Quản lý an toàn thực phẩm: Cần sự nỗ lực của cả cộng đồng

Cập nhật: 21-10-2017 | 11:00:12

An toàn thực phẩm (ATTP) là vấn đề có tác động trực tiếp đến sức khỏe, sinh mạng, tuổi thọ, giống nòi. Thời gian qua, Sở Công thương đã tăng cường quản lý ATTP theo quy định trong phạm vi của ngành. Trong đó tập trung công tác kiểm tra giám sát chuỗi cung ứng: sản xuất, kinh doanh, lưu thông, bảo quản và nâng cao nhận thức người tiêu dùng. Song, để đạt được mong muốn giảm đến mức thấp nhất nguy cơ rủi ro sử dụng sản phẩm không an toàn cần phải có sự chung tay của cả cơ quan quản lý nhà nước, nhà sản xuất và người tiêu dùng.

Người tiêu dùng thông thái

Thời gian qua, cơ quan quản lý và người dân rất lo lắng về vấn đề ATTP. Bạn Nguyễn Ngọc H. thẳng thắn chia sẻ: “Điều quan tâm nhất của tôi hiện nay là an toàn vệ sinh thực phẩm, tôi thật sự lúng túng vì không biết nên ăn gì, uống gì, mua hàng ở đâu để được an toàn, vì ngay tại một số siêu thị lớn cũng xảy ra rất nhiều vụ việc liên quan đến chất lượng, ATTP. Tôi thực sự đau đầu về việc phải mua hàng ở đâu? Mua thương hiệu nào để bảo vệ gia đình của mình trước nguy cơ bệnh tật từ thực phẩm “bẩn”. Thông tin từ Chi Cục QLTT - Sở Công thương Bình Dương để mua hàng bảo đảm chất lượng, ATTP, người tiêu dùng nên mua hàng thực phẩm tại các siêu thị, các cửa hàng có uy tín. Trong trường hợp mua hàng ở chợ, nên chọn lựa những quầy hàng đã được kiểm định, tránh chọn mua thực phẩm ở các chợ tự phát, vỉa hè không rõ nguồn gốc xuất xứ. Khi mua những hàng hóa khác, người tiêu dùng cần chọn lựa những hàng hóa có bao bì nhãn mác, xuất xứ hàng hóa và hạn sử dụng rõ ràng theo quy định. Người tiêu dùng dứt khoát không mua sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ. Để bảo vệ sức khỏe của chính mình, gia đình và xã hội thì người tiêu dùng có thể vận dụng một số nguyên tắc bảo đảm vệ sinh ATTP như: Thường xuyên tìm hiểu những kiến thức và kỹ thuật chọn các loại thực phẩm bảo đảm vệ sinh an toàn, chú ý thời hạn sử dụng khi mua các thực phẩm chế biến sẵn hoặc đóng hộp.

Thời gian qua, ngành công thương đã chỉ đạo sâu sát các đơn vị nghiệp vụ thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 13/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP. Chi cục Quản lý thị trường tỉnh đã và đang có nhiều động thái quyết liệt cũng đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trên lĩnh vực ATTP, tuyên truyền đến toàn dân về vấn đề ATTP, song công tác bảo đảm ATTP trên địa bàn Bình Dương đang phải đối mặt với nhiều thách thức do nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh còn chưa ý thức được việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Những thách thức này đòi hỏi các cấp, các ngành liên quan và bản thân doanh nghiệp sản xuất, hộ kinh doanh và người tiêu dùng thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Nói cách khác, trong bối cảnh hiện nay, mỗi khách hàng cần phải là người tiêu dùng thông thái thì mới có thể hướng thị trường đến việc kinh doanh các sản phẩm chất lượng, bảo đảm ATTP. Đó vừa là quyền, vừa là trách nhiệm của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, người tiêu dùng phải có trách nhiệm với đấu tranh tố giác các hành vi vi phạm ATTP. Một điều tra xã hội học do Bộ Y tế phối hợp với Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thực hiện cho thấy, gần 85% người tiêu dùng phát hiện ra hành vi vi phạm ATTP mà không tố giác vì ngại va chạm... Nếu mọi người cùng đồng lòng “tẩy chay” các loại thực phẩm kém chất lượng, lựa chọn thực phẩm tại các cơ sở có uy tín, có nguồn gốc rõ ràng, thực phẩm đã được kiểm định thì sức khỏe của người dân sẽ được bảo đảm, an toàn hơn.

Trong 9 tháng đầu năm 2017, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Dương phối hợp với các ngành chức năng tiếp tục thực hiện kế hoạch tuyên truyền pháp luật về ATTP đến các địa phương trong toàn tỉnh. Phối hợp với Ban chỉ đạo 389 các huyện thị, thành phố tổ chức hội nghị tuyên truyền pháp luật trong hoạt động thương mại và ATTP cho thành viên Ban chỉ đạo 389 thị xã, Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các trưởng khu phố - ấp, cán bộ quản lý thương mại, cán bộ đoàn thanh niên, Mặt trận Tổ quốc xã - phường và một số tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm trên địa bàn.. Thông qua hội nghị giúp các đại biểu nắm vững các quy định của pháp luật trong hoạt động thương mại, ATTP và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tích cực tham gia tố giác, cung cấp thông tin về đối tượng có dấu hiệu kinh doanh buôn lậu, hàng giả, hàng cấm trên địa bàn, góp phần tạo chuyển biến rõ rệt và đấu tranh có hiệu quả trong công tác quản lý thị trường, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Nhà sản xuất cần quan tâm đến sức khỏe người tiêu dùng

Trong khi thực phẩm “bẩn” vẫn trà trộn trên thị trường, đe dọa sức khỏe người tiêu dùng, ngoài việc người tiêu dùng biết cách lựa chọn thực phẩm an toàn, nói không với thực phẩm “bẩn” còn rất cần đạo đức trong sản xuất và kinh doanh của người sản xuất, hộ kinh doanh, các doanh nghiệp. Trên địa bàn hiện nay việc bảo đảm ATTP trong sản xuất, phân phối bán lẻ có “thương hiệu”, được đầu tư, phát triển theo hướng “bền vững” thực hiện các quy định về bảo đảm ATTP khá tốt, đã và được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Việc chấp hành theo quy định về vệ sinh ATTP sẽ là yếu tố quan trọng để khẳng định chất lượng và thương hiệu của chính sản phẩm đó trong quá trình sản xuất. Nhằm bảo vệ thương hiệu, chất lượng hàng hóa, nhiều doanh nghiệp đã thực hiện quy trình hệ thống phòng vệ thực phẩm. Từ đó, tạo được lòng tin với người tiêu dùng, nâng cao uy tín doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp phát triển và bền vững. Bảo đảm chất lượng thực phẩm cũng chính là bảo vệ chất lượng cuộc sống của người tiêu dùng và bảo vệ uy tín của doanh nghiệp. Thực tế trong những năm trở lại đây, một số doanh nghiệp thực phẩm lớn liên tiếp gặp sự cố về vấn đề vệ sinh ATTP dẫn đến khủng hoảng, ảnh hưởng không nhỏ đến thương hiệu, sức tiêu thụ hàng hóa trên thị trường. Điều này cho thấy việc phòng vệ thực phẩm và xây dựng một kế hoạch phòng vệ thực phẩm cho quy trình sản xuất của doanh nghiệp là rất quan trọng

Xác định tầm quan trọng của công tác vệ sinh ATTP hiện nay cũng như việc triển khai vấn đề này trên địa bàn tỉnh, thời gian qua Sở Công thương chỉ đạo các đơn vị triển khai nhiều hoạt động tăng cường tuyên truyền, kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhằm bảo đảm vấn đề vệ sinh ATTP. Những động thái đó góp phần nâng cao ý thức của người sản xuất, kinh doanh và chính những người tiêu dùng đối với các sản phẩm mình lựa chọn. Trong 9 tháng đầu năm 2017, ngành đã tổ chức 12 hội nghị phổ biến tuyên truyền các quy định của pháp luật trong hoạt động thương mại và ATTP cho các thành viên trong Ban chỉ đạo 389, trưởng các khu phố, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Người tiêu dùng và Ban Quản lý các chợ tại các huyện, thị, thành phố trên địa bàn với 2.389 người tham dự. Cục Quản lý thị trường đã phối hợp với Trung tâm Khuyến công tổ chức 10 lớp tập huấn cho 440 học viên tại 6 công ty về ATTP. Tổ chức cho 2.110 tổ chức, hộ kinh doanh ký cam kết không kinh doanh hàng ngoại nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không bảo đảm ATTP.

Đặc biệt công tác thẩm định và cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP luôn được đơn vị chức năng thực hiện nghiêm túc, đúng với quy trình. Trong 9 tháng đầu năm đã thẩm định 13 hồ sơ và cấp 12 giấy chứng nhận cho 12 doanh nghiệp. Tổ chức kiểm tra và cấp giấy xác nhận kiến thức ATTP cho 29 hồ sơ của 17 doanh nghiệp, 3 cá nhân. Trong thời gian tới, doanh nghiệp có nhu cầu được tập huấn kiến thức ATTP có thể liên hệ Trung tâm khuyến công và TVPTCN - trực thuộc Sở Công thương để được hỗ trợ.

Đồng chí Nguyễn Văn Dành, đại biểu Quốc hội, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại, chống sản xuất mua bán hàng giả tỉnh Bình Dương (Ban chỉ đạo 389/BD), Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bình Dương nhấn mạnh: Công tác quản lý thị trường 3 tháng cuối năm là công tác cần phải tập trung quyết liệt, nhất là thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán năm 2018. Sở đã chỉ đạo Cục Quản lý thị trường tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động quản lý giá, ATTP, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; làm tốt công tác tuyên truyền pháp luật; rà soát, điều chỉnh,bổ sung các quy chếphối hợp cho phù hợp với tình hình hiện nay; thực hiện tốt vai trò cơ quan thường trực Ban chỉ đạo 389/BD và Ban chỉ đạo 389 các huyện, thị, thành phố. Đồng thời có biện pháp hữu hiệu để nâng cao hiệu quả công tác quản lý địa bàn. Đây là một nhiệm vụrất quan trọng để Chi cục Quản lý thị trường tiếp tục phối hợp với các ngành thực hiện cóhiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả. Đồng chí giám đốc sở yêu cầu toàn thể cán bộ, công chức, người lao động chi cục quyết tâm vượt qua những khó khăn trước mắt để thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụchính trị được giao, góp phần giữ ổn định thị trường, bảo vệquyền lợi cho người tiêu dùng và các tổ chức, cá nhân kinh doanh chân chính, hợp pháp.

 

P.V

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=404
Quay lên trên