Sáng mãi đạo lý “uống nước nhớ nguồn” - Bài 1

Cập nhật: 21-07-2015 | 07:57:27

 LTS: Đạo lý của người Việt Nam luôn gắn liền với truyền thống uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây; ngày 27-7 hàng năm nhắc nhở chúng ta chân lý ấy. Nhận thức vấn đề này, trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và các cấp, các ngành, các doanh nghiệp… ở Bình Dương luôn coi trọng chính sách đối với người có công, những người đã hy sinh xương máu cho đất nước quê hương vì độc lập dân tộc… Nhân kỷ niệm 68 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27.7.1947 - 27.7.2015), kể từ số báo này, Báo Bình Dương đăng tải chuyên đề: Sáng mãi đạo lý “uống nước nhớ nguồn”.

 

Bài 1: Nhớ mãi Ngày Thương binh - Liệt sĩ đầu tiên (27-7-1947)

 “Bác Hồ từng dạy, trước những hy sinh của mọi người dành cho kháng chiến thì phải đền ơn, đáp nghĩa. Như vậy, các bà mẹ mới hiến dâng con mình ra mặt trận, thương binh cảm thấy ấm lòng và động viên thế hệ thanh niên tiếp tục lên đường bảo vệ Tổ quốc. Thực hiện lời kêu gọi của Bác, ngày 27-7 được chọn là Ngày Thương binh - Liệt sĩ (TB-LS). Nhằm tri ân và thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, tỉnh Thủ Dầu Một (nay là tỉnh Bình Dương) cũng đã long trọng tổ chức buổi lễ”, ông Nguyễn Hậu Tài, cán bộ lão thành cách mạng ở phường Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một, nói.

 

Ông Một Hữu trao đổi với phóng viên về ký ức Ngày TB-LS đầu tiên của tỉnh Thủ Dầu Một

 Ý nghĩa

Trong căn nhà nhỏ tại số 180/27 đường Yersin, tổ 8, phường Hiệp Thành, TP.Thủ Dầu Một, chúng tôi được nghe ông Trần Văn Quý (SN 1921) kể về công tác tổ chức Ngày TB-LS đầu tiên của tỉnh Thủ Dầu Một (nay là tỉnh Bình Dương). Lật từng trang trong xấp giấy đã ngả màu vàng, ông dừng lại tại trang Ngày TB-LS đầu tiên 27-7-1947 tại tỉnh Thủ Dầu Một, ông Quý bắt đầu kể với giọng hùng hồn. Nhận được văn bản của Ủy ban kháng chiến - hành chánh Nam bộ, quân dân tỉnh Thủ Dầu Một đã tích cực chuẩn bị Ngày TB-LS đầu tiên, ngày 27-7-1947 tại huyện Lái Thiêu (nay là TX.Thuận An).

Thời điểm đó, với cương vị là Tổng Thư ký Ủy ban huyện Lái Thiêu, một trong 5 thành viên Ban tổ chức (BTC) nên ông được phân công nhiệm vụ thủ quỹ, nhận tiền và quà tại buổi lễ và tại văn phòng huyện. Buổi lễ kỷ niệm do đồng chí Nguyễn Minh Chương, Chủ tịch Ủy ban tỉnh Thủ Dầu Một chủ trì. Cuộc họp thành viên BTC được tổ chức tại nhà ông Năm Quế (ấp 3, xã An Phú, huyện Lái Thiêu trước đây). Ông Quý cho biết, buổi lễ được tổ chức tại ấp Tư Lò Đường, xã An Phú với khoảng 5.000 người dự. Để góp phần long trọng cho buổi lễ, Chi đội 6 (Gia Định) đã gửi đến một dàn nhạc Tây, biểu diễn những bản nhạc hùng tráng. Đặc biệt có sự góp mặt ca sĩ tân, cổ nhạc của Ban văn nghệ Ty Tuyên truyền Thủ Dầu Một. Những ca khúc tân cổ hướng đến tinh thần “động viên ủng hộ bộ đội Cụ Hồ, ủng hộ TB, giúp đỡ gia đình LS” được khán giả nhiệt liệt hoan nghênh. Kết thúc lễ, người dân, các đơn vị đã tặng lại TB, bệnh binh 14 gánh nặng (đơn vị đo lường ngày xưa) gồm: Sữa hộp, bánh, đường, vải và quần áo, tiền mặt… trên 147.000 đồng (tiền Ngân hàng Đông Dương).

Thời điểm tỉnh tổ chức lễ 27- 7-1947, ông Nguyễn Văn Hữu (Một Hữu) tại phường Định Hòa, TP.Thủ Dầu Một đang là cán bộ mật vụ quân báo huyện Lái Thiêu. Với nhiệm vụ được giao, ông cùng anh em trong đội được phân công theo dõi tình hình an ninh trật tự, bảo đảm an toàn cho cán bộ và nhân dân tham gia lễ mít tinh. Thời điểm đó, để bảo đảm buổi lễ được tổ chức trang nghiêm và thành công, BTC đã chọn 2 điểm, 1 điểm chính và 1 điểm dự bị. Khi có động tĩnh sẽ chuyển điểm tổ chức từ điểm chính sang điểm dự bị. Sau diễn văn, BTC còn phát động thanh niên tòng quân tham gia kháng chiến. Ông Một Hữu nói: “Kể về lịch sử Ngày TB-LS đầu tiên, tôi hy vọng lớp trẻ biết, ghi nhớ đến công ơn của các TB-LS đã hy sinh một phần thân thể, mãi mãi nằm xuống để bảo vệ hòa bình. Từ đó, bằng những việc làm thiết thực giúp các TB có hoàn cảnh khó khăn ổn định cuộc sống. Những LS chưa tìm thấy tên, chưa thấy cốt được quy tập đưa về quê hương, giúp họ đoàn tụ với gia đình”.

Sức lan tỏa

Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác Hồ, thực hiện chỉ thị của Nam bộ và tỉnh, tối ngày 27-7-1947, các huyện Bến Cát, Tân Uyên (tỉnh Thủ Dầu Một) cũng đã tổ chức mít tinh Ngày TB-LS. Ông Mai Sơn Việt (tên thật là Mai Văn Song, SN 1922), ngụ phường Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một, nguyên Bí thư Huyện ủy Tân Uyên kiêm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chánh huyện Đồng Nai thuộc Chiến khu Đ (thời kỳ 1948) kể lại Ngày TB-LS đầu tiên tại Tân Uyên. Trong ngày 27-7 đã diễn ra cuộc mít tinh lớn mang ý nghĩa lịch sử sâu sắc tại ấp 2, xã Bình Chánh (nay là phường Khánh Bình). Tham dự có đồng bào trong vùng giải phóng như Tân Hòa, Mỹ Lộc, Tân Tịch, Thường Lang của huyện Tân Uyên. Ngoài ra, bà con các vùng tạm chiến trong huyện cũng bí mật đến dự. Đoàn mít tinh do bà Huỳnh Thị Lưỡng (em gái ông Huỳnh Văn Nghệ) dẫn đầu đoàn. Tại đây, mọi người nghe diễn văn, hô khẩu hiệu “Đời đời nhớ ơn anh hùng LS”. Ông Việt nói tiếp, thời đó để làm được sân khấu cho buổi lễ, BTC phải xin ván, gỗ của nhà dân xung quanh, chặt cây trong rừng; băng rôn thì lấy vải viết chữ bằng mực màu.

 Tuổi đã cao nhưng ông Quý vẫn ngày đêm miệt mài nghiên cứu lịch sử để con cháu đời sau biết đến

Cũng như Tân Uyên, các địa phương khác trong tỉnh cũng đã tổ chức lễ mít tinh lớn, nhỏ tùy theo tình hình địa phương. Trước lời diễn văn, lời dạy của Bác Hồ đối với những người đã hy sinh xương máu cho hòa bình, người dân từng vùng gửi tiền, quần áo, thuốc cho những TB-LS. Những đồng bào vùng tạm chiếm không thể đến thăm, tặng quà trực tiếp cho những TB, gia đình LS thì gửi quà thông qua các tổ chức đoàn thể như Phụ nữ cứu quốc, Thanh niên cứu quốc, Phụ lão cứu quốc để họ bí mật đi thăm viếng, chăm sóc sức khỏe những TB, gia đình LS.

Chứng kiến Ngày TB-LS đầu tiên, trong ký ức mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Nghiêm (SN 1911) ở xã An Tây, TX.Bến Cát, ngày ấy như vừa mới đây. Mẹ kể, thời đó mẹ và chồng là ông Dương Văn Lối đều tham gia tải đạn, đào hầm, tiếp tế lương thực cho cách mạng. Mẹ từng chứng kiến cảnh những người mẹ mất con, vợ mất chồng, con mất cha, hay những người con đất An Tây mất đi một phần thân thể. Do đó, khi nghe huyện Bến Cát tổ chức lễ mít tinh hưởng ứng lời kêu gọi của Bác Hồ tri ân những người đã hy sinh cho cách mạng, mẹ và mọi người xung quanh vui lắm. Ngày ấy đã góp phần tưởng niệm về những người TB-LS của huyện đã hy sinh qua những cuộc chiến tranh nhằm bảo vệ nền độc lập, tự do. Trong đó có gia đình mẹ với sự hy sinh anh dũng của 2 người con yêu quý là LS Dương Văn Bẻn, anh Dương Văn Bỉ. Giờ đây, hòa bình lập lại, mẹ cảm thấy ấm lòng khi hàng năm có lãnh đạo tỉnh, thị xã, phường đến thăm mẹ, thắp nén nhang để hương hồn các con mẹ mỉm cười nơi chín suối.

Được trực tiếp tổ chức lễ, chứng kiến hay nghe kể lại ngày 27-7 đầu tiên, những cán bộ lão thành dù đã đến cái tuổi “xưa nay hiếm” vẫn không thể quên. Họ kể cho chúng tôi nghe với giọng hào hùng, niềm tự hào vô bến. Họ hy vọng mọi người khi được sống trong hòa bình hãy luôn nhớ đến những người đã hy sinh để giành lấy độc lập ngày nay và chung tay làm nhiều việc thiết thực dâng tặng TB-LS để tỏ lòng biết ơn. Họ cũng mong thế hệ trẻ hãy học tập cha ông đi trước, sống hết mình, cống hiến sức lực, trí tuệ để xây dựng quê hương, đất nước thêm giàu đẹp.

 Bài 2: Ấm lòng với bao nghĩa cử cao đẹp từ cuộc sống

 THIÊN LÝ

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên