Ngày 9-5, Tòa án Nhân dân tỉnh tiếp tục mở phiên xét xử ngày thứ 2 đối với vụ án nguyên Giám đốc Sở Địa chính (nay là Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT)) Cao Minh Huệ cùng các đồng phạm bị cáo buộc gây thiệt hại ngân sách Nhà nước trên 131 tỷ đồng. Trong phiên tòa, có các Giám định viên thuộc Bộ TN&MT, Bộ Tài chính đã được triệu tập để Hội đồng xét xử (HĐXX) và các luật sư hỏi rõ về các con số liên quan đến thống kê thiệt hại trong vụ án.
Toàn cảnh phiên xét xử
Tại phiên xét hỏi, các vị luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo đã yêu cầu HĐXX cho hỏi đáp với Giám định viên thuộc Bộ TN&MT trong việc kiểm định, kê khai diện tích đất vườn điều, đất trồng cây cao su có trong vụ án.
Cụ thể, tình tiết tháng 4-2000 và tháng 6-2002 Công ty Chế biến cây công nông nghiệp xuất khẩu tỉnh Bình Dương (Sobexco) bán 658 ha cao su/706 ha đất được giao; tuy nhiên, những người mua vườn cao su được UBND huyện Bến Cát cấp sổ đỏ (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) không đúng với các quy định của pháp luật về đất đai dẫn đến Nhà nước không thu được tiền cho thuê đất. Vào năm 2007, khi Nhà nước tiến hành giải phóng mặt bằng Khu công nghiệp (KCN) An Tây thì những người đã mua vườn cao su trước đó lại được bồi thường về đất, gây thiệt hại rất lớn cho Nhà nước. Đây được coi là căn cứ quan trọng của vụ án, vì vậy Cơ quan tố tụng đã yêu cầu việc giám định các con số nên Giám định viên thuộc Bộ TN&MT đã thực hiện công tác giám định, kiểm kê thực tế số lượng đất cao su mà Sobexco bán.
Ngoài ra, vụ án gây thất thoát của Nhà nước số tiền hơn 131 tỷ đồng, vì vậy việc kiểm kê tài sản, số tiền bị thất thoát cần đến các Giám định viên thuộc Bộ TN&MT, Bộ Tài chính phối hợp để xác định đúng số tiền thiệt hại của Nhà nước, từ đó bảo đảm tính minh bạch thông tin.
Sau khi trả lời các vị luật sư, các Giám định viên đã hết nghĩa vụ cung cấp thông tin liên quan đến vụ án và ra về ngay sau đó.
Phiên tòa tiếp tục diễn ra, HĐXX đã yêu cầu đại diện của Công ty Sobexco thực hiện các nghĩa vụ quyền hỏi đáp để các tình tiết có liên quan đến công ty, những sai phạm trong việc cấp sổ đỏ không đúng quy định của pháp luật về đất đai. Diện tích đất vườn cây cao su thanh lý của Công ty Sobexco sau này nằm trong quy hoạch để xây dựng KCN An Tây. Vì vậy, đáng lẽ Nhà nước không phải mất tiền bồi thường đất nhưng vì đã cấp “sổ đỏ” nên gây thiệt hại số tiền bồi thường khoảng 130 tỷ đồng.
Bị cáo Cao Minh Huệ đang trình bày tại tòa
Trong hồ sơ của vụ án nêu rõ, Công ty Sobexco là doanh nghiệp Nhà nước, có trụ sở tại huyện Bến Cát do ông Nguyễn Thanh Hải làm Giám đốc (đã chết). Trong quá trình hoạt động, Sobexco được tỉnh Bình Dương giao quản lý 706 ha đất vườn điều tại xã An Tây (huyện Bến Cát). Đến năm 1997, Sobexco thanh lý 650 ha đất trồng điều để vay vốn trồng cây cao su. Tuy nhiên, dự án đã thua lỗ, khiến công ty này nợ kéo dài. Vì vậy, tháng 4-2000 và tháng 6-2002 Sobexco bán 658 ha cao su/706 ha đất được giao; tuy nhiên những người mua vườn cao su được UBND huyện Bến Cát cấp sổ đỏ (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) không đúng với các quy định của pháp luật về đất đai dẫn đến Nhà nước không thu được tiền cho thuê đất.
Vào năm 2007, khi Nhà nước tiến hành giải phóng mặt bằng KCN An Tây thì những người đã mua vườn cao su trước đó lại được bồi thường về đất, gây thiệt hại rất lớn cho Nhà nước. Khi đó, ông Cao Minh Huệ là Giám đốc Sở Địa chính nhưng không thể hiện vai trò lãnh đạo, chức trách của mình nên không tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo UBND huyện Bến Cát làm thủ tục cho thuê đất vườn cây cao su, không hướng dẫn UBND huyện cấp sổ đỏ đúng quy định dẫn đến hệ lụy sau này.
Riêng ông Huệ với tư cách là Giám đốc Sở Địa chính đã làm tờ trình đề nghị UBND tỉnh nâng hạn mức giao đất từ 10 ha lên 30 ha/hộ gia đình trái quy định. Trong khi đó, ông Phan Văn Trung đã thống nhất với ông Đỗ Văn Sâm (cán bộ thuộc Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Bến Cát) chỉ đạo, hướng dẫn Nguyễn Thanh Hải lập và ký lại 41 hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất trái quy định; trực tiếp ký vào tờ trình để UBND huyện Bến Cát cấp sổ đỏ cho 71 người không đúng quy định pháp luật.
Trong khi đó, ông Sâm cũng là người trực tiếp viết nội dung 31 đơn xin đăng ký quyền sử dụng đất, xác nhận cho những người mua vườn cao su không đúng với thực tế. Ngoài ra, ông Cao Minh Huệ đã mua hơn 75 ha để cho các thành viên trong gia đình (trong đó có vợ, con, chị em ruột) đứng tên để hưởng lợi tiền đền bù giải phóng mặt bằng hàng tỷ đồng.
Tương tự, gia đình ông Đỗ Văn Sâm được cấp hơn 14 ha; ông Phan Văn Trung được cấp hơn 4,2 ha, sau đó chuyển nhượng cho em trai Trung là Phan Văn Thuần. Năm 2007, ông Thuần được đền bù về đất 3,6 tỷ đồng trái quy định.
Vụ án gây thất thoát tiền Nhà nước hơn 131 tỷ đồng, có tính chất đặc biệt nghiêm trọng do Bộ Công an điều tra và Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) Tối cao ra cáo trạng truy tố. Sau đó, VKSND Tối cao ủy quyền cho VKSND tỉnh thực hành quyền công tố trước Tòa án Nhân dân tỉnh. Các bị cáo gồm: Cao Minh Huệ (65 tuổi - nguyên Giám đốc Sở Địa chính tỉnh), Phan Văn Trung (55 tuổi, nguyên Trưởng phòng NN&PTNT huyện - nay là TX.Bến Cát), Đỗ Văn Sâm (61 tuổi, nguyên cán bộ Phòng NN&PTNT Bến Cát). Ba bị cáo này bị bắt, tạm giam từ cuối năm 2009 đến đầu năm 2011 rồi được cho tại ngoại, cấm đi khỏi nơi cư trú cho tới nay. Riêng ông Nguyễn Thanh Hải (nguyên Giám đốc Công ty Sobexco) đã qua đời năm 2010 nên cơ quan điều tra đã đình chỉ bị can đối với bị can này. Các bị cáo này đều bị truy tố về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ”.
Phiên tòa dự kiến diễn ra đến hết ngày 10-5.
Trong suốt thời gian diễn ra phiên tòa, các bị cáo có thái độ nghiêm túc khi trả lời các câu hỏi của HĐXX, đại diện Viện Kiểm sát và các luật sư. Nhiều tình tiết trong vụ án được các bị cáo trả lời rõ ràng, rành mạch. Ngoài 3 bị cáo, HĐXX còn triệu tập hơn 10 người có quyền và nghĩa vụ liên quan trong vụ án đến tham gia phiên tòa. Có khoảng 20 cán bộ chiến sĩ Cảnh sát hỗ trợ tư pháp Công an tỉnh bảo vệ an ninh trật tự phiên tòa. Nhà báo được sắp xếp vị trí tác nghiệp thuận tiện cho việc theo dõi cập nhật thông tin vụ án. |
HƯNG PHƯỚC