Sản xuất, kinh doanh thời khó khăn: Doanh nghiệp rất cần dòng vốn lãi suất ưu đãi

Cập nhật: 07-09-2013 | 00:00:00

Giá điện tăng thêm 5% từ 1-8, trong vòng hơn một tháng (từ 14-6 đến 17-7), giá xăng đã tăng 3 lần (tổng cộng 1.240 đồng/ lít) gây ra những tác động đến mặt bằng giá chung. Lãi suất vay ngân hàng (NH) cao so với tỷ lệ sinh lời của doanh nghiệp (DN); lương tăng, các chế độ của công nhân theo đó cũng tăng… Người dân, DN càng thêm lo lắng do ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống, hiệu quả sản xuất và làm giảm khả năng phục hồi của các DN.

 Doanh nghiệp thêm gánh nặng

Thông tin giá bán lẻ mặt hàng xăng dầu và dầu mazút đã được các DN đầu mối giảm lần lượt là 300 đồng/lít và 257 đồng/ lít hôm 22-8 vừa qua không làm người tiêu dùng nhẹ nhõm. Ông Nguyễn Văn Hiếu (xã Chánh Mỹ, TP.Thủ Dầu Một), cho rằng “Tôi cứ đinh ninh giá xăng sẽ giảm xuống chí ít là 500 đồng/ lít thì tạm chấp nhận, mức giá giảm 300 đồng/lít trong thời buổi này chẳng giải quyết được vấn đề gì so với chi phí sinh hoạt đắt đỏ”. Giá xăng giảm nhỏ giọt khiến người dân không hài lòng, DN cũng kém vui vì hàng loạt chi phí “không chịu” giảm theo. Trong khi đó, vấn đề đầu ra hàng tồn kho còn chưa giải quyết xong, việc tăng giá điện hôm 1-8 vừa qua lại khiến nhiều DN dường như nhận thêm “gáo nước lạnh”.

Tăng giá điện làm cho DN cũng như người lao động thêm khó khăn. Trong ảnh: Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu, một trong những ngành hàng chủ lực của Bình Dương

Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương Huỳnh Quang Thanh cho biết, thời điểm hiện tại tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD) của DN đã giảm dần những khó khăn bởi đã có đơn hàng trở lại. Các giải pháp Chính phủ đưa ra để cứu DN đang “hấp hối” mới bắt đầu phát huy tác dụng thì những khó khăn do tăng giá điện lại ập đến khiến DN khó chống đỡ. Hầu hết các DN trong ngành gỗ tiếp nhận thông tin giá điện tăng khoảng 5% với tâm trạng lo lắng, bởi chi phí cho sản xuất sẽ đội lên rất nhiều (mặc dù mặt hàng xăng dầu vừa điều chỉnh giảm giá), trong khi đó hợp đồng kinh tế không thể điều chỉnh ngay được. Ông Thanh cho biết, DN sản xuất gỗ tiêu thụ điện rất lớn, giá điện tăng 5% khiến chi phí tiền điện hàng tháng của DN cũng tăng lên nhiều. Giá điện tăng kéo theo giá nguyên liệu đầu vào và các chi phí khác tăng khoảng 10 - 15%, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả SXKD. Cùng chung ý kiến này, đại diện Công ty Cổ phần Gỗ Thuận An (TX.Thuận An) cho biết DN gỗ tìm kiếm đơn hàng đã rất vất vả, nay lại cộng thêm tăng giá điện thì giá thành tăng lên thấy rõ, hiệu quả kinh doanh sẽ không tốt do chi phí đầu vào tăng, trong khi đó giá thành phẩm không thể tăng tương ứng vì áp lực cạnh tranh giữa các DN trong và ngoài nước rất lớn.

Rất cần vốn ưu đãi

Theo thống kế của NH Nhà nước chi nhánh Bình Dương, tốc độ tăng trưởng tín dụng ngành NH trong những tháng gần đây đã khởi sắc, nguồn vốn cho DN, đặc biệt là DN vừa và nhỏ được khơi thông. Đối với tín dụng tiền đồng, 6 tháng đầu năm, tổng dư nợ của các TCTD Bình Dương đạt 59.395 tỷ đồng, tăng 10,38% so với đầu năm và tăng 21,09% so với cùng kỳ. Tín dụng tăng là điều đáng lạc quan, cho thấy DN đã có thể hấp thụ vốn. Thế nhưng, trong cơ cấu tín dụng ngắn, trung, dài hạn của các NH thì các DN chủ yếu vay ngắn hạn từ 3 - 6 tháng. Hợp đồng vay trung, dài hạn cũng có nhưng không nhiều. Thực tế này cho thấy các DN vẫn chưa lạc quan và tính đến việc đầu tư dài hạn.

Giám đốc Công ty TNHH Liên Phát Trương Thị Thúy Liên cho biết, 2 công ty sản xuất da giày do bà quản lý là khách hàng lâu năm của một NH lớn, nhưng hiện NH đang đánh giá lại DN nên mức độ cho vay khác nhau. DN có tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, phương án, dự án SXKD hiệu quả đã được các NH thương mại cho vay với mức lãi suất chỉ 6,5 -7%/năm. Theo đó hạn mức vay cao, nhưng DN có mức độ rủi ro kinh doanh cao thì NH rất thận trọng, nếu cho vay thì ở hạn mức thấp và lãi suất vay cao hơn. Hiện một công ty đang vay NH với lãi suất 10%/năm (trung hạn); lãi suất ngắn hạn khoảng 7 - 8%. Theo bà Liên, mức lãi suất này đã hỗ trợ phần nào khó khăn cho DN. Tuy nhiên, lãi suất vay ngắn hạn nên hạ xuống ở mức dưới 6%/năm sẽ tốt hơn cho DN, do tình hình kinh doanh đang còn khó khăn, chênh lệch giữa chi phí và lợi nhuận quá ít, hoạt động kinh doanh đứt quãng, DN không muốn hoạt động.

Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương Huỳnh Quang Thanh cho biết, lãi suất vay NH hiện không có thay đổi nhiều. Vẫn còn nhiều DN tiếp cận vốn NH với lãi suất vay khá cao (13 -14%/năm). Một số thành viên trong hiệp hội có triển vọng kinh doanh tốt nhưng phải chấp nhận vay trong khoảng thời gian ngắn vì nếu không vay thì không thể làm đơn hàng. Điều này cho thấy, niềm tin của DN vẫn chưa cao, DN vẫn chưa đủ cơ sở để xây dựng một chiến lược đầu tư dài hạn. Hơn nữa, lãi suất cho vay tín dụng trung, dài hạn (12 - 13%/năm) cao hơn ngắn hạn thì không DN nào tính đến vay trung, dài hạn. Như vậy, lãi suất vay chưa đủ thấp để DN làm ăn có lãi.

THANH HỒNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=287
Quay lên trên