Sống lại vùng rau Chánh Mỹ ?

Cập nhật: 20-10-2012 | 00:00:00

Nghề trồng rau diếp cá từng được xem là nghề “làm chơi” nhưng đã đem lại  cơ hội làm giàu cho nhiều hộ dân ở xã Chánh Mỹ (TP.Thủ Dầu Một), rồi cũng  mang lại nhiều tiếc nuối khi nghề suy vong. Giờ đây, với định hướng phát  triển nông nghiệp đô thị, người ta lại kỳ vọng nghề trồng rau ở đây lại được  hồi sinh dù bằng những loại rau màu khác…  Mô hình trồng rau thủy  canh hồi lưu đang mang lại  nhiều hy vọng cho bà con xã  Chánh Mỹ 

Tiếc nuối một làng rau

Không khó để xác định, nghề  trồng rau diếp cá ở đất Chánh  Mỹ có từ khi nào. Bởi ngay từ  những năm tháng khó khăn sau  ngày hòa bình lập lại, bỗng dưng  người ta phát hiện đất này trồng  rau diếp cá quả là rất phù hợp.  Theo nhiều lão nông của Chánh  Mỹ kể lại, người đầu tiên trồng  loại rau này ở đây là ông Sáu Lùn,  người ở Phú Cường nhưng có đất  ông bà để lại tại địa phương. Hòa  bình lập lại, đến năm 1978 khi  đời sống vật chất của người dân  còn nhiều khó khăn thì 2.500m2  rau diếp cá của vườn nhà ông tốt  xanh mơn mởn, trở thành thứ  rau xanh cải thiện gây chú ý. Từ  vườn rau ấy, ông nuôi sống cả gia  đình, rồi cũng từ vườn rau “mô  hình tự phát” đó, rau diếp cá bén  rễ, ăn sâu vào đời sống vật chất,  tinh thần của người dân Chánh  Mỹ mấy chục năm về sau. 

Thời hoàng kim của rau  diếp cá Chánh Mỹ được cho là  giai đoạn 2005-2007. Đó là thời  điểm nhà nhà trồng rau diếp cá,  người người trồng rau diếp cá.  Bà con nắm vững kỹ thuật, thổ  nhưỡng phù hợp khiến rau diếp  cá Chánh Mỹ đạt độ tươi xanh  bắt mắt, tốt tươi nên làm ra bao  nhiêu đều có thương lái tìm đến  mua. Đến cuối năm 2007 toàn xã  có đến hơn 60 ha trồng rau diếp  cá, ước lượng toàn xã sản xuất  mỗi ngày 5 tấn rau diếp cá. Rau  sau khi được cắt tỉa gọn gàng  được thương lái đến tận nơi thu  mua rồi tỏa đi khắp các chợ lớn  nhỏ Bình Dương, Bình Phước,  Sài Gòn. Rau diếp cá Chánh  Mỹ “đánh bật” rau Long An,  Vĩnh Long, Tiền Giang… để theo  container xuất khẩu sang thị  trường Đông Á và Tây Âu.  Hoàng kim rực rỡ là thế,  nhưng rau diếp cá Chánh Mỹ  bây giờ gần như không còn nữa.  Từ năm 2007, khi ấy rau diếp cá  dù mang lại lợi nhuận cao nhưng  lại… nhổ để trồng rau răm. Vì  thời điểm ấy rau diếp cá chỉ có  giá khoảng 800 đồng/kg. Trong  khi giá rau răm rất cao. Thế là  nhiều người chuyển đổi trồng  rau răm, đến giờ rau diếp cá khan  hiếm lên đến 7.000 đồng/kg thì  người Chánh Mỹ đã không còn  gắn bó nhiều với loại cây này.  Tiếp theo đó, cùng theo bước đô  thị hóa chung của TP.Thủ Dầu  Một, diện tích đất nông nghiệp  bị thu hẹp đến hơn 90% khiến  nhiều bà con nông dân không  còn đất canh tác rau diếp cá. Từ  đây, nhiều người chuyển đổi  ngành nghề hoặc trồng qua loa  trên đất dự án nhà ở. Theo thống  kê của Hội Nông dân xã Chánh  Mỹ, hiện nay toàn xã chỉ còn 2,5  ha rau diếp cá, 4 ha rau răm và 4  ha rau muống với tổng số 17 hộ  tham gia sản xuất, một con số  quá khiêm tốn so với quá khứ  huy hoàng của nghề trồng rau  diếp cá ở xã này. 

Sống lại những hy vọng

Trao đổi cùng chúng tôi bên  những thửa rau diếp cá còn sót  lại của xã, ông Nguyễn Văn  Thanh, Phó Chủ tịch Hội Nông  dân xã Chánh Mỹ không giấu  được sự trăn trở. Ông cho biết,  bao năm gắn bó với công tác  khuyến nông, sống trong không  khí tấp nập của ấp rau, xã rau  diếp cá nên giờ thấy việc trồng  rau chuyên canh đi xuống thì  không thể không buồn được.  Nghề trồng rau diếp cá tuy vất vả  nhưng nguồn thu rất đáng kể, lại  ổn định. Rau được trồng khoảng  6 tháng thì cho thu hoạch lứa đầu.  Từ đó, cứ 3 tháng lại thu hoạch  một lần kế tiếp đến 5 năm sau  mới phải dỡ bỏ, làm đất và trồng  lứa mới. Cứ như thế, người dân  Chánh Mỹ nhiều người không  chỉ đủ nuôi sống gia đình, cho  con ăn học tử tế mà còn làm giàu  từ nghề rau này. Có thể kể đến  những hộ tiêu biểu như anh Trần  Văn Hột (1 ha), anh Nguyễn Văn  Trai (1,5 ha), anh Trần Văn Thế  (2 ha)… Tuy nhiên, giờ đây nhiều  người đã bỏ nghề hoặc loay hoay  chuyển đổi sang trồng rau khác  nhưng không hiệu quả. Chính  UBND xã Chánh Mỹ từ năm  2008 đến nay cũng trăn trở rất  nhiều đối với việc chuyển đổi  cơ cấu ngành nghề, cây trồng  cho bà con nông dân, tổ chức  nhiều chương trình, đợt tập huấn  nhưng đều bí lối ra.   Trồng rau diếp cá mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng diện tích đã bị thu hẹp đáng kể

 Tuy nhiên, trong thời gian  gần đây, dường như việc định  hướng của UBND TP.Thủ Dầu  Một về việc phát triển nông  nghiệp đô thị đã giúp cho những  người làm công tác khuyến nông  của Chánh Mỹ nhìn ra lối đi cho  bà con nông dân trồng rau. “Hiện  chúng tôi có hộ anh Nguyễn Văn  Dũng đang thụ hưởng dự án  trồng rau an toàn theo phương  pháp thủy canh hồi lưu của  TP.Thủ Dầu Một triển khai cho  kết quả rất tốt. Chúng tôi đang  lên kế hoạch để phát triển mô  hình canh tác công nghệ cao  này cho bà con nông dân” - ông  Nguyễn Văn Thanh cho biết.

Năm 2011, ông Nguyễn  Minh Dũng được chọn là  người thụ hưởng dự án “Xây  dựng mô hình khu canh tác  rau sạch thương phẩm bằng  kỹ thuật thủy canh hồi lưu trên  địa bàn TP.Thủ Dầu Một” do  UBND TP.Thủ Dầu Một phối  hợp với Viện Công nghệ sinh  học và Thực phẩm, trường ĐH  Công nghiệp TP.HCM thực  hiện. Với diện tích nhà lưới  200m2 và đầy đủ các trang thiết  bị cần thiết cùng sự hỗ trợ về  mặt kỹ thuật của các chuyên  gia, ông bắt tay vào sản xuất  rau an toàn theo phương pháp  thủy canh hồi lưu mới mẻ.  Hiện vườn của ông trồng được  260 gốc cà chua và trên 2.000  cây cải. Giống cà chua được  chọn là loại cho ra quả vĩnh  viễn, không giới hạn tuổi đời. 

Mô hình trồng rau thủy canh  của ông Nguyễn Văn Dũng cho  kết quả khả quan không chỉ  thu hút sự quan tâm của bà con  trong xã mà còn dấy lên những  hy vọng về sự hồi sinh của nghề  trồng rau xanh của Chánh Mỹ.  Đối với họ, việc canh tác rau  an toàn trong mô hình khép kín  như thế dường như là một lối  đi hợp lý trong tình hình diện  tích đất nông nghiệp bị thu  hẹp nhưng không thiếu kinh  nghiệm, kỹ thuật canh tác. Dự  kiến, Hội Nông dân Chánh Mỹ  sẽ phối hợp với Hội Nông dân  tỉnh xin vay vốn hỗ trợ phát  triển mô hình trồng rau thủy  canh hồi lưu cho 10 hộ nông  dân, mỗi hộ là 100 triệu đồng.  Hy vọng, dự định tốt đẹp này  sẽ được thực thi trong tương lai  gần để vùng rau Chánh Mỹ hồi  sinh trở lại.

Khánh Vinh

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=678
Quay lên trên