Sở Giáo dục và Ðào tạo tỉnh Tuyên Quang tổ chức tập huấn cho giáo viên về nội dung các bộ sách giáo khoa lớp 1 đã được chọn. Ảnh: MẠNH TÙNG
Năm học 2020-2021 là năm học đầu tiên cả nước áp dụng chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới, bắt đầu từ lớp 1. Ðến thời điểm này, ngành giáo dục các địa phương đã chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện từ cơ sở vật chất, giáo viên, thiết bị dạy học để thực hiện chương trình GDPT mới đạt hiệu quả.
Theo lộ trình, Chương trình GDPT mới sẽ được áp dụng từ năm học 2020-2021 đối với lớp 1, gồm tám môn học và một hoạt động giáo dục, dạy học hai buổi/ngày, mỗi ngày bố trí không quá bảy tiết học; mỗi tiết học 35 phút.
Bộ GD và ÐT đã thẩm định 46 sách giáo khoa (SGK) của năm bộ SGK lớp 1 đưa vào sử dụng từ năm học 2020-2021 do ba nhà xuất bản thực hiện (Giáo dục Việt Nam, Ðại học Sư phạm, Sư phạm TP Hồ Chí Minh). Vụ trưởng Giáo dục tiểu học, TS Thái Văn Tài cho biết, thời gian qua, các trường tiểu học đã tổ chức cho giáo viên nghiên cứu SGK lớp 1, lựa chọn sách theo quy trình đã được Bộ GD và ÐT quy định. Các tỉnh, thành phố cũng ban hành tiêu chí lựa chọn SGK sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn, đúng thời gian quy định. Trong đó, tất cả 46 SGK của tám môn học và một hoạt động giáo dục của lớp 1 được Bộ GD và ÐT phê duyệt đều được các tỉnh lựa chọn. Ðáng chú ý, không có tỉnh nào lựa chọn nguyên một bộ SGK mà lựa chọn ít nhất từ ba bộ trở lên, trong đó có nhiều tỉnh chọn các môn học trải đều trong cả năm bộ SGK lớp 1.
Theo Bộ trưởng GD và ÐT Phùng Xuân Nhạ, Bộ GD và ÐT đã ban hành chương trình GDPT mới và cũng đã thẩm định phê duyệt, phát hành SGK đến phụ huynh, học sinh lớp 1 từ năm học 2020-2021. Bộ GD và ÐT ban hành Thông tư hướng dẫn lựa chọn SGK trong cơ sở GDPT. Vì vậy, các khâu từ bồi dưỡng giáo viên; biên soạn, thẩm định, phê duyệt, phát hành SGK mới cơ bản đã được triển khai hiệu quả. Năm học 2020-2021, giáo dục tiểu học sẽ phải nỗ lực thực hiện tốt chương trình GDPT mới đối với lớp 1. Trong đó, giáo viên là lực lượng quan trọng quyết định sự thành công của chương trình mới. Vì vậy, các trường, địa phương nỗ lực bố trí, sắp xếp giáo viên
bảo đảm số lượng, cơ cấu và chất lượng.
Tại Trường tiểu học thị trấn Diêm Ðiền (huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) những ngày đầu năm học mới, các cô giáo khối lớp 1 đang sinh hoạt chuyên môn để xây dựng kế hoạch giáo dục nhằm triển khai các tiết học đạt hiệu quả. Cô giáo Nguyễn Thị Hoa, Phó Hiệu trưởng chia sẻ: Chương trình GDPT mới chú trọng năng lực, phát huy quyền làm chủ, sáng tạo của học sinh. Vì vậy, giáo viên lớp 1 của trường chịu khó học hỏi và nghiên cứu tài liệu, chương trình SGK, tham khảo các tiết dạy minh họa, nắm rất kỹ những yêu cầu của chương trình. Tổ giáo viên khối lớp 1 của trường cũng thành lập nhóm trực tuyến để thường xuyên sinh hoạt chuyên môn. Trong khi đó, cô giáo Vũ Thị Thu Hường, Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Quỳnh Hải (huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình) cho biết: Thời gian qua, trường đã tạo điều kiện cho giáo viên lớp 1 tham gia các lớp tập huấn, tiếp cận chương trình GDPT mới. Sau các buổi tập huấn, giáo viên cùng nhau xây dựng tiết học mẫu rồi cùng tổ chuyên môn rút kinh nghiệm để tìm ra những phương pháp tốt nhất, phù hợp điều kiện thực tiễn của trường.
Trưởng phòng GD và ÐT huyện Thái Thụy (Thái Bình) Ðỗ Trường Sơn cho biết: Bước vào năm học mới, Phòng GD và ÐT huyện Thái Thụy chỉ đạo các trường tăng cường sinh hoạt tổ nhóm chuyên môn lớp 1 theo hướng liên trường, cụm trường. Cụ thể, mỗi tháng ít nhất sinh hoạt một lần liên cụm; hai lần trong trường. Ngoài ra, hằng tháng, phòng yêu cầu các trường báo cáo những khó khăn vướng mắc trong thực hiện chương trình GDPT mới để bộ phận chuyên môn phòng tổng hợp, tư vấn, bồi dưỡng kịp thời. Tại tỉnh Nam Ðịnh, Phó Giám đốc Sở GD và ÐT Nguyễn Xuân Hồng cho biết: Ðến ngày 10- 8, toàn tỉnh đã tập huấn xong việc sử dụng SGK các môn học đối với 570 cán bộ quản lý và 1.967 giáo viên dạy các môn học, hoạt động giáo dục bắt buộc đối với lớp 1 và 211 giáo viên dạy tiếng Anh lớp 1 năm học 2020-2021.
Cơ sở vật chất cũng là một trong những yếu tố cần thiết quyết định sự thành công của chương trình GDPT mới. Tại huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình bảo đảm tỷ lệ phòng kiên cố đạt 96,9%, trong đó các trường ưu tiên bố trí phòng học kiên cố cho lớp 1. 75% số trường đã được lắp đặt ca-mê-ra, nhiều trường bổ sung đường truyền in-tơ-nét và ti-vi màn hình lớn có kết nối mạng in-tơ-nét để phục vụ hoạt động dạy và học theo chương trình mới. Còn tại tỉnh Bắc Ninh, năm học 2019-2020, toàn tỉnh xây mới 374 phòng học tiểu học, tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 99,3%; cơ bản đủ mỗi lớp một phòng học.
TS Thái Văn Tài cho biết, toàn quốc có 403.000 giáo viên tiểu học tăng gần 5.000 giáo viên so với năm học trước đó, tỷ lệ trung bình giáo viên/lớp ở cấp tiểu học là 1,41 cơ bản đáp ứng dạy học hai buổi/ngày. Ðể triển khai chương trình GDPT mới, Bộ GD và ÐT đã thực hiện mô hình bồi dưỡng giáo viên thường xuyên, liên tục, tại chỗ. Bộ GD và ÐT đã phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông và Tập đoàn Viettel cung cấp miễn phí đường truyền, tài khoản để tất cả giáo viên lớp 1 được tập huấn chương trình GDPT mới bảo đảm chất lượng và tiến độ. Hiện, đối với cấp tiểu học đã bồi dưỡng được 1.028 cán bộ quản lý và 6.700 tổ trưởng chuyên môn cốt cán cấp T.Ư. Các Sở GD và ÐT đã phối hợp Viettel các địa phương và các nhà xuất bản có SGK được lựa chọn bồi dưỡng đại trà cho tất cả giáo viên giảng dạy lớp 1 năm học 2020-2021. Cùng với đội ngũ, cơ sở vật chất cũng được bảo đảm, năm học 2020-2021, các địa phương cơ bản bảo đảm tỷ lệ một phòng/lớp, tạo điều kiện thuận lợi tổ chức dạy học hai buổi/ngày. Số phòng học kiên cố hóa được tăng lên và cơ bản xóa được số phòng học tạm, phòng học mượn ở cấp tiểu học. Ở các thành phố lớn, các tỉnh có khu công nghiệp chịu áp lực lớn về tăng dân số cơ học, đã bước đầu thực hiện tốt công tác dự báo, quy hoạch đồng bộ để có phương án bố trí quỹ đất và xây dựng, bổ sung nhiều trường học, phòng học mới, tạo tiền đề để thực hiện chương trình GDPT mới hiệu quả.
Theo NDĐT