Quyết liệt với doanh nghiệp “lười” giảm giá cước vận tải

Cập nhật: 05-03-2016 | 10:20:46

Lợi dụng độ trễ trong quy trình kê khai thủ tục đăng ký mới giá cước, nhiều doanh nghiệp (DN) kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh đã “lười” kê khai đăng ký giảm giá cước, dù liên tục bị các cơ quan chức năng nhắc nhở bằng văn bản, dư luận liên tục thông tin phản ánh.


Ngoài quy định về trách nhiệm kê khai lại giá cước mỗi khi giá xăng dầu tăng hoặc giảm, Thông tư liên tịch 152 liên bộ Tài chính - Giao thông vận tải còn yêu cầu DN phải niêm yết công khai bảng giá trên phương vận tải (Ảnh chụp tại Bến xe khách TX.Bến Cát). Ảnh: DUY CHÍ

Xử phạt nghiêm vi phạm

Cao điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) và Bộ Tài chính (TC) liên tục ban hành các văn bản yêu cầu các địa phương tăng cường công tác bảo đảm an toàn giao thông, quản lý giá và thực hiện kê khai giá tại đơn vị vận tải. Bên cạnh đó, theo chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở GTVT phối hợp với Sở TC đã phát hành văn bản yêu cầu các DN, hợp tác xã (HTX) kinh doanh dịch vụ vận tải trên địa bàn phải thực hiện kê khai niêm yết lại giá cước phù hợp với tình hình giá xăng dầu liên tục giảm trong thời gian qua. Trên cơ sở đăng ký, kê khai lại giá cước vận tải của DN, Sở GTVT và Sở TC đã thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra thực tế việc kê khai, niêm yết giá cước, thực hiện giảm giá cước vận tải tại 18/18 đơn vị kinh doanh vận tải đăng ký hoạt động trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

Kết quả kiểm tra cho thấy, lực lượng chức năng đã phát hiện 3 DN vận tải gồm: Công ty TNHH Nhà hàng Thắng Lợi (Taxi Thắng Lợi), Công ty TNHH MTV Hào Huyên Phát (xe giường nằm chất lượng cao Bắc - Nam) và Chi nhánh DNTN Phước Hưng An Toàn (xe khách liên tỉnh đồng bằng sông Cửu Long) không thực hiện niêm yết giá cước vận tải theo quy định tại Thông tư liên tịch số 152/2014 liên Bộ TC - GTVT mà ngành chức năng đã thông báo, nhắc nhở trước đó. Ngoài việc xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt 3 DN vi phạm là 25 triệu đồng, Thanh tra GTVT còn thực hiện chế tài bổ sung là thu hồi phù hiệu 1 tháng đối với các phương tiện của DN vi phạm (cấm phương tiện hoạt động kinh doanh trong thời gian bị thu hồi phù hiệu).

Đoàn kiểm tra còn phát hiện thêm 8/18 DN gồm: HTX Vận tải hành khách số 15, Công ty TNHH Vận tải hành khách Thanh Loan, HTX Vận tải đường bộ TP.Thủ Dầu Một, Chi nhánh Công ty TNHH Phúc Gia Khang, Chi nhánh Công ty Cổ phần Tập đoàn Mai Linh tại Bình Dương, DNTN Thiện Thành, Công ty TNHH MTV Hào Huyên Phát và HTX Vận tải du lịch hành khách Minh Giang kê khai lại giá cước vận tải đúng quy định nhưng giá cước hiện tại chưa tương xứng với mức giảm thực tế của giá xăng dầu thời gian qua. Đoàn kiểm tra đã yêu cầu 8 DN, HTX vận tải này phải kê khai, điều chỉnh lại giá cước theo hướng giảm từ 3 - 16% so với giá cước đã đăng ký trước đó. Riêng Chi nhánh Công ty Cổ phần Tập đoàn Mai Linh tại Bình Dương thực hiện giảm từ 450 - 550 đồng/km tùy từng loại xe so với lần kê khai trước đó.

Doanh nghiệp nói gì?

Ông Dương Minh Định, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần gỗ Minh Dương (TX. Thuận An) nêu thực tế: Khi xăng dầu tăng giá thì lập tức giá cước vận tải tăng vì DN nói rằng xăng dầu là chi phí đẩy, chiếm từ 30 - 40% giá thành. Nhưng khi xăng dầu giảm giá sâu và liên tục như thời gian qua thì DN vận tải viện dẫn đủ lý do để trì hoãn giảm giá như lệ phí cầu đường, lương cho người lao động, lãi vay ngân hàng…

Ông Phạm Văn Xô, Chủ tịch Hội Logistics tỉnh Bình Dương nói, tình trạng giá cước vận tải tăng khi giá xăng dầu tăng được DN thực hiện rất nhanh, vì càng kéo dài thời gian thì DN càng bị thiệt. Còn khi giá xăng dầu giảm thì DN cứ từ từ kê khai đăng ký giảm giá cước là có thật. Bởi vì quy trình thủ tục đăng ký, kê khai phải qua nhiều khâu, nhiều cơ quan, mất nhiều thời gian, chi phí của DN. Ông Xô cũng khẳng định, cơ chế kinh tế thị trường vận hành theo quy luật và tồn tại bởi lòng tin, trách nhiệm và văn hóa DN. Cách làm như trên là không chuyên nghiệp, thiếu công bằng, chưa thể hiện được trách nhiệm hai chiều giữa DN với khách hàng và không đại diện cho số đông DN đang hoạt động trên thị trường.

Còn ông Nguyễn Thanh Tú, Phó Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam - Chi nhánh Bình Dương (Taxi Vinasun) cho biết: “Hầu hết các hãng taxi đã khoán chi phí nhiên liệu gồm xăng, dầu cho lái xe và điều này đã được các bên liên quan thống nhất bằng văn bản có tính pháp lý rõ ràng. Vì vậy, giá xăng dầu tăng hay giảm đều không mang lại lợi ích gì cho công ty. Câu hỏi mà dư luận đặt ra là “Tại sao giá xăng dầu giảm mà giá cước vận tải thường giảm chậm hơn”? Theo đó, độ “trễ” này là tất yếu, bởi vì Vinasun có 16 chi nhánh trên toàn quốc với khoảng 6.000 đầu xe; là thương hiệu lớn trên thị trường chúng tôi phải tuân thủ quy định của pháp luật và có trách nhiệm bảo đảm lợi ích hài hòa giữa DN với khách hàng, theo đó phải điều chỉnh kịp thời giá cước khi giá xăng dầu tăng hay giảm. Quy trình thủ tục đăng ký điều chỉnh giá cước phải thông qua và được sự chấp thuận của nhiều sở ngành như Sở TC, Sở GTVT, Sở Khoa học - Công nghệ… rồi mới tiến hành in đề can, bảng giá”.

Cũng theo ông Tú, hội đủ các điều kiện trên, DN thực hiện phân kỳ thời gian, thống nhất ngày giờ, thông báo cho từng chi nhánh để tập trung phương tiện cho cơ quan kiểm định thực hiện kiểm định, niêm phong lại đồng hồ taxi met. Chí phí cho mỗi đầu xe trung bình là 100.000 đồng. Như vậy, toàn hệ thống có trên 6.000 đầu xe, mỗi lần điều chỉnh giá công ty phải chi trên 600 triệu đồng chỉ để điều chỉnh lại đồng hồ taxi mét. Các khoản còn lại như dừng kinh doanh, đi lại làm thủ tục, in ấn decan niêm yết giá công ty chưa tính đến.

Thông tư liên tịch số 152/2014 của liên Bộ GTVT - TC đã quy định rõ: Khi xăng dầu tăng hoặc giảm giá đạt biên độ 3% thì DN phải kê khai, điều chỉnh lại giá cước. Thông tư này cũng liệt kê các cơ sở cấu thành giá có liên quan, chứ không riêng gì giá xăng dầu. Thực hiện thông tư này, qua kiểm tra thực tế bảng giá đăng ký mới của 18 DN trên địa bàn tỉnh, đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh đã phát hiện 8 DN kê khai giá chưa phù hợp với thực tế và phải điều chỉnh giảm từ 3 - 16% theo yêu cầu của Sở GTVT. Sau ngày 1-3, nếu các DN trên không thực hiện theo yêu cầu của đoàn kiểm tra thì Sở TC sẽ xử phạt theo quy định của pháp luật.

►Ông TRẦN THANH LIÊM, Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Phải hướng DN tuân thủ quy định của pháp luật

Bình Dương là tỉnh phát triển mạnh về công nghiệp- dịch vụ - đô thị nên DN, phương tiện vận tải tập trung đông. Nhà nước luôn bảo đảm và mở ra môi trường làm ăn thuận lợi, bình đẳng cho các DN. Các cơ quan thực thi pháp luật phải đẩy mạnh tuyên truyền và hướng DN tuân thủ quy định pháp luật.

►Ông NGUYỄN CHÍ HIẾU, Phó Giám đốc Sở GTVT: Hiệp hội Vận tải ra đời góp phần bảo đảm hài hòa lợi ích

Tỉnh Bình Dương đã có chủ trương thành lập hiệp hội vận tải, chậm nhất đến quý II-2016 tổ chức này sẽ ra đời nhằm bảo vệ lợi ích hợp pháp của DN, đồng thời bảo đảm lợi ích hài hòa giữa DN và người tiêu dùng trước những biến động bất thường của thị trường.

 
DUY CHÍ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên