Quấy rối tình dục nơi làm việc là một trong những biểu hiện của bạo lực trên cơ sở giới. Bộ luật Lao động năm 2012 đã quy định “quấy rối tình dục” là hành vi bị nghiêm cấm và là căn cứ cho việc người lao động thực hiện quyền chấm dứt hợp đồng lao động. Cũng theo luật, người bị quấy rối có quyền nhưng muốn lên tiếng phải thu thập chứng cứ đầy đủ, xác thực. Đó cũng là “rào cản” để những sự việc quấy rối tình dục nơi làm việc được đưa ra “ánh sáng”.
Qua trao đổi với một số công nhân, người lao động tại các đơn vị, doanh nghiệp, chúng tôi nhận thấy nhiều người còn mơ hồ về quấy rối tình dục. Họ cũng không biết luật quy định vấn đề này ra sao. Họ chỉ biết khi bị như vậy sẽ tự tìm lối thoát cho mình vì sợ mang tiếng, hoặc bỏ qua cho xong chuyện.
Nhiều người còn cho rằng, khi tố cáo, chưa chắc chủ doanh nghiệp, đơn vị đã tin, hoặc nếu có xử lý kỷ luật thì chỉ ở mức nhẹ để tránh mang tiếng môi trường làm việc không an toàn. Chính vì vậy, mặc dù bị quấy rối tình dục người lao động im lặng là cách tốt nhất, hoặc tìm một nơi khác để làm việc.
Cũng theo thông tin từ các bạn công nhân, hiện nay, có một số người còn “tiếp tay” cho việc quấy rối tình dục nơi làm việc, hoặc đồng ý thực hiện “quấy rối tình dục trao đổi”, coi việc quấy rối là “cơ hội đổi đời”. Chị Nguyễn Thị H., công nhân một công ty tại Sóng Thần I, cho biết trước đây chị cũng từng nghe bạn kể rằng bị quản lý người nước ngoài quấy rối. Sợ quá, bạn chị đành nghỉ làm việc ở công ty cũ để chuyển sang một công ty khác. Nhưng một số nữ công nhân khác lại mong muốn được quản lý quan tâm hơn để được ưu tiên trong công việc, hoặc đổi lấy những lợi ích vật chất khác.
Theo bà Nguyễn Hoàng Bảo Trân, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh, trước giờ, LĐLĐ tỉnh chưa nghe hoặc nhận đơn thư tố cáo của đoàn viên công đoàn, công nhân lao động về việc bị quấy rối tình dục. Tuy nhiên, để ngăn chặn dạng “tội phạm ẩn” này, LĐLĐ tỉnh cũng đã thường xuyên chỉ đạo công đoàn cơ sở phải tuyên truyền đến đoàn viên, công nhân lao động.
Bà Trân cũng hy vọng đoàn viên công đoàn, công nhân lao động khi bị quấy rối tình dục nên mạnh dạn tố giác bằng các hình thức gửi đơn lên công đoàn cấp trên, hoặc gọi điện thoại qua đường dây nóng của LĐLĐ tỉnh (số 0889.287.287) để được tư vấn. Có như vậy, ngành chức năng mới có cơ sở để bảo vệ quyền lợi cho họ, góp phần xây dựng môi trường làm việc an toàn, lành mạnh.
THIÊN LÝ