Bà An tỉ mẩn gom từng chiếc lá khô trong vườn. Đủ loại lá: Mai vàng, tre, ổi, chanh, bưởi… Nhìn bà nâng niu từng nắm lá khô cuối đông, nhiều người cười nói bà ẩm ương! Tuổi lớn rồi, sức vóc không bao nhiêu, cầm chổi tàu cau quơ quét vào một đống mà đốt đi có phải khỏe hơn không. Bà cười cười rồi nói tui làm gì có cái lý của tui! Cứ kệ tui. Vườn nhà, tui ưng làm gì thì làm…
Gần chục năm nay bà An đều đặn làm công việc này. Như một phần việc “tổng kết cuối năm”! Bà gom những chiếc lá khô hanh hao đó và chờ Út Lành về ăn tết sẽ đốt cho nó “nghe”. Cả bà và Út Lành đều thống nhất với nhau không dùng từ “ngửi” mùi khói lá khô cuối đông đầu xuân mà phải dùng từ “nghe” mới đã, mới thỏa! Là bởi trong khi lắng nghe mùi khói thoang thoảng bên mái nhà quê bình yên, ai nấy sẽ thấy lòng nhẹ nhỏm, thư thái sau một năm tất bật rộn ràng. Sẽ thấy cả tuổi thơ ùa về. Sẽ thấy vòng đời của lá của cây từ khi đâm chồi tới khi héo úa rời cành, về cội cho hoa lá lại đâm chồi, nẩy lộc ngày xuân…
Bà An vừa gom lá khô cho vào bao tải cất kỹ càng nơi chái bếp vừa nghĩ không biết Út Lành nó có đem con về quê ăn tết không. Nó là đứa thích gì làm đó. Không nói trước, báo trước điều gì.
***
Là một thôn nữ chất phác, bà An cũng mong muốn những đứa con của mình như mẹ nó. Lớn lên có tấm chồng, làm vài sào ruộng. Nuôi mấy con heo con gà. Vườn một góc là cây ăn trái, một góc trồng rau, trồng hoa. Tha hồ ăn và tha hồ ngắm. Mùa màng ra đồng, rảnh rang ngồi nghỉ nhìn bâng quơ kể chuyện ngày xưa. Đàn bà, đẻ cho chồng một đứa con trai nữa coi như hoàn thành nhiệm vụ…
Nhưng bà đẻ liên tục ba cô con gái. Người chồng của bà lại là độc đinh. Không biết ông lấy cớ này hay là hết yêu vợ con mà ông bỏ nhà đi vào một đêm mưa gió đùng đùng. Tưởng đi đâu xa hóa ra ông chỉ sang nhà cô Hường góa chồng làng bên!
Ngày bà An “gom” ba đứa con gái lại thông báo tình cảnh của nhà mình bởi bà nghĩ chúng đã có quyền biết, Út Lành cúi mặt gí gí ngón chân cái xuống đất. Nó nghĩ nếu nó là con trai, ba nó đã không sang bên kia sông sống với cô Hường và thằng con trai bụ bẫm cô vẫn thường bồng đi chợ quê với cái mặt vênh vênh.
Nó cũng lầm lì, ít nói và ngỗ ngáo như con trai kể từ ngày mẹ nói chuyện về ba nó. Chuyện đã rồi. Mẹ muốn các con vẫn tôn trọng cha của các con. Ông ấy có nỗi khổ riêng. Mẹ thì không chịu cảnh chồng chung nên đành tan đàn xẻ nghé. Út Lành nói con sẽ làm đứa con trai cho mẹ nương tựa suốt đời…
***
Vậy mà gần mười năm trước, đang học năm cuối đại học, nó về nhà với cái bụng lùm lùm. Chỉ có nó được bà An cho học hành đàng hoàng chứ hai người chị của Út Lành đã nghỉ học từ sớm. Nó nói ngắn gọn: “Con xin lỗi mẹ. Con buồn, tập tành uống rượu…”. Nó chơi với một đám bạn trai vì nghĩ như vậy mới mạnh mẽ, mới giúp mẹ “trả thù” chuyện không đẻ được con trai. Không ngờ trong đám có đứa thích con mà con không để ý…
Lần đó bà An ngã quỵ còn hơn đêm chồng bà bỏ đi. Ở làng quê nghèo này, con gái không chồng mà chửa vẫn còn nặng nề lắm. Út Lành lại là đứa sinh viên đang là niềm mơ ước của cả làng. Bà An thấy mình có lỗi khi đã không gần gũi con gái nhiều, không giải thích cho nó hiểu biết về giới tính, về đủ thứ ẩn khuất mà một kiếp người phải chịu, phải trải qua…
Bà bảo con bé xin bảo lưu kết quả ở trường, dắt nó đi “lánh nạn” một thời gian… Trước ngày đóng cửa ngôi nhà để đến ở nhờ người bà con xa tránh tiếng thiên hạ, bà An cũng gom một mớ lá khô trong vườn và đốt. Hai mẹ con ngồi nhìn khói bay vòng vòng, mắt cay xè. Nước mắt chảy âm thầm và bà vỗ vai con gái: “Đừng khóc, như lá khô thôi, cháy xong là hết! Con mạnh mẽ lên!”…
Hai đứa con gái đã lấy chồng được bà gọi về giao trông coi nhà cửa cẩn thận. Bốn mẹ con ôm nhau khóc một trận cho đã. Vẫn là bà An lấy lại tinh thần cho cả nhà. “Tinh thần” là cái thứ dễ mất mà cũng dễ lấy. Bà hay nói thế với ba cô con gái. Mà thật, đời bà không lạc quan, vững vàng như thế, làm sao vượt qua được bao nhiêu đắng cay, khổ ải.
Ngày Út Lành sinh con trai, bà An mừng khóc tu tu như trẻ con. Thật oái oăm, cả đời bà mong có được đứa con trai nay lại có thằng cháu trai ngoài mong đợi! Út Lành cũng cười. Nó nói con sẽ nuôi dạy con trai con biết yêu thương, biết trách nhiệm chứ không phải là người chỉ biết giới tính như… Tiếng “ba” nó không nói ra kể từ ngày ba nó ra đi.
Tính chắt cóp, tằn kiệm của người nông dân quả là kỳ diệu. Bán lứa heo, họ mua vàng. Sau vụ lúa, lại mua vàng! Thế nên trong một năm Út Lành nghỉ học sinh con, bà An túc tắc bán mấy chỉ vàng lận lưng để chi tiêu dần. Người bà con cho ở nhờ là quá phúc đức rồi, bà không muốn phiền hà gì thêm…
Sau một năm, Út Lành lại đi học cho đến ngày tốt nghiệp. Bà An đã cùng con cháu đi thuê nhà trọ ở. Ngày bà chăm cháu. Rảnh rỗi đi bán thêm mấy chục tờ vé số đủ tiền chợ. Út Lành dạy thêm rạc cả người. Sáu năm xa quê, đủ cho thằng Đức đi học, đủ cho Út Lành có được công việc ổn định và ngôi nhà nho nhỏ nơi xứ người. Bà An về lại quê nhà.
***
Đều đặn những năm qua, Út Lành đưa con về thăm mẹ và chị gái mỗi dịp hè và tết. Ai hỏi chồng đâu không thấy đi cùng, Út Lành cười: “Anh ấy bận lắm”. Một vài ánh mắt liếc xeo xéo. Vài người không cần ý tứ lấy nón che, chụm đầu nói vài câu. Trước đây, bà An sẽ thấy nhột nhạt lắm, buồn phiền lắm. Nay có vài năm sống ở thành phố, ai biết chuyện nhà người nấy. Bà chỉ cười…
Ba ruột của thằng Đức bận rộn thiệt. Đó là Út Lành theo dõi qua facebook cá nhân của anh. Anh là một doanh nhân thành đạt. Chưa có vợ con gì, khá kín tiếng nên thông tin của anh qua cái xã hội nửa ảo nửa thật trên mạng cũng mù mờ. Dù gì thì Út Lành cũng nghĩ anh ta không yêu mình thật lòng. Không ai lại “đối xử” với người mình yêu như thế khi say rồi sau đó không hề biết về sự “mất tích” của “người yêu” trong cả năm trời. Út Lành chỉ thấy một nỗi ân hận, oán trách mơ hồ cho tuổi trẻ nông nổi của mình.
Nhỏ Út vậy mà sướng, được mẹ chăm cho từng chiếc lá khô! Hai cô chị từng có lúc so kè như thế với mẹ khi nói về cô em út. Đừng nghĩ thế. Tội nó. Mẹ thương ba đứa như nhau. Chỉ là nó quá nhạy cảm. Nó tổn thương do chuyện của ba mẹ ngày xưa. Hai đứa con gái cười tươi. “Mẹ, tụi con nói đùa thôi. Nhà mình nhờ nó mới được như ngày nay. Tụi con thương nhau xưa giờ, mẹ đừng lo gì nhé!”.
“Mà năm nay nó có về không mới là… vấn đề”. Con gái đầu của bà An nói. “Con nhớ thằng bé ghê. Con nít thành phố có khác. Đẹp trai, trắng hồng, thơm tho quá chừng đi à”. Con gái thứ của bà An nói thêm làm bà cồn cào nhớ mong con cháu hơn nữa… “Nó không về mẹ cũng gom lá khô. Mẹ đốt rồi… mời hai chị qua nghe khói, nhé!”. Bà An lại đùa, họ lại cùng cười vui với nhau. Ngoài kia những cơn gió heo may thổi nhè nhẹ. Mưa phùn nhẹ như sương từ từ đọng từng giọt trong veo trên đám hoa cải vàng ươm trước ngõ…
Căn nhà bà An rộn ràng lên khi chiếc xe đưa mẹ con Út Lành cùng lỉnh kỉnh đồ đạc trờ tới. Trẻ con hàng xóm bà An nhìn thằng Đức đầy háo hức bởi chắc chắn chúng sẽ có quà. Bởi, chúng đã là bạn thân từ dạo hè, từ những cái tết năm trước. Út Lành sang trọng, tươi trẻ ra dáng một phụ nữ trẻ thành đạt. Thằng bé sắp lên mười chững chạc đứng bên mẹ nó như… vệ sĩ!
Mai mình lại đốt lá khô, nhé mẹ! Út Lành ôm ngang hông mẹ mình nói nhẹ nhàng. Ừ, mẹ biết! Đó là “nghi thức” con thích nhất mỗi năm mà…
***
Có một người đàn ông nửa thân quen, nửa xa lạ, nửa yêu thương, nửa oán hận trong lòng Út Lành tìm về. Người đó ngồi chồm hổm bên đám lá Út Lành đang đốt. Anh cầm từng chiếc lá, nâng niu một lúc mới đưa vào ngọn lửa. Hương lá cam, bưởi cay cay. Hương lá tre khô nồng nàn. Hương ổi sâu lắng… Anh nói sao em để anh tìm quá lâu. Sau “lần đó”, anh xuất ngoại cùng gia đình. Sau “lần đó”, anh vẫn nghĩ về em. Sao em không chủ động tìm kiếm bởi bạn bè sau này nói lại, em vẫn biết tin tức về anh. Út Lành không nói gì, cô chỉ nhìn ngọn lửa. Cô mải mê “nghe” mùi mùa xuân đốt hết lá mùa đông của mình…
Thằng Đức chơi chán chạy về hỏi: “Ai vậy mẹ?”.
Út Lành nói gọn: “Ba của con!”.
Truyện ngắn TRẦN QUỲNH NHƯ