Với 37 khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CNN) cùng gần 20.000 doanh nghiệp (DN) hoạt động đa ngành nghề, Bình Dương chịu sức ép rất lớn về bảo vệ môi trường (BVMT). Tuy vậy trong quá trình phát triển công nghiệp, Bình Dương luôn định hướng kinh tế phát triển bền vững, thân thiện với môi trường bằng những quy định, chính sách phù hợp với tình hình phát triển của địa phương. Quỹ BVMT chính là một trong những công cụ giúp tỉnh giải quyết tốt vấn đề môi trường trước sự lớn mạnh của ngành công nghiệp.
Hệ thống xử lý nước thải tại KCN Việt Hương. Ảnh: P.HIẾU
Nhiều DN được tiếp cận vốn
Qua 6 năm đi vào hoạt động, Quỹ BVMT đã giải ngân 90 tỷ đồng giúp cho hàng chục dự án liên quan đến việc cải tạo, làm mới hệ thống BVMT tại các DN trong KCN, CNN trên địa bàn tỉnh hoàn thành, đưa vào hoạt động.
Đại diện lãnh đạo một công ty tại KCN Việt Hương hồ hởi cho biết: “Chúng tôi vừa được giải ngân 4,4 tỷ đồng tiền trang thiết bị cho nhà máy xử lý nước tại KCN Việt Hương 2, nâng công suất nhà máy xử lý nước từ 2.000m3/ngày đêm lên 6.000m3/ngày đêm, đủ sức đón thêm hàng chục DN khác đến hoạt động sản xuất, kinh doanh tại KCN Việt Hương 1 và 2”.
Đây không phải lần đầu tiên công ty này “gặp khó” phải nhờ đến Quỹ BVMT. Đầu năm 2012, công ty đã được Quỹ BVMT tỉnh giải ngân số tiền 3,4 tỷ đồng để cải tạo hệ thống xử lý nước tại KCN Việt Hương 1. Năm 2013, một công ty thành viên cũng được cho vay số tiền 1,7 tỷ đồng để xây dựng hệ thống xử lý nước thải công suất 600m3/ngày đêm. Nếu so với năm 1996, khi KCN Việt Hương đi vào hoạt động với quy mô xử lý nước thải 1.000m3/ngày đêm thì đến nay, hệ thống xử lý nước thải của các KCN Việt Hương 1 và 2 đạt con số khá ấn tượng với hơn 8.000m3/ngày đêm, bảo đảm đủ công suất xử lý nước thải cho gần 100 DN đang hoạt động sản xuất tại đây.
Việc làm chủ động, có trách nhiệm với công tác xử lý nước thải ra môi trường của đơn vị này không những được đánh giá cao mà còn ghi dấu ấn rõ ràng hiệu quả mà Quỹ BVMT tỉnh đã làm được.
Bên cạnh các DN lớn, hàng chục DN nhỏ và vừa khác như Công ty TNHH Đạt Hưng, Công ty TNHH Thành Thắng… cũng được hưởng lợi ích từ Quỹ BVMT. Có thêm nguồn vốn ưu đãi (lãi suất chỉ từ 4,5%/ năm) đã giúp cho các DN có điều kiện xây dựng hệ thống xử lý nước thải, chất thải vừa bảo đảm yêu cầu trong hoạt động sản xuất, kinh doanh vừa góp phần BVMT.
Cần nhiều nguồn vốn
Ông Nguyễn Hồng Nguyên, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường, Giám đốc Quỹ BVMT tỉnh nhận định, nhu cầu vay vốn để xây dựng, trang bị hệ thống xử lý chất thải tại các DN là rất lớn. Quỹ BVMT đã hoạt động đúng chủ trương mà UBND tỉnh đề ra, nhưng trong tương lai sẽ cần nhiều nguồn vốn hơn nữa mới đáp ứng được nhu cầu của DN.
Lãnh đạo Công ty HHP (TX.Dĩ An) nhận định, Quỹ BVMT tỉnh là công cụ cần thiết, nó thể hiện sự quan tâm của chính quyền đối với các DN. Bản thân Công ty HHP đang hưởng lợi ích đáng kể từ nguồn vốn ưu đãi này. Năm 2012, công ty tiếp cận quỹ xây dựng hệ thống xử lý nước thải với quy mô 100m3/ngày. Sự phát triển của công ty đã nâng nhu cầu xử lý nước thải lên cao. Hiện công ty đang xây dựng đề án để tiếp tục “kết duyên” với Quỹ BVMT nhằm tăng năng suất xử lý nước thải lên gấp 3 - 4 lần, bảo đảm môi trường trong quá trình sản xuất.
Lãnh đạo một số DN khác thì cho biết, so với mức lãi suất của ngân hàng từ 10 -12%/năm, Quỹ BVMT tỉnh cho vay chỉ từ 4,5%/ năm sẽ giúp cho các DN mạnh dạn đầu tư xây dựng, trang bị hệ thống chất thải ra môi trường. Quỹ BVMT tỉnh sẽ ngày càng được DN quan tâm và tìm đến nhiều hơn. Đây chính là chính sách vừa có tính ưu đãi vừa có tính động viên, khích lệ các DN quan tâm đến công tác BVMT.
Ông Nguyên chia sẻ, đa số DN sử dụng nguồn vốn vay này hết sức có hiệu quả, nhiều DN đã hoàn tất trả nợ cả vốn lẫn lãi. Tuy nhiên, để tạo sức lan tỏa sâu và rộng hơn, thời gian tới, Quỹ BVMT cần nhiều vốn hơn nữa từ các DN, tổ chức trong và ngoài nước cùng tiếp sức với Bình Dương, với các DN trên địa bàn tỉnh trong việc BVMT.
PHÙNG HIẾU