Ngay sau khi Bình Dương chuyển sang trạng thái “thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, nhịp sản xuất công nghiệp sôi động trở lại. Nhiều doanh nghiệp (DN) tăng tốc đẩy nhanh tiến độ sản xuất hàng hóa, dần phục hồi và tăng trưởng. Hoạt động sản xuất công nghiệp khởi sắc đã tạo ra những tín hiệu lạc quan cho kinh tế của tỉnh trong giai đoạn mới.
Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng tốc sản xuất hàng hóa, bảo đảm phục hồi và tăng trưởng. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty Cổ phần Thép Nam Kim (KCN Đồng An 2)
Sôi động trở lại
Có mặt tại các khu công nghiệp (KCN) của tỉnh vào những ngày này sẽ cảm nhận rõ nhịp sản xuất đã sôi động trở lại. Nhiều DN đang tất bật hoàn thành đơn hàng, người lao động phấn khởi bởi có việc làm, thu nhập. Anh Trần Hải Lâm, công nhân Công ty Thực phẩm dinh dưỡng Nutifood (KCN Mỹ Phước 1, TX.Bến Cát), cho biết mấy tháng trước để bảo đảm phòng, chống dịch bệnh, anh và đồng nghiệp phải làm “3 tại chỗ” tại công ty. Sau khi tỉnh nới lõng giãn cách, công ty chuyển sang hoạt động theo mô hình “3 xanh”, anh rất vui vì có thể về nhà và quan trọng hơn là công ty đang phục hồi sản xuất mạnh, đồng nghĩa thu nhập của người lao động sẽ được cải thiện đáng kể.
Ông Sompob Witworrasakul, Tổng Giám đốc Công ty Giấy Kraft Vina (KCN Mỹ Phước 3), cho biết công ty có hơn 400 công nhân viên chuyên sản xuất và cung cấp bao giấy. Đại dịch Covid-19 xuất hiện và ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Trước những khó khăn, sự hỗ trợ, đồng hành của tỉnh và của các sở, ngành đối với DN được thể hiện rõ hơn. “Khi tỉnh kiểm soát tốt dịch bệnh sẽ giúp DN phục hồi, ổn định sản xuất. Hiện công ty có thêm rất nhiều đơn hàng, đã sẵn sàng vận hành 100% công suất, kêu gọi đủ số lượng công nhân đi làm trở lại”, ông Sompob Witworrasakul nói.
Bước vào quý IV-2021, sau hơn 1 tháng trở lại trạng thái “bình thường mới”, kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh đã từng bước được phục hồi và có nhiều chuyển biến tích cực. Lĩnh vực sản xuất công nghiệp đã có nhiều khởi sắc, đóng góp quan trọng vào mục tiêu tăng trưởng của tỉnh, nhất là tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động. Toàn tỉnh hiện có khoảng 4.200 DN đang hoạt động theo mô hình “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 địa điểm”, “3 xanh”, “3 xanh linh hoạt” với gần 550.000 lao động. Trong đó, các DN sản xuất trong KCN có khoảng 2.195 DN (chiếm tỷ lệ 90,2%) với tổng số 406.768 lao động (chiếm 85%) đăng ký và hoạt động sản xuất theo phương án 3 tại chỗ, 3 xanh và 3 linh hoạt. Trong các cụm công nghiệp có 83/83 DN (đạt 100%) đang hoạt động theo mô hình sản xuất “3 xanh” với tổng số lao động 17.713.
Hướng đến tăng trưởng cao
Đây là mục tiêu mà nhiều DN đang nỗ lực thực hiện trong tháng cuối cùng của năm 2021 cũng như năm 2022. Theo ông Lý Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Gốm sứ Minh Long 1, để phấn đấu tăng doanh thu, đạt chỉ tiêu tăng trưởng, Minh Long 1 đã đẩy mạnh việc chuyển công nghệ, chuyển đổi số, làm mới mô hình kinh doanh, giới thiệu sản phẩm, bán hàng trực tuyến, chăm sóc khách hàng. Cùng với đó, công ty đẩy mạnh thương mại điện tử quốc tế và kinh doanh không tiếp xúc để tìm kiếm các đơn hàng xuất khẩu.
Ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương, cho biết với nhiều giải pháp cụ thể, Bình Dương đã tập trung tháo gỡ khó khăn cho các DN trên địa bàn, tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư và hỗ trợ DN đưa sản phẩm vào các chuỗi cung ứng toàn cầu... Cùng với đó, sở tiếp tục chú trọng giải quyết nhanh các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động của DN để hỗ trợ tận dụng kịp thời cơ hội sản xuất, kinh doanh.
Thực tế cho thấy, đứng trước những khó khăn do dịch bệnh Covid-19 gây ra, Bình Dương đã chủ động, linh hoạt phối hợp với DN công nghiệp triển khai những biện pháp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả; có nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ DN vượt qua giai đoạn khó khăn... Bên cạnh đó, cộng đồng DN trong tỉnh cũng nêu cao tinh thần vượt khó, nỗ lực thích ứng với dịch bệnh. Ngay sau khi tỉnh thiết lập trạng thái “bình thường mới”, các DN nhanh chóng tổ chức lại hoạt động và tăng tốc sản xuất, đồng thời thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Năm 2022, cùng với tích cực lấy lại đà tăng trưởng của các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng sâu do dịch bệnh, Bình Dương xác định thúc đẩy ngành công nghiệp tiếp tục trở thành động lực tăng trưởng. Trong đó, phấn đấu chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 8,9%. Để hoàn thành các mục tiêu đề ra, Sở Công thương đang tập trung triển khai những chính sách, giải pháp có hiệu quả ngay để hỗ trợ DN công nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định và phục hồi sản xuất; tiếp tục tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; thúc đẩy các giải pháp hỗ trợ về tín dụng, nguồn nhân lực, khoa học và công nghệ; hoàn thiện cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp...
Ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương, cho biết trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến rất phức tạp, cùng với sự đồng hành của tỉnh, cộng đồng DN công nghiệp cũng cần tăng cường đôn đốc, động viên, giám sát người lao động thực hiện nghiêm việc thực hiện phương án sản xuất an toàn. Trong quá trình sản xuất, cần tiếp tục cải tiến mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo uy tín với khách hàng, chú trọng đa dạng hóa chuỗi cung ứng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, linh hoạt thích ứng, phù hợp với tình hình mới.
NGỌC THANH