Quốc hội bàn về duy trì ổn định kinh tế vĩ mô vững chắc hơn

Cập nhật: 21-10-2019 | 14:57:38

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV đã khai mạc trọng thể tại Nhà Quốc hội sáng 21-10.

Sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn, Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải trình bày một số báo cáo.

GDP cả năm 2019 ước đạt trên 6,8%

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày báo cáo Quốc hội và đồng bào, cử tri cả nước những nội dung chủ yếu về tình hình kinh tế-xã hội năm 2019 và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2020.

Theo Thủ tướng, với sự vào cuộc quyết liệt của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, dự kiến chúng ta sẽ hoàn thành toàn diện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2019, là năm thứ hai liên tiếp đạt và vượt toàn bộ 12 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch.

Tăng trưởng kinh tế vượt mục tiêu đề ra trong khi vẫn duy trì ổn định kinh tế vĩ mô vững chắc hơn, lạm phát được kiểm soát tốt và các cân đối lớn của nền kinh tế được củng cố, mở rộng.

Đời sống của nhân dân trên mọi miền đất nước đều chuyển biến rõ nét. Tốc độ tăng GDP cả năm 2019 ước đạt trên 6,8%, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao hàng đầu khu vực, thế giới.

Theo Thủ tướng, kết quả này thể hiện nỗ lực, cố gắng rất lớn của các cấp, các ngành và cả nước trong khi khu vực nông nghiệp chịu ảnh hưởng bất lợi của dịch tả lợn châu Phi và nắng nóng, hạn hán; giá nhiều nông sản giảm mạnh; thị trường xuất khẩu nhiều mặt hàng chủ lực gặp khó khăn.

Cùng với đó, năng suất lao động tăng 5,9%; đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đạt 42,7%. Mô hình tăng trưởng chuyển dịch tích cực, giảm dần phụ thuộc vào khai khoáng và tăng tín dụng...

Trong điều kiện thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế biến động mạnh, chúng ta vẫn duy trì được nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) dưới 3%, thấp hơn mục tiêu đề ra. Xây dựng nông thôn mới đạt kết quả vượt bậc, đến cuối năm có khoảng 53-54% số xã và 110 huyện đạt chuẩn, hoàn thành trước thời hạn gần 2 năm. Khu vực dịch vụ duy trì đà tăng khá cao.

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đọc báo cáo của Chính phủ. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Khách quốc tế ước đạt 18 triệu lượt, tăng 16,1%. Cùng với nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, chúng ta đã triển khai quyết liệt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, kiện toàn hệ thống chính trị và đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, kịp thời phát hiện và xử lý nhiều sai phạm, góp phần củng cố niềm tin trong nhân dân.

Tình hình Biển Đông gần đây diễn biến phức tạp, trong đó có việc vi phạm nghiêm trọng các vùng biển của Việt Nam được xác định theo luật pháp quốc tế, trái với Tuyên bố DOC và các thỏa thuận cấp cao.

Đảng và Nhà nước ta đã nhất quán chủ trương những gì thuộc về độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ chúng ta không bao giờ nhân nhượng; đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước.

Chúng ta đã, đang và tiếp tục kiên quyết, kiên trì đấu tranh bằng nhiều biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và đấu tranh trên thực địa; đồng thời gìn giữ môi trường hòa bình và quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước.

Chủ trương đúng đắn, lập trường chính nghĩa và các nỗ lực của Đảng, Nhà nước ta đã nhận được sự đồng tình, chung sức của nhân dân cả nước và sự ủng hộ rộng rãi của cộng đồng quốc tế...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, bên cạnh kết quả đạt được, đất nước ta vẫn còn những hạn chế, yếu kém và tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức, trong đó có những yếu tố ngắn hạn và cũng có những vấn đề trung và dài hạn cần tập trung xử lý hiệu quả trong thời gian tới.

Về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2020, Thủ tướng nhấn mạnh, năm 2020 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng, 75 năm thành lập Nước, 130 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh và là năm tiến hành Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Theo đó, mục tiêu tổng quát cho năm 2020 gồm: Tập trung ổn định kinh tế vĩ mô; kiểm soát lạm phát; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đẩy mạnh đổi mới, hoàn thiện thể chế, khơi thông nguồn lực; tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi. Thúc đẩy mạnh mẽ cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án quan trọng quốc gia, công trình trọng điểm; phát huy vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững.

Cùng với việc củng cố quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế, Việt Nam thực hiện tốt vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021; giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia và môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển; nâng cao uy tín và vị thế của nước ta trên trường quốc tế.

Thủ tướng nêu dự kiến một số chỉ tiêu chủ yếu năm 2020, về kinh tế: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,8%.

Về xã hội: Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) giảm 1-1,5%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 65%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ đạt khoảng 25%; số giường bệnh trên một vạn dân (không tính giường trạm y tế xã) đạt 28 giường bệnh; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 90,7%.

Về môi trường: Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 90%; tỷ lệ che phủ rừng đạt 42%...

Đọc báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, về dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2020, Ủy ban Kinh tế đồng tình với mục tiêu tổng quát cho năm 2020 được Chính phủ đưa ra, song đề nghị làm rõ cơ sở của chỉ tiêu.

Cụ thể, cần làm rõ cơ sở của chỉ tiêu tăng trưởng tổng kim ngạch xuất khẩu để phù hợp mối tương quan giữa chỉ tiêu này với GDP trong hai năm 2019-2020, đặc biệt là chỉ tiêu tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%, vì kết quả 4 năm gần đây đều xuất siêu.

Ủy ban Kinh tế đề nghị, cân nhắc tăng chỉ tiêu tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ để phù hợp mục tiêu tổng quát “phát triển nhân lực chất lượng cao.”

Về các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện các chỉ tiêu về kinh tế-xã hội năm 2020 được đặt ra, Ủy ban Kinh tế đề nghị, cần quan tâm thực hiện việc bảo đảm tiến độ xây dựng và chất lượng các dự án luật; tổ chức thực hiện có hiệu quả các luật đã ban hành.

Bên cạnh đó, chú ý thực hiện quyết liệt việc cắt giảm thủ tục hành chính một cách thực chất; minh bạch và xử lý nghiêm sai phạm trong thực thi công vụ.

Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị cần chấn chỉnh, xử lý nghiêm sai phạm trong quản lý đất đai; quản lý cháy, nổ; quản lý y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao, du lịch; bảo vệ môi trường; quản lý và bảo vệ rừng. Đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch bệnh.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác đấu tranh, phòng ngừa tội phạm, nhất là tội phạm có yếu tố nước ngoài, tội phạm về ma túy; ngăn chặn, xử lý nghiêm các đường dây tín dụng đen. Chủ động phòng ngừa những bất ổn về an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội. Xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường ở các thành phố, đô thị.

3.526 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân

Tiếp theo, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn đã đọc Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri, nhân dân gửi tới Quốc hội.

Theo báo cáo, từ sau Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV đến nay, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổng hợp được 3.526 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước thông qua các Đoàn đại biểu Quốc hội và hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các tổ chức thành viên.

Tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, Đoàn Chủ tịch đã phản ánh, kiến nghị 12 vấn đề cử tri, nhân dân quan tâm và có 6 kiến nghị gửi tới Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan, tổ chức có liên quan, chính quyền các cấp.

Đoàn Chủ tịch ghi nhận việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo và các bộ, ngành, địa phương thực hiện các giải pháp khắc phục những vướng mắc, hạn chế thuộc lĩnh vực quản lý của mình. Tuy nhiên, một số nội dung cử tri, nhân dân và Đoàn Chủ tịch đã kiến nghị tại nhiều kỳ họp Quốc hội vẫn chưa được giải quyết. Đoàn Chủ tịch tiếp tục đề nghị các bộ, ngành, chính quyền địa phương khẩn trương giải quyết.

Tại kỳ họp này, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kiến nghị 5 vấn đề. Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị Quốc hội, Chính phủ, địa phương ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, biến đổi khí hậu; triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ người dân đã ban hành; gắn việc triển khai các dự án trọng điểm quốc gia với phát triển kinh tế-xã hội, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước phát triển, tạo việc làm và ổn định đời sống người dân bị ảnh hưởng khi triển khai các dự án.

Cùng với đó, các bộ, ngành, các địa phương thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ trong giải ngân vốn đầu tư công; đẩy nhanh tiến độ, thực hiện minh bạch các dự án.

Đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan tiếp tục rà soát, hoàn thiện pháp luật về quản lý đầu tư, tháo gỡ kịp thời rào cản, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng, hiệu quả các dự án đầu tư công; xử lý nghiêm cơ quan, đơn vị, cá nhân sai phạm.

Đoàn Chủ tịch đề nghị Chính phủ, Bộ Công an, các bộ, ngành, địa phương đặc biệt chú trọng việc bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tăng cường trấn áp các loại tội phạm, nhất là tội phạm có yếu tố nước ngoài, tội phạm có tổ chức, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm ma túy; đề nghị chính quyền các địa phương đề cao hơn nữa trách nhiệm trong việc quản lý người nước ngoài nhập cư, cư trú bất hợp pháp, mua bán đất đai, nhà ở tại những địa bàn nhạy cảm về quốc phòng, an ninh và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam.

Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành có liên quan, các địa phương, trước hết là thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh khẩn trương có giải pháp bảo vệ môi trường, giảm thiểu ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt; có kế hoạch, lộ trình cụ thể và kiên quyết di dời các cơ sở trong nội thành tiềm ẩn nguy cơ gây cháy nổ, ô nhiễm môi trường, dành quỹ đất xây dựng các công trình công cộng để phục vụ đời sống của người dân, giảm tải giao thông và bảo vệ môi trường.

Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị Đảng, Nhà nước tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo rà soát, hoàn thiện hơn nữa thể chế về quản lý, giám sát cán bộ, đảng viên, chú trọng phát huy và tạo điều kiện để nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên giám sát công tác cán bộ; tăng cường kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền; tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức vi phạm.

Kết thúc Phiên khai mạc, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải đã trình bày Báo cáo tóm tắt kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=2607
Quay lên trên