Sách giả là một vấn nạn của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, lâu nay bạn đọc vẫn chưa quan tâm nhiều đến vấn đề sách giả, bởi về cơ bản sách làm giả có nội dung giống như sách thật, đặc biệt là giá bán mềm hơn.
Tuy nhiên, nếu xét một cách kỹ lưỡng sách giả sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến bạn đọc, mà đối tượng ở đây phần lớn là học sinh, sinh viên. Để giảm giá thành xuống thấp so với thị trường, các đối tượng in ấn làm giả thường in nhanh với số lượng lớn nhằm thu về lợi nhuận cao, không có bản chính thức nên chất lượng không bảo đảm. Qua tìm hiểu thực tế, xuất bản phẩm giả do sai sót về màu sắc, ký hiệu, nét chữ, kiến thức, hay bị thiếu dữ liệu, không cập nhật thông tin dẫn đến sai lệch về nội dung kiến thức. Ngoài ra, cũng vì lợi nhuận, các xuất bản phẩm giả thường sử dụng giấy in chất lượng kém, in bị mờ, không bảo đảm quy cách tiêu chuẩn kỹ thuật, làm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người đọc, đặc biệt là thị lực của học sinh. Nếu xét về góc độ ý thức, việc sử dụng xuất bản phẩm giáo dục giả sẽ tạo tâm lý quen với việc không chấp hành pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ.
Các cơ quan chức năng luôn phối hợp hành động để hạn chế tình trạng in và tiêu thụ sách giáo khoa giả song hiệu quả vẫn chưa như mong muốn. Theo các đơn vị chức năng, hiện nay hệ thống văn bản, chế tài xử lý chưa thật đầy đủ. Khung hình phạt dành cho hành vi in ấn, mua bán, phát hành sách giáo khoa giả, sách lậu vẫn còn rất thấp nên chưa đủ nghiêm khắc.
Tuy nhiên, xét về lâu dài, các chế tài cũng chỉ là giải pháp tình thế. Vấn đề căn cơ nhất để đẩy lùi sách lậu, sách giả là cần nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực xuất bản. Nếu thị trường không có người mua thì sách lậu, sách giả sẽ không còn cơ hội tồn tại.
MY PHAN