Sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) là hướng phát triển tất yếu để nâng cao chất lượng nông sản, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm và là “chìa khóa” để nông sản của tỉnh nhà bước vào hệ thống phân phối hiện đại và xuất khẩu.
Một cơ sở sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP ở phường Hòa Lợi, TX.Bến Cát. Ảnh: THOẠI PHƯƠNG
Sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành từ tháng 1-2008. Tại Bình Dương đến nay, riêng đối với cây rau, UBND tỉnh đã triển khai xây dựng nhiều mô hình sản xuất an toàn theo hướng VietGAP. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chương trình, dự án, mô hình đầu tư hỗ trợ sản xuất nông nghiệp hàng hóa được thực hiện; trong đó ưu tiên cho chương trình sản xuất mở rộng và phát triển vùng sản xuất rau an toàn (RAT) theo tiêu chuẩn VietGAP và tiêu thụ sản phẩm.
Tuy vậy, hiệu quả đạt được chưa cao. Nguyên nhân là do các mô hình, chương trình chưa tính đến hiệu quả kinh tế theo định hướng thị trường và chưa tính đến khả thi khi người dân tách khỏi sự hỗ trợ của Nhà nước. Từ đó dẫn đến mô hình sử dụng vốn ngân sách có sẵn không thực sự đặt ra mục đích hiệu quả kinh doanh. Riêng đối với mô hình sản xuất trong nhà lưới, còn những hộ dân thực hiện mô hình này chưa thực hiện đúng quy trình kỹ thuật canh tác; thiếu năng động, nhạy bén trong việc ứng dụng và tìm kiếm các loại rau, củ, quả thị trường cần ở từng thời điểm, từng mùa vụ...
Theo bà Lưu Đình Lệ Thúy, Trưởng phòng Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản, Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm và thủy sản tỉnh, một nút thắt cần sớm được tháo gỡ là sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn VietGAP hiện chưa có kênh tiêu thụ riêng, đồng thời chưa xây dựng được độ tin cậy cho người tiêu dùng. Điều cần làm trước mắt là phải tăng cường liên kết để xây dựng kênh tiêu thụ bảo đảm ổn định giá cả và đầu ra sản phẩm; đồng thời xây dựng khu bán sản phẩm VietGAP riêng, có quảng cáo bằng trực quan sinh động để người dân nâng cao nhận thức trong việc trồng cũng như tiêu dùng…
Với những chính sách khuyến khích của tỉnh và nỗ lực của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện trên địa bàn tỉnh đã có nhiều trang trại đạt chuẩn VietGAP. Hy vọng đây sẽ là tiền đề tốt, một “cú hích” cho sự cạnh tranh lành mạnh giữa các trang trại để cùng thực hiện theo tiêu chuẩn VietGAP. Từ đó, sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Bình Dương sẽ có sức cạnh tranh cao và hướng ra thị trường ngoài nước.
THOẠI PHƯƠNG