Quốc hội Việt Nam đồng hành cùng dân tộc- Bài 3

Cập nhật: 12-03-2021 | 08:17:25

Trong giai đoạn 1960- 1980, Quốc hội nước ta hoạt động trong điều kiện miền Bắc tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội, làm hậu phương lớn cho cuộc kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam với 5 khóa hoạt động; trong đó có 4 khóa phải hoạt động trong điều kiện đất nước bị chia cắt. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (30- 4-1975), Quốc hội trở thành Quốc hội chung của cả nước Việt Nam thống nhất.

Bài 2: Quốc hội kháng chiến

Bài 3: Xây dựng chủ nghĩa xã hội, đấu tranh thống nhất nước nhà

Hậu phương lớn

Quốc hội khóa II (1960- 1964) là khóa Quốc hội đầu tiên hoạt động theo những nguyên tắc của Hiến pháp năm 1959; là khóa đầu tiên cả nước thực hiện kế hoạch dài hạn phát triển kinh tế quốc dân theo đường lối do Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng đề ra. Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội đã bầu ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội do đồng chí Trường Chinh làm chủ tịch, 6 phó chủ tịch, tổng thư ký, 14 ủy viên chính thức và 5 ủy viên dự khuyết. Quốc hội thành lập Ủy ban Dự án pháp luật và Ủy ban Kế hoạch và ngân sách của Quốc hội.

Khai mạc Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội nước Việt Nam thống nhất (2-6-1976). Ảnh: TƯ LIỆU

Trong nhiệm kỳ này, Quốc hội đã phát huy vai trò quan trọng của mình trong việc động viên sức người, sức của để xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà. Quốc hội đã thông qua kế hoạch phát triển kinh tế quốc dân 5 năm lần thứ nhất (1961- 1965) - cương lĩnh hành động của toàn dân nhằm cải tạo xã hội chủ nghĩa và bước đầu xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc; thông qua kế hoạch hàng năm, xét duyệt và phê chuẩn dự toán, quyết toán ngân sách hàng năm của Nhà nước...

Đất nước Việt Nam là một khối thống nhất không thể chia cắt, do đó Quốc hội đã tích cực đẩy mạnh các hoạt động nhằm đấu tranh chống đế quốc Mỹ và tay sai, thực hiện hòa bình, thống nhất đất nước. Thời kỳ này, hoạt động đối ngoại của Quốc hội ngày càng phong phú trên các mặt trận kinh tế, chính trị, văn hóa. Quốc hội không ngừng nêu cao nghĩa vụ quốc tế của Nhà nước và nhân dân, tăng cường đoàn kết với các nước xã hội chủ nghĩa, các nước dân tộc chủ nghĩa, kiên trì ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc ở châu Á, châu Phi và khu vực Mỹ la tinh vì mục tiêu hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.

Ghi nhận những kết quả hoạt động của Quốc hội khóa II, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói Quốc hội khóa II là “Quốc hội xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà”.

Quốc hội khóa III (1964- 1971) là nhiệm kỳ Quốc hội hoạt động trong thời chiến, nên đã kéo dài đến quý I năm 1971. Trong 7 năm, Quốc hội đã họp 7 kỳ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp 75 phiên nhưng đã thông qua rất nhiều nghị quyết quan trọng về các lĩnh vực chính trị, kinh tế, đối ngoại, về tổ chức hành chính, về nhân sự phục vụ sự nghiệp xây dựng miền Bắc, phục vụ sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, Quốc hội và Chính phủ đã động viên quân và dân cả nước đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc, hết lòng chi viện kịp thời và ngày càng lớn cho miền Nam đánh bại các chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ; tích cực làm nghĩa vụ quốc tế đối với cuộc chiến đấu chống Mỹ của nhân dân Campuchia và nhân dân Lào anh em.

Quốc hội khóa IV (1971- 1975) với 5 kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp 53 phiên và đã ban hành nhiều nghị quyết quan trọng về phương hướng, nhiệm vụ, chỉ tiêu của các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; phê chuẩn các dự toán và quyết toán ngân sách, góp phần củng cố và xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa, bảo đảm sức mạnh để đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ 2 của Mỹ, tiêu biểu là trận “Điện Biên Phủ trên không”, buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán và ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Quốc hội hoan nghênh và thông qua nghị quyết về việc ký kết Hiệp định Paris năm 1973. Hoạt động của Quốc hội đã góp phần quan trọng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 của quân và dân ta nhằm đánh đổ chế độ thực dân mới của đế quốc Mỹ ở miền Nam, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ, thống nhất đất nước.

Quốc hội thống nhất

Quốc hội khóa V (1975- 1976) ra đời trong bối cảnh lịch sử miền Nam vừa mới giải phóng và hoạt động chưa đầy 2 năm. Quốc hội chỉ họp 2 kỳ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp 10 phiên nhưng đã quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước. Đặc biệt, trong nhiệm kỳ này, Quốc hội đã góp phần quan trọng trong việc thống nhất đất nước về mặt Nhà nước.

Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội đã long trọng tuyên bố: “Hơn 100 năm nay, đây là lần đầu tiên trên Tổ quốc thân yêu của chúng ta không còn bóng một tên xâm lược, dân tộc ta hoàn toàn làm chủ vận mệnh của mình. Từ đây, nhân dân ta đời đời sống trong độc lập, tự do, hạnh phúc. Đó là thắng lợi có ý nghĩa lịch sử và có tính thời đại của dân tộc Việt Nam...”.

Quốc hội đã nghiên cứu, thảo luận đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch Nhà nước năm 1975 và quyết định kế hoạch Nhà nước năm 1976, năm thứ nhất của kế hoạch 5 năm lần thứ 2, mở đầu thời kỳ xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất và xã hội chủ nghĩa. Quốc hội đã phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 1975 và dự toán ngân sách Nhà nước năm 1976; đồng thời quyết định cải tiến hệ thống các đơn vị hành chính, phê chuẩn việc giải thể cấp khu và hợp nhất một số tỉnh nhỏ thành tỉnh lớn theo chủ trương của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Để thực hiện nhiệm vụ thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước, trên cơ sở sự nhất trí giữa Quốc hội và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với các cơ quan có trách nhiệm ở miền Nam, ngày 27-10-1975, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp phiên đặc biệt để thảo luận, thông qua Đề án thực hiện thống nhất về mặt Nhà nước, cử đoàn đại biểu miền Bắc tham dự Hội nghị Hiệp thương với đoàn đại biểu miền Nam. Tại hội nghị, 22 đại biểu của đoàn miền Nam và 14 đại biểu của đoàn miền Bắc đã trình bày quan điểm và nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân đối với yêu cầu thống nhất nước nhà. Hội nghị đã khẳng định: “Cần hoàn thành thống nhất nước nhà trên cơ sở độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đó là sự thống nhất trọn vẹn và vững chắc nhất”.

Tại kỳ họp thứ 2 (tháng 12- 1975), Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trường Chinh đã vui mừng báo cáo kết quả Hội nghị Hiệp thương chính trị thống nhất Tổ quốc. Quốc hội đã thảo luận và nhất trí thông qua nghị quyết phê chuẩn kết quả hội nghị hiệp thương, mở ra thời kỳ phát triển mới của nước Việt Nam thống nhất.

Quốc hội khóa VI (1976- 1981) đánh dấu mốc lịch sử đặc biệt quan trọng, là khóa Quốc hội thống nhất. Để thể hiện tính liên tục của Nhà nước qua các giai đoạn đấu tranh cách mạng, Quốc hội đã quy định khóa Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất là Quốc hội khóa VI. Quốc hội cũng quyết định đổi tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; quy định Quốc kỳ là lá cờ đỏ sao vàng, Quốc huy mang dòng chữ “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, Quốc ca là bài Tiến quân ca và chính thức đặt tên cho Sài Gòn - Gia Định là TP.Hồ Chí Minh; quy định thủ đô của nước Việt Nam thống nhất là Hà Nội. Đồng thời, Quốc hội đã ra nghị quyết về việc thành lập Ủy ban Dự thảo Hiến pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Đặc biệt, tại kỳ họp thứ 7 (tháng 12-1980), Quốc hội đã thực hiện nhiệm vụ quan trọng là thông qua Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Hiến pháp mới của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - Hiến pháp năm 1980. Đây là Hiến pháp thứ 3 được Quốc hội thông qua để đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn mới. Hiến pháp khẳng định: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ...”.

Sự ra đời của Hiến pháp năm 1980 là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, là vũ khí sắc bén để toàn dân, toàn quân tiếp tục giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, thực hiện trọn vẹn Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quyết tâm xây dựng thành công một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất và xã hội chủ nghĩa, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của nhân dân thế giới. (Còn tiếp)

Quốc hội khóa VI (1976-1981) đánh dấu mốc lịch sử đặc biệt quan trọng, là khóa Quốc hội thống nhất. Để thể hiện tính liên tục của Nhà nước qua các giai đoạn đấu tranh cách mạng, Quốc hội đã quy định khóa Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất là Quốc hội khóa VI. Quốc hội cũng quyết định đổi tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; quy định Quốc kỳ là lá cờ đỏ sao vàng, Quốc huy mang dòng chữ “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, Quốc ca là bài Tiến quân ca và chính thức đặt tên cho Sài Gòn - Gia Định là TP.Hồ Chí Minh; quy định thủ đô của nước Việt Nam thống nhất là Hà Nội

ĐÀM THANH (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên