà tất cả đều phải thực hiện tại cơ quan đăng ký cư trú.
Từ quy định còn khá nhiều giấy tờ đến thủ tục đăng ký cư trú phải được thực hiện tại cơ quan đăng ký cư trú đã cho thấy sự không tương đồng trong yêu cầu, đòi hỏi nâng cao hiệu quả quản lý xã hội thông qua nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu tiên tiến của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mà Nghị quyết 52 đề ra, cũng như đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp được nêu trong chương trình chuyển đổi số quốc gia. Quan trọng hơn, đây có thể là mảnh đất tạo điều kiện cho sự nhũng nhiễu tiếp tục tồn tại, chưa đúng với nguyên tắc “Trình tự, thủ tục đăng ký cư trú phải đơn giản, thuận tiện, kịp thời, chính xác, công khai, minh bạch, không gây phiền hà...” mà khoản 3 Điều 3 dự thảo đã quy định.
Do đó, trong thủ tục đăng ký thường trú, tạm trú, dự thảo phải mở thêm sự lựa chọn cho công dân, tương ứng và phù hợp với tiến trình cải cách thủ tục hành chính. Tương tự như vậy, khoản 3 Điều 28 quy định trong thời gian 30 ngày trước ngày kết thúc thời hạn tạm trú đã đăng ký, công dân phải làm thủ tục gia hạn tạm trú và thủ tục này cũng phải được thực hiện tại cơ quan quản lý cư trú. Vì sao không cho công dân xác thực như cách làm gia hạn các gói cước điện thoại, vừa nhanh, vừa đơn giản, trong khi đó nếu không gia hạn thì rất nhiều tình huống xảy ra có thể dẫn đến những rắc rối.
Theo quy định tại Điều 24 và Điều 29, công dân sẽ bị xóa đăng ký thường trú trong trường hợp vắng mặt từ 12 tháng liên tục và xóa đăng ký tạm trú trong trường hợp vắng mặt tại nơi tạm trú từ 6 tháng liên tục trở lên mà không đăng ký tạm trú tại chỗ ở khác. Vấn đề đặt ra là cách thức nào để nhà chức trách biết được công dân vắng mặt liên tục suốt thời gian trên trừ khi định vị công dân hoặc theo dõi họ liên tục. Đồng thời, sau khi xóa đăng ký thường trú và tạm trú thì Nhà nước sẽ quản lý những trường hợp này như thế nào trong khi thực tế họ vẫn còn sống mà vì lý do nào đó họ chưa thể hoàn thành quy định đăng ký thường trú và tạm trú theo quy định? Nếu xóa đăng ký thường trú, tạm trú thì xét về tính pháp lý phải cho họ tồn tại một nơi nào đó để quản lý mà không thể xóa vĩnh viễn. Thực thế nếu sử dụng hệ thống điện tử thì đây chỉ là một thông tin để theo dõi biến động về nơi ở công dân mà thôi. Trong khi đó nếu thật sự liên thông hệ thống thì chỉ cần các giao dịch dân sự như hóa đơn điện, nước, điện thoại, hóa đơn siêu thị, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế… sẽ chứng minh được địa điểm, khu vực hiện tại của công dân sinh sống.
“Những ngày gần đây, ngành công an đang tiến hành thu thập thông tin công dân để xây dựng cơ sở dữ liệu và tất cả quy trình này đều thực hiện thủ công bằng giấy. Nhiều người lao động làm sai phải mất nhiều thời gian chỉnh sửa, tốn kém, trong khi đó nếu xây dựng ứng dụng như NCOV hay tờ khai y tế chạy song song cùng văn bản giấy để người dân lựa chọn và tự chịu trách nhiệm về thông tin cung cấp có phải ít tốn kém và vô cùng thuận lợi trong việc điều chỉnh hơn không? Hay thông tin gắn chip vào thẻ căn cước công dân mà ngành công an đang triển khai, thực tế đã được tôi đề nghị khi thảo luận Luật Căn cước công dân. Tuy nhiên, hiện nay với việc tốc độ phát triển khoa học, công nghệ thì việc gắn chip cũng đã trở nên lỗi thời, lạc hậu vì chỉ cần mã số định danh công dân để truy cập vào hệ thống dữ liệu mà không cần lưu trên chip này vì không phải nơi nào cũng có đầu đọc thẻ này”, ông Nhân nói.
Ông Phạm Trọng Nhân cho rằng, từ những phân tích trên, có thể thấy, việc quy định sổ hộ khẩu, sổ tạm trú không có giá trị sử dụng trong các giao dịch, quan hệ pháp luật được xác lập mới kể từ ngày luật này có hiệu lực thi hành được xem là cuộc cách mạng trong quản lý nhà nước về cư trú. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất của Luật Cư trú (sửa đổi) lần này không chỉ đơn giản là bỏ sổ hộ khẩu hay sổ tạm trú bởi quản lý cư trú của công dân trong thời đại khoa học, công nghệ là không khó, do đó việc đơn giản hóa hơn nữa hồ sơ, thủ tục đăng ký cư trú trong dự luật lần này cần phải được thực hiện một cách quyết liệt, mạnh mẽ và liên thông dữ liệu với các ngành nhằm minh chứng cho việc thực hiện những cam kết về Chính phủ số, mà trong đó hồn cốt của chuyển đổi số là phải đưa công nghệ thông tin vào mọi mặt của đời sống, trong đó phải lấy người dân làm trung tâm. Có như vậy mới thực hiện đúng cam kết không bỏ lỡ chuyến tàu cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mà Đảng và Nhà nước đã quyết liệt trong thời gian qua.
THU THẢO (thực hiện)