Đổi mới phương pháp giảng dạy (PPGD) là một trong những trọng điểm của ngành giáo dục. Ngay sau khi thực hiện nội dung chương trình sách giáo khoa mới, hàng năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đều tổ chức tập huấn đổi mới PPGD và triển khai nội dung chương trình tập huấn đến tận giáo viên phổ thông. Mục tiêu của việc đổi mới PPGD là nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, giúp học sinh học tập năng động hơn. Để đáp ứng yêu cầu này, các giáo viên đã ứng dụng nhiều PPGD mới: giảng dạy theo tình huống, dạy học trực quan sinh động, sử dụng đồ dùng dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào dạy học bộ môn... Tuy nhiên, việc đổi mới phương pháp giảng dạy vẫn còn đang gặp không ít khó khăn.
Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên để đổi mới PPGD
Thực ra từ nhiều năm trước đó, việc đổi mới PPGD đã được thực thi tại rất nhiều trường có điều kiện về cơ sở vật chất. Và việc đổi mới PPGD đã mang lại hiệu quả cao. Nhờ có sự đổi mới, quá trình dạy - học của thầy và trò các trường đã mang lại nhiều lợi ích đáng ghi nhận như: tiết kiệm được thời gian, chuyển tải được nhiều điều cần thể hiện, bài học trở nên sinh động, hấp dẫn, trực quan hơn với học sinh... Tuy nhiên, sự đổi mới này chưa đạt yêu cầu. Nhiều giáo viên vẫn chưa định nghĩa được thế nào là đổi mới PPGD và đổi mới như thế nào... Trong khi đó, chương trình sách giáo khoa hiện nay được xây dựng với một lượng kiến thức khá lớn, đòi hỏi phải dạy theo phương pháp mới.
Nhiều cán bộ, giáo viên vẫn ngộ nhận việc ứng dụng CNTT chính là đổi mới PPGD. Thực tế, CNTT chỉ là một trong những phương tiện hỗ trợ đổi mới PPGD. Nhiều tiết học cần CNTT để vẽ hình, minh họa hình ảnh... qua đó, tiết học sẽ sinh động hơn. Tất nhiên, không phải tiết học nào cũng cần có CNTT, nhất là những tiết học cần sự biểu cảm của người thầy. Bên cạnh đó, do điều kiện cơ sở vật chất trường lớp còn thiếu, để thực hiện ứng dụng CNTT, mỗi phòng học cần phải có đầy đủ màn hình, máy chiếu... nên việc ứng dụng CNTT vào giảng dạy hiện nay ở các trường cũng còn hạn chế. Áp dụng CNTT trong giảng dạy là một chủ trương đúng đắn và tích cực của ngành giáo dục. Nhưng áp dụng như thế nào để nó mang lại hiệu quả cao mà không quá phụ thuộc vào nó thì chắc chắn chỉ có những người thầy tâm huyết với sự nghiệp trồng người mới làm được.
Ông Đặng Thành Sang, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT nhận định: “Hiện nay, đa số đội ngũ giáo viên ở các trường phổ thông còn dựa dẫm vào sách giáo khoa, giáo trình mà dạy theo cách cũ đọc - chép, thuyết trình. Không ít người ngại thay đổi, ngại tìm tòi khám phá nên ngày càng trì trệ. Mặt khác, với đồng lương hạn hẹp, một số giáo viên phải làm thêm để lo thu nhập, không còn thời gian đầu tư cho bài giảng. Những giáo viên lâu năm có kinh nghiệm nhưng được đào tạo theo phương pháp cũ cần có thời gian để chuyển đổi từ phương pháp này sang phương pháp khác. Thêm vào đó, việc đổi mới PPGD cần phải có những giáo viên tâm huyết nhiều với nghề”.
Có thể nói, chất lượng đội ngũ giáo viên chính là mắt xích quan trọng nhất trong quá trình đổi mới PPGD. Khi giáo viên tâm huyết, tích cực và có quyết tâm thay đổi thì sẽ tìm tòi phương pháp phù hợp với đối tượng học sinh, khắc phục được những khó khăn về cơ sở vật chất. Việc nâng cao chất lượng đầu vào của các ngành sư phạm, đổi mới phương pháp đào tạo ở các trường sư phạm, đồng thời có biện pháp khuyến khích giáo viên phổ thông đổi mới phương pháp dạy học cũng là yêu cầu thiết thực trong công tác đổi mới PPGD trong nhà trường hiện nay.
Ngọc Thanh