Là một trong những hãng tàu biển lớn nhất Hàn Quốc và lớn thứ 7 thế giới, Hanjin Shipping Global vừa qua đã chính thức đệ đơn xin phá sản sau khi các ngân hàng ch ấm dứt hỗ trợ tài chính và hàng loạt cảng biển trên thế giới từ chối cho tàu của Hanjin vào cảng. Hanjin là một trong những hãng tàu đầu tiên đầu tư vốn vào thị trường cảng biển Việt Nam.
Vận chuyển và nhận hàng tại Công ty Tân Cảng Sóng Thần ICD (TX.Thuận An). Ảnh minh họa. Ảnh: PHƯƠNG LÊ
Doanh nghiệp Hàn Quốc ảnh hưởng nhiều nhất
Trong thông cáo phát đi ngay sau sự kiện Hanjin đệ đơn phá sản, Bộ Công thương cho biết, ngày 31-8-2016, Văn phòng đại diện của hãng tàu biển Hanjin Shipping Global tại Việt Nam đã có thông báo về việc dừng không nhận booking hàng hóa mới kể từ ngày 31-8-2016.
Hiện xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu theo hình thức FOB (người bán giao hàng lên con tàu do người mua chỉ định là đã hoàn thành trách nhiệm), các khoản chi phí khác như cước vận tải, phí bảo hiểm thuộc về trách nhiệm của bên mua hàng. Do đó, những người mua hàng từ Việt Nam sử dụng dịch vụ của Hanjin chịu ảnh hưởng lớn nhất. Vì từ trước đến nay, các doanh nghiệp (DN) Việt Nam không thanh toán cước mà bên mua phải thanh toán.
Ông Phạm Văn Xô, Chủ tịch Hiệp hội Xuất nhập khẩu Bình Dương cho biết, tại Bình Dương hiện có nhiều DN Hàn Quốc đang hoạt động. DN Hàn Quốc lại thường sử dụng hãng tàu của nước họ nên đối với những DN xuất khẩu sử dụng hãng Hanjin sẽ không tránh khỏi bị ảnh hưởng từ vụ việc này. Theo bà Nguyễn Thị Thu, Trưởng phòng Xuất nhập khẩu, Công ty Poongin Vina (Hàn Quốc - TX.Tân Uyên), hiện lô hàng công ty đã xuất đi hơn 200.000 sản phẩm đang lênh đênh trên biển và cũng không biết khi nào cập bến, bởi hiện nhiều cảng biển trên thế giới đã không cho tàu của Hanjin cập cảng hoặc thu giữ tàu. Không chỉ vậy, số hàng chưa xuất được của công ty đang dội lên nhiều và để xuất hàng đi phải chuyển sang dùng dịch vụ của tàu khác, giá cước vận chuyển vì thế sẽ tăng lên…
Còn bà Nguyễn Thị Như Trúc, Trưởng phòng Xuất nhập khẩu, Công ty Cổ phần Sung Hyun Vina (Hàn Quốc), Khu công nghiệp Bình Đường (TX.Dĩ An) thì cho hay, trong khâu giao hàng cho khách, công ty không book trực tiếp với hãng tàu Hanjin mà qua trung gian. Hiện công ty bị vướng 2 lô hàng (khoảng 8.000 đôi giày) được Hanjin vận chuyển trong đợt này do phía trung gian sử dụng dịch vụ của hãng. Sau khi Hanjin đệ đơn xin phá sản, công ty đã được bên trung gian cho biết đã gửi công văn đến Hanjin và đang tìm cách rút hàng khỏi container của hãng để chuyển hàng qua hãng tàu khác. Sự việc này đã làm công ty bị ảnh hưởng đến thời gian giao hàng cho khách. Tuy vậy, nếu công ty book trực tiếp với Hanjin thì mức độ thiệt hại sẽ lớn, còn book qua trung gian thì phía trung gian sẽ chịu trách nhiệm với công ty.
Hạn chế rủi ro
Theo ông Xô, để tránh những rủi ro sau khi Hanjin đệ đơn phá sản, các DN cần nhanh chóng làm rõ thủ tục và thời gian cần thiết để giải quyết hàng hóa cũng như chi tiết các khoản chi phí phát sinh. Đồng thời, DN cần liên lạc liên tục với hãng tàu Hanjin để theo dõi tình hình. Đối với những DN có hàng Hanjin đang vận chuyển trên tàu, phải nhanh chóng làm việc với văn phòng đại diện của hãng tại Việt Nam để theo dõi lịch trình và phối hợp với đối tác nhập khẩu để có phương án nhận hàng tại cảng.
Liên quan đến việc hãng tàu Hanjin đệ đơn phá sản, Bộ Công thương vừa qua đã phát đi cảnh báo với DN xuất nhập khẩu trong nước. Cụ thể, đối với các lô hàng nhập khẩu đã cập cảng, cần khẩn trương hoàn thành thủ tục nhận và thông quan giải phóng hàng ra khỏi container của hãng Hanjin. Đối với các lô hàng xuất khẩu đã đưa vào container của hãng Hanjin, DN cần khẩn trương lấy hàng ra khỏi container và liên hệ với đối tác nước ngoài để có phương án lựa chọn, thay đổi hãng tàu cũng như lịch booking hàng hóa. Bên cạnh đó, Văn phòng Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cũng đã phát thông báo khẩn gửi đến các DN hội viên, lưu ý các DN về thông tin liên quan đến hãng tàu Hanjin.
PHƯƠNG LÊ