Quan tâm, lấy người dân là trung tâm phục vụ

Cập nhật: 21-11-2023 | 08:02:55

LTS: Cùng với nhiệm vụ phát triển kinh tế, trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại của cả nước, Bình Dương cũng đã dành một phần nguồn lực đáng kể để bảo đảm công tác an sinh xã hội, phát triển văn hóa, giáo dục xứng tầm. Nỗ lực liên tục của tỉnh đã bảo đảm cho địa phương phát triển ổn định, cân bằng các yếu tố, đủ thế và lực để tiến nhanh trên con đường phát triển văn minh, hiện đại.

Kỳ 1: Chăm lo cho các đối tượng ngày một tốt hơn

Trong tiến trình phát triển của tỉnh, vấn đề an sinh xã hội không ngừng được các cấp lãnh đạo tỉnh quan tâm, chăm lo. Từ đó, đời sống hộ nghèo, người yếu thế, người lao động quê xa luôn được chăm lo tốt. Bên cạnh hỗ trợ nguồn vốn phát triển sản xuất, nhà ở, việc làm, chính quyền địa phương còn tập trung chăm lo sức khỏe, đời sống tinh thần cho từng đối tượng.

Nâng mức chuẩn nghèo

Mức chuẩn nghèo của Bình Dương hiện cao hơn Trung ương 1,5 lần. Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), từ năm 1997 đến nay, Bình Dương đã 9 lần xây dựng chuẩn nghèo. Trong đó, liên tục từ năm 2009 đến nay, Bình Dương đã 4 lần xây dựng chuẩn nghèo riêng của tỉnh, cao hơn chuẩn nghèo của Trung ương từ 1,7 - 3 lần. Theo đó, giai đoạn từ 2009-2010 cao hơn 3 lần; giai đoạn 2011-2013 cao hơn 2 lần; giai đoạn 2014-2015 cao hơn 2,5 lần; giai đoạn 2016-2020 cao hơn 1,7 lần.

Ông Nguyễn Văn Lộc, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tặng quà cho người khiếm thị tại phiên “Chợ 0 đồng” do Hội Chữ thập đỏ tỉnh phối hợp với Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh tổ chức. Ảnh: HỒNG THUẬN

Tổng số hộ nghèo toàn tỉnh hiện nay khoảng 5.971 hộ/387.342 hộ dân, chiếm tỷ lệ 1,54% và tổng số hộ cận nghèo là 1.827 hộ/378.342 hộ dân, chiếm tỷ lệ 0,47%. Nhiều năm qua, Bình Dương đã thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo bền vững bằng những chính sách linh hoạt của Trung ương và địa phương, giúp người nghèo có điều kiện vươn lên, bảo đảm an sinh xã hội. Để giúp hộ nghèo có điều kiện vươn lên, các địa phương trong tỉnh thực hiện đồng bộ các chính sách hỗ trợ giảm nghèo như chính sách về tín dụng ưu đãi, chính sách hỗ trợ giáo dục, y tế, hỗ trợ nhà ở, hỗ trợ tiền điện; chính sách dạy nghề, đào tạo việc làm, phát triển sản xuất; hoạt động truyền thông nâng cao năng lực về công tác giảm nghèo; các hoạt động hỗ trợ hộ nghèo, vận động Quỹ vì người nghèo, tặng thẻ bảo hiểm...

 Nhiều năm trở lại đây, việc chung tay chăm lo cho gia đình chính sách được tỉnh thực hiện ngày càng chu đáo và triển khai sâu rộng đến các đoàn thể và cá nhân trên toàn tỉnh. Không riêng ngày tết, tất cả các ngày lễ lớn trong năm lãnh đạo tỉnh và chính quyền địa phương luôn quan tâm chăm lo chu đáo bằng những phần quà có giá trị về cả vật chất lẫn tinh thần cho gia đình chính sách.

Ông Hà Minh Trung, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH, cho biết trong quá trình phát triển, tỉnh luôn quan tâm bố trí nguồn lực tương xứng cho công tác giảm nghèo vào nghị quyết, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội từng giai đoạn và hàng năm của địa phương. Công tác giảm nghèo còn nhận được sự đồng thuận của cộng đồng, nhân dân, doanh nghiệp và các cá nhân. “Trong năm 2023, các sở, ngành trong tỉnh tiếp tục phối hợp thực hiện các chương trình giảm nghèo, tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng, xã hội về công tác giảm nghèo; tuyên truyền chính sách cho người nghèo nhằm làm chuyển biến nhận thức của hộ nghèo, tự vươn lên thoát nghèo”, ông Hà Minh Trung chia sẻ.

Với nhóm người yếu thế, đặc biệt là trẻ em khuyết tật (TEKT), tỉnh luôn có những chính sách hỗ trợ, chăm lo đặc biệt. Trên địa bàn tỉnh hiện có 1.815 TEKT. Giai đoạn từ năm 2019-2023, bằng nguồn ngân sách địa phương và kinh phí vận động, tỉnh đã chăm lo cho TEKT gần 19 tỷ đồng, trong đó kinh phí vận động khoảng 13 tỷ đồng.

Để chăm lo tốt cho TEKT, Sở LĐTB&XH đã phối hợp với các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của gia đình và xã hội. Về chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng, phục hồi chức năng, sở bảo đảm việc mở sổ theo dõi, quản lý khám, phục hồi chức năng, mua và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 100% TEKT trên địa bàn. Về giáo dục, giáo dục nghề nghiệp, 100% TEKT tại các cơ sở giáo dục đều được hỗ trợ chăm sóc sức khỏe, tư vấn giáo dục hòa nhập, được cung cấp kiến thức và kỹ năng hòa nhập cộng đồng.

Người lao động nghèo không bị bỏ rơi

Bình Dương hiện có khoảng 1,3 triệu lao động đang làm việc, học tập, sinh sống. Để chăm lo tốt đời sống người lao động (NLĐ), đặc biệt là lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh luôn chủ động phối hợp với các ngành, các cấp trong tỉnh thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ, chăm lo, không bỏ rơi bất kỳ một trường hợp khó khăn nào. Trong 5 năm trở lại đây, các cấp công đoàn tỉnh luôn chú trọng tổ chức nhiều hoạt động chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho đoàn viên, NLĐ, nhất là NLĐ bị bệnh hiểm nghèo, bị tai nạn lao động, có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn. Kết quả, có hơn 5 triệu lượt đoàn viên, NLĐ được chăm lo, hỗ trợ với tổng số tiền hơn 2.296 tỷ 236 triệu đồng. Trong đó, tài chính công đoàn chi gần 2.000 tỷ đồng, ngân sách địa phương hỗ trợ 90 tỷ đồng, nguồn vận động xã hội hóa hỗ trợ gần 300 tỷ đồng. Từ năm 2022 đến nay, Quỹ hỗ trợ công nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đã hỗ trợ cho khoảng 900 trường hợp với tổng số tiền gần 9 tỷ đồng.

Việc hỗ trợ, chăm lo học tập cho con em người lao động quê xa được các cấp công đoàn trong tỉnh chú trọng

Song song đó, Bình Dương còn thực hiện tốt chính sách xây dựng nhà ở xã hội cho NLĐ, giúp họ sớm ổn định cuộc sống. Hiện đã có hàng ngàn căn nhà đã được trao cho NLĐ quê xa. Cùng với đó, chương trình xây dựng “Mái ấm công đoàn” được LĐLĐ tỉnh phối với các doanh nghiệp, nhà hảo tâm xây tặng nhiều căn nhà cho NLĐ xa quê. Chỉ trong năm 2023, LĐLĐ tỉnh đã và đang xây dựng 17 mái ấm cho NLĐ với trị giá gần 2 tỷ đồng.

Bà Nguyễn Kim Loan, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh, chia sẻ: “Trong 5 năm qua, có nhiều thời điểm NLĐ rơi vào khó khăn như lúc cao điểm dịch bệnh Covid-19, những lúc NLĐ bị mất việc, ngừng việc do thiếu đơn hàng, nhưng chưa có NLĐ nào bị bỏ lại phía sau... Điểm sáng của các cấp công đoàn trong tỉnh là luôn hướng về NLĐ bằng các hoạt động cụ thề như hỗ trợ việc làm, bảo đảm quyền lợi cho NLĐ từ bữa ăn đến các chính sách theo Luật Lao động. Cùng với đó, công đoàn liên tục tạo ra các sân chơi thể thao, hội thi, hội diễn, tạo sân chơi bổ ích, chăm lo ngày càng tốt hơn về đời sống tinh thần cho NLĐ”.

(còn tiếp)

QUANG TÁM

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên