Phường An Thạnh, TX.Thuận An có lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu thuận lợi cho việc phát triển nông nghiệp đô thị. Hiện phường đã và đang duy trì có hiệu quả các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) sản xuất. Các HTX, THT này liên kết kinh doanh cùng ngành nghề nhằm hỗ trợ, giúp đỡ nhau về kỹ thuật, kinh nghiệm cũng như thị trường đầu ra cho sản phẩm.
Anh Lê Văn Giàu, Tổ trưởng THT rau mầm, kiểm tra sản phẩm giá đỗ trước khi xuất bán. Ảnh: VĂN TIẾN
Ông Nguyễn Hữu Hạnh tham gia THT cải tạo và chăm sóc vườn cây được mấy năm nay. Hiện vườn cây ăn trái của ông rộng gần 3.000m2, chủ yếu là cây măng cụt (chiếm 90% diện tích), xen canh một số cây khác như sầu riêng, dâu, chuối, bưởi, cau... để lấy ngắn nuôi dài. Ông chia sẻ, để cây măng cụt cho sai trái cần đến từ 50 - 60 năm. Như vậy, trồng vườn măng cụt hôm nay thì đời con cháu mới hưởng “trái ngọt”.
Tuy nhiên, vườn măng cụt của gia đình ông do chiến tranh tàn phá nên những gì còn sót lại sau chiến tranh không nhiều. Tiếp bước thế hệ cha ông, ông đã và đang nỗ lực gầy dựng lại vườn cây. Nhờ đó đến nay, ông có đến 55 gốc cây măng cụt 36 năm tuổi.
Ông cho hay sau khi tham gia THT ông học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm trồng, chăm sóc, phát triển vườn măng cụt thông qua các lớp tập huấn, tham quan học tập kinh nghiệm, sự hỗ trợ của các tổ viên. Ông còn chịu khó học hỏi từ sách vở để áp dụng hiệu quả các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Hiện toàn phường có 3 THT cải tạo và chăm sóc vườn cây với 33 tổ viên. Các tổ viên thường xuyên tham gia sinh hoạt chung để được hướng dẫn, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau trong quá trình chăm sóc cây măng cụt, cây ăn trái khác. Bên cạnh đó, các tổ viên còn hỗ trợ nhau đầu ra cho trái măng cụt với giá cả ổn định, thống nhất, tránh để tiểu thương ép giá.
Bên cạnh các THT cải tạo và chăm sóc vườn cây, phường An Thạnh khuyến khích các mô hình sản xuất khác phát triển theo hướng liên kết thành THT. Ông Lê Văn Giàu, Tổ trưởng THT sản xuất rau mầm (chủ yếu là giá đỗ), cho biết đến nay THT có trên 20 tổ viên. Các tổ viên đều liên kết lại với nhau để cùng phát triển.
Toàn phường hiện có 4 HTX gồm Quỹ tín dụng nhân dân An Thạnh, HTX Dịch vụ nông nghiệp An Thạnh, HTX Thuận Lợi, HTX Vận tải Đông Nam bộ và 8 THT. |
Hộ anh Lê Văn Giàu - thành viên THT sản xuất rau mầm, hiện sản xuất giá đỗ, mỗi ngày anh cung cấp ra thị trường trên 300kg. Với giá bán hiện nay, sau khi trừ chi phí gia đình anh có thu nhập từ 400.000 - 500.000 đồng/ngày. Giá đỗ gia đình anh làm ra chủ yếu được tiêu thụ tại các chợ Thủ Dầu Một, Phú Hòa, Búng... Có kinh nghiệm làm giá đỗ hơn 10 năm, anh Giàu luôn giúp đỡ các tổ viên khác về kỹ thuật sản xuất.
Đặc biệt, các tổ viên THT luôn tuân thủ các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm. Để giá đỗ đẹp, theo anh Giàu, người sản xuất cần vệ sinh dụng cụ sạch sẽ, nguồn nước sử dụng phải sạch, thời gian ngâm hạt đậu trong 6 tiếng đồng hồ và ủ 5 ngày. Hiện THT sản xuất rau mầm đang tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm để tạo niềm tin vững chắc đối với khách hàng. Từ đó để THT phát triển ổn định, bền vững.
Ông Phạm Quốc Việt, Chủ tịch Hội Nông dân phường An Thạnh - thành viên Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển kinh tế tập thể (KTTT) phường, cho biết trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển KTTT phường tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền các chính sách về KTTT, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới vào sản xuất; khuyến khích tổ viên cùng liên kết để trao đổi kinh nghiệm trong quá trình sản xuất, kinh doanh và giải quyết đầu ra cho sản phẩm. Có như vậy, các tổ viên THT trên địa bàn an tâm đầu tư sản xuất, kinh doanh, góp phần nâng cao thu nhập, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.
VĂN TIẾN