Cùng với việc hình thành thói quen mua sắm của người tiêu dùng (NTD), các siêu thị (ST) đang góp phần đưa hàng Việt đến với NTD. Sự phát triển nhanh hệ thống ST tại Bình Dương là dấu hiệu đáng mừng để hàng hóa sản xuất trong nước đến với NTD trong tỉnh.
70% lượng hàng ST là hàng Việt
Nếu như vài năm trước, thói quen mua sắm ở ST của NTD vẫn còn là vấn đề lo ngại thì hiện nay, ST đã trở thành kênh mua sắm yêu thích của đa số mọi người. Thực tế cho thấy, ngoài sự phát triển ổn định của một số ST, những ST mới đưa vào phục vụ luôn được ủng hộ nhiệt tình của NTD. Từ Vinatex, Citimart, Fivimart và gần đây nhất là ST Co.opmart với lượng khách hàng mua sắm đông đúc.
NTD chọn lựa sản phẩm tại siêu thị
Với ưu thế sạch sẽ, gọn gàng, văn minh, lịch sự, NTD còn có thể so sánh giá cả, mẫu mã, chất lượng... từ nhiều nguồn hàng khác nhau trước khi quyết định mua một sản phẩm là một trong những yếu tố thu hút khách hàng của phương thức mua bán qua ST. Sự phát triển của các kênh ST chính là cơ hội thật sự tốt cho hàng nội địa phát triển. Theo quan sát của chúng tôi, có đến 70 - 80% sự lựa chọn sản phẩm của NTD khi đến mua sắm ở ST đều là hàng sản xuất trong nước. Dạo quanh những thị trường này, có thể thấy rằng, hàng hóa xuất xứ Việt Nam khá phong phú. Từ các mặt hàng lương thực, thực phẩm đến hàng may mặc, thời trang...
Ông Nguyễn Hữu Khánh, Trưởng bộ phận quản lý của ST Citimart, cho biết số lượng hàng sản xuất trong nước được bày bán tại ST chiếm đến 70%. Đa phần người Bình Dương có thói quen mua sắm hàng Việt. Có khoảng 20% khách hàng là người nước ngoài nên ST vẫn bảo đảm nhập thêm nguồn hàng cung cấp cho nhu cầu mua sắm đa dạng của các đối tượng. Theo nhận xét của ông Khánh thì hàng Việt có nhiều lợi thế cạnh tranh hơn so với hàng ngoại nhập về giá cả và các chương trình khuyến mãi nên đã kích thích nhu cầu mua sắm của NTD. Điều này rất hạn chế đối với hàng ngoại nhập.
Hàng Việt có nhiều cơ hội
Phải nhìn nhận rằng, cuộc vận động (CVĐ) “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã ít nhiều được NTD biết đến. Thực tế, không ít người dân từ lâu đã “ưu tiên” sử dụng hàng Việt mà không chờ CVĐ tác động. Sự lựa chọn hàng Việt có nguyên nhân căn bản là phù hợp với túi tiền và thị hiếu của NTD trong tỉnh. Ông Nguyễn Văn Thọ (xã Bình Chuẩn, Thuận An) đến mua sắm ở ST Co.opMart, cho biết tiêu chuẩn mua sắm của gia đình ông là giá cả phải phù hợp với túi tiền. Theo ông thì hàng nội địa giá cả phải chăng mà chất lượng lại bảo đảm nên gần như 100% sản phẩm tiêu dùng của gia đình ông là hàng nội địa. Chị Đào Thị Cẩm Tiên, phường Phú Thọ cũng tán đồng với ý kiến này và cho hay, tiêu chí mua sắm của chị là chất lượng phải bảo đảm mà giá cả phải hợp lý. Phần lớn các sản phẩm tiêu dùng của gia đình chị đều sử dụng hàng sản xuất trong nước. Chị nhận định: “Chất lượng hàng nội ngày càng cao và không hề thua kém so với hàng ngoại nhập, nếu không muốn nói là cao hơn một số mặt hàng ngoại nhập trời ơi”.
Từ thực tế này cho chúng ta cái nhìn khá lạc quan đối với hàng hóa sản xuất trong nước, bởi ngoài một số ít NTD còn có tâm lý sính mác hàng ngoại thì đa phần NTD ngày càng tỏ ra thông minh hơn trong thói quen mua sắm. Giá cả + chất lượng sản phẩm = ưu tiên chọn lựa, đã trở thành công thức mua sắm của NTD. Như vậy, hàng Việt hoàn toàn có thể thắng trên sân nhà nếu bảo đảm được những yêu cầu này và đây cũng là vấn đề căn bản đặt ra đối với hàng Việt nếu muốn phát triển.
Mong muốn của NTD là chọn được sản phẩm có giá cả hợp lý nhưng chất lượng tương đồng với hàng ngoại hơn là chọn sản phẩm ngoại nhập với giá cao. Điều này đòi hỏi, những nhà sản xuất trong nước cần có tầm nhìn để có thể mạnh dạn đầu tư cải tiến trang thiết bị nhằm tạo ra những sản phẩm nổi trội. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có sự hỗ trợ về cơ chế, chính sách tạo “đà” để hàng nội địa thật sự cạnh tranh về giá khi chất lượng ngang với hàng ngoại. Có như vậy, tin chắc rằng, NTD Việt Nam sẽ chỉ chọn dùng hàng Việt Nam mà không cần phải thực hiện thêm CVĐ nào nữa!
NGỌC TRINH