Chia sẻ bài viết lên facebook

Quá trình tìm đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc và sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam - Bài 7

Cập nhật: 16-03-2015 | 08:53:07

Bài 7: Ý nghĩa sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam 

Ý nghĩa dân tộc

Với sự chuẩn bị tích cực và sáng tạo các tiền đề về mọi mặt cho sự ra đời Đảng Cộng sản Việt Nam của Nguyễn Ái Quốc, đặc biệt là phương pháp truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam đã dẫn tới Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời ngày 3-2-1930. Đó là sản phẩm của sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam. Chính sự kết hợp 3 yếu tố này đã phản ánh tính đặc thù trong quy luật hình thành Đảng ở một nước thuộc địa nửa phong kiến.

Nhà số 5D phố Hàm Long (Hà Nội), nơi thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở Việt Nam, tháng 3-1929. Gồm có: Ngô Gia Tự, Nguyễn Đức Cảnh, Trần Văn Cung, Trịnh Đình Cửu, Đỗ Ngọc Du, Dương Hạc Đính, Nguyễn Tuân (Kim Tôn) do Trần Văn Cung là Bí thư chi bộ

Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã có đường lối và phương pháp cách mạng đúng đắn ngay từ đầu. Đó chính là kết quả của quá trình tìm tòi và sáng tạo của Nguyễn Ái Quốc. Người đã sớm thấy được tầm quan trọng của đường lối, đó là điều kiện tiên quyết bảo đảm sự tồn tại của Đảng và thắng lợi của cách mạng. Nhờ có đường lối và phương pháp cách mạng đúng đắn, ngay sau khi Đảng ra đời đã chấm dứt cuộc khủng hoảng về đường lối cứu nước sau một thời gian dài trên đất nước ta. Nhờ cách làm cẩn trọng, sáng tạo và linh hoạt, Nguyễn Ái Quốc đã thống nhất được tư tưởng và hành động của các tổ chức Đảng xuất hiện những năm 1929, 1930, tránh được sự phân tán về tổ chức, phân liệt về chính trị, tư tưởng.

Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã xác lập vai trò lãnh đạo của giai cấp công nhân Việt Nam đối với cách mạng Việt Nam và toàn thể dân tộc Việt Nam. Cũng bắt đầu từ đây, đánh dấu sự thắng lợi của đường lối cứu nước theo chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh đối với đường lối cải lương và quốc gia cách mạng theo hệ tư tưởng tư sản. Đánh dấu sự hoàn chỉnh cơ bản con đường cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam với đường lối đúng đắn đã đưa nhân dân ta vào cuộc đấu tranh mới vì độc lập, tự do và phát triển đất nước. Mặt khác, Đảng Cộng sản Việt Nam do Nguyễn Ái Quốc sáng lập và tôi luyện ra đời là sự kiện có ý nghĩa quyết định đối với toàn bộ quá trình phát triển của cách mạng Việt Nam. Đây là sự chuẩn bị điều kiện cơ bản quyết định cho sự thắng lợi nối tiếp nhau của cả dân tộc Việt Nam, là bước nhảy vọt lớn trong lịch sử của dân tộc ta. 15 tuổi, Đảng đã lãnh đạo nhân dân làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại, giành lại nền độc lập cho dân tộc, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tiếp đó Đảng lại lãnh đạo nhân dân làm nên hai cuộc kháng chiến thần thánh, đánh thắng hai đế quốc hùng mạnh là Pháp và Mỹ, giành trọn vẹn mục tiêu độc lập dân tộc và thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước vào thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội. Văn kiện Đại hội IX của Đảng đã tổng kết: “Đối với nước ta, thế kỷ XX là thế kỷ đấu tranh oanh liệt giành lại độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội, thế kỷ của những chiến công và thắng lợi có ý nghĩa lịch sử và thời đại”.

Ý nghĩa thời đại

Người thanh niên Nguyễn Tất Thành rời quê hương ra đi tìm đường cứu nước cho dân tộc mình, những kết quả đem lại với sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam không những có ý nghĩa đối với dân tộc Việt Nam mà còn có ý nghĩa đối với thời đại.

Một Đảng mới ra đời ở một nước thuộc địa nửa phong kiến đã sớm xác định đường lối và phương pháp cách mạng đúng, là một hiện tượng hiếm có trên thế giới. Trong lịch sử phát triển phong trào cộng sản và công nhân quốc tế đã cho thấy Đảng hoạt động trong một thời gian khá dài mới xác định được đường lối đúng đắn. Ngay cả những Đảng Cộng sản lớn như Đảng Dân chủ xã hội Nga, mặc dù được thành lập năm 1898 nhưng trải qua 3 lần đại hội, đến năm 1905 mới xác định được Cương lĩnh hay Đảng Cộng sản Trung Quốc thành lập năm 1921 nhưng phải qua 6 lần đại hội, cho đến tháng 1-1935 mới xác định được đường lối đúng.

Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã góp phần quan trọng trong kho tàng kinh nghiệm cách mạng thế giới đối với việc ra đời của một Đảng Cộng sản ở một nước thuộc địa. Công thức ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam là sự kết hợp lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin cộng với thực tiễn cách mạng Việt Nam: Đảng Cộng sản Việt Nam = chủ nghĩa Mác - Lênin + phong trào công nhân + phong trào yêu nước và thực tiễn lãnh đạo các phong trào cách mạng ở Việt Nam là một đóng góp to lớn vào lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin và phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, là một tấm gương cho các nước thuộc địa và nửa thuộc địa noi theo. So với lý luận mang tính cổ điển: Đảng Cộng sản = chủ nghĩa Mác - Lênin + phong trào công nhân, thì đây là bước đột phá mới mẻ thông qua thực tiễn gần 20 năm (1911-1930) Hồ Chí Minh đã mày mò, khảo nghiệm và đi đến quyết định thành lập ở Việt Nam mang đầy đủ tính đặc trưng của chủ nghĩa Mác - Lênin và căn cứ vào thực tiễn Việt Nam.

Trong nhiều thời kỳ, tư tưởng Hồ Chí Minh về Đảng Cộng sản, về việc xây dựng Đảng trên cả 3 mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức đã làm cho Đảng trở thành bộ tham mưu sáng suốt lãnh đạo sự nghiệp cách mạng. Từ đó Đảng đã lãnh đạo giai cấp công nhân và cả dân tộc Việt Nam giành thắng lợi ngày càng to lớn hơn cho độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự nghiệp đổi mới của đất nước ta đã giành được những thành tựu to lớn về kinh tế, giữ vững ổn định về chính trị, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, cho dù chế độ chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu đã bị sụp đổ.

Tuy nhiên, lịch sử luôn luôn vận động và biến đổi không ngừng, con đường cứu nước mà Hồ Chí Minh chọn là sự vận dụng đúng đắn trong điều kiện hoàn cảnh lịch sử của Việt Nam cũng như tình hình thế giới. Toàn Đảng, toàn dân và mỗi cán bộ, đảng viên phải thiết thực học tập và hành động để cho Đảng ta thật sự là đại biểu của trí tuệ, đạo đức và văn minh, lãnh đạo sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, giành nhiều thành tựu to lớn, quyết tâm đưa đất nước thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu, đổi mới đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. (Còn tiếp)

Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản Việt Nam mang tầm vóc lịch sử được xem như là Đại hội thành lập Đảng. Đảng được thành lập là kết quả của cuộc đấu tranh giai cấp và đấu tranh dân tộc ở nước ta trong những năm đầu thế kỷ XX; là sản phẩm của sự kết hợp chủ nghĩa Mác - Lê nin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước; là kết quả của quá trình lựa chọn, sàng lọc nghiêm khắc của lịch sử và là kết quả của quá trình chuẩn bị đầy đủ về chính trị, tư tưởng và tổ chức của một tập thể chiến sĩ cách mạng, đứng đầu là đồng chí Nguyễn Ái Quốc.

Đây là một mốc lớn đánh dấu bước ngoặt trọng đại trong lịch sử cách mạng Việt Nam, chấm dứt cuộc khủng hoảng về đường lối cứu nước kéo dài mấy chục năm. Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam với cương lĩnh, đường lối cách mạng đúng đắn chứng tỏ giai cấp công nhân Việt Nam đã trưởng thành, đủ sức lãnh đạo cách mạng. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời gắn liền với tên tuổi của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, người sáng lập và rèn luyện Đảng ta. Ngày 3-2-1930 trở thành ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

 

(Theo “Đảng và Hồ Chí Minh - cuộc song hành lịch sử”, NXB Lao Động năm 2013)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1916
Quay lên trên