Với 6 khu công nghiệp (KCN) xung quanh, trong những năm qua Thành phố mới Bình Dương đã trở thành một điểm đến hấp dẫn của dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước. Đặc biệt, vốn đầu tư nước ngoài (FDI) liên tục chảy mạnh vào các KCN này, tạo nguồn lực quan trọng phục vụ cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.
Các KCN khu vực Thành phố mới Bình Dương thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất của Công ty KYMCO, KCN Đại Đăng. Ảnh: PHƯƠNG LÊ
Thu hút nhiều nhà đầu tư lớn
Ngay từ khi tỉnh Bình Dương đặt những viên gạch đầu tiên để xây dựng thành phố mới, công tác xúc tiến đầu tư, mời gọi nhà đầu tư đến đây làm ăn đã được đẩy nhanh. Với hạ tầng bài bản, chính quyền sở tại liên tục cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư liên tục rót vốn vào các KCN Việt Nam - Singapore (VSIP) II, Sóng Thần II, Đại Đăng... Hàng loạt dự án có quy mô đã được đầu tư vào đây; nhiều nhà đầu tư đã có dự án hoạt động xin điều chỉnh tăng vốn với quy mô lớn.
Đầu tháng 10-2017, nhà máy sản xuất bao bì của Tập đoàn Tetra Pak (Thụy Điển), một đơn vị chuyên cung cấp các giải pháp chế biến và đóng gói thực phẩm hàng đầu thế giới, với quy mô vốn lên đến 110 triệu USD đã được khởi công xây dựng tại KCN VSIP II. Tetra Pak sẽ sản xuất nhiều chủng loại bao bì giấy, công nghệ cao với nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Dự kiến, nhà máy sẽ đi vào hoạt động vào đầu năm 2019. Nhà máy có khả năng mở rộng công suất lên tới 20 tỷ bao bì/năm.
Đại diện Tetra Pak cho biết, giai đoạn đầu của dự án, đơn vị sẽ tập trung sản xuất các loại bao bì cho ngành sữa và nước giải khát ở Việt Nam cũng như khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Việt Nam đang là thị trường đầy tiềm năng của các nhà đầu tư Thụy Điển. Nhà máy sản xuất bao bì mới tại Bình Dương sẽ là một trong những nhà máy đầu tiên ở Việt Nam áp dụng các tiêu chuẩn cao nhất về môi trường và cũng sẽ là nhà máy “xanh” nhất trong hệ thống của Tetra Pak. Nhà máy sẽ có hệ thống giám sát năng lượng và giảm khí thải CO2. Hiện tại, Tetra Pak đang cung cấp sản phẩm cho hơn 170 quốc gia trên toàn thế giới với hơn 24.000 nhân viên làm việc tại đây.
Bên cạnh đó, có thể kể đến hàng loạt dự án có vốn đầu tư lên đến hàng chục triệu USD tại các KCN quanh Thành phố mới Bình Dương như: Kymco Việt Nam, Nhà máy bia Budsweser, Tập đoàn Omron... Không chỉ thu hút thành công các dự án sản xuất công nghiệp, Thành phố mới Bình Dương còn tạo nên sức hấp dẫn cho dòng vốn đầu tư vào các lĩnh vực bất động sản, công nghệ thông tin, giao thông - vận tải... Trong số này, nổi bật nhất có thể kể đến dự án Sora Garden của Công ty Becamex Tokyu với vốn đầu tư lên tới 1,2 tỷ USD. Đây là khu phức hợp chung cư và trung tâm thương mại gồm nhiều dịch vụ theo phong cách Nhật Bản, được xây dựng từ tháng 11-2012. Đại diện Công ty Becamex Tokyu cho biết, Tập đoàn Tokyu đang đầu tư vào nhiều ngành nghề nhưng nổi bật là đầu tư phát triển các khu đô thị tại Nhật Bản và một số quốc gia trên thế giới. Khi đến Việt Nam đầu tư, tập đoàn đã chọn Bình Dương vì nhìn thấy được triển vọng rất lớn của thị trường bất động sản ở đây, cũng như định hướng phát triển Thành phố mới Bình Dương của tỉnh.
Chuẩn bị quỹ đất sạch dồi dào cho nhà đầu tư
Nguồn vốn FDI được triển khai đi vào hoạt động đã góp phần cho tỉnh Bình Dương chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động, nâng cao năng lực sản xuất công nghiệp, mở rộng thị trường, thúc đẩy hội nhập; tạo động lực giúp doanh nghiệp trong nước nâng cao năng lực và khả năng cạnh tranh nhằm thích ứng trong bối cảnh toàn cầu hóa… Bên cạnh tác động về mặt kinh tế, nguồn vốn FDI còn tác động tích cực đến nhiều mặt của xã hội, cải thiện đời sống một bộ phận trong cộng đồng dân cư, góp phần đưa mức GDP đầu người của tỉnh tăng lên hàng năm.
Trong thời gian qua, Bình Dương đã triển khai nhiều giải pháp thu hút đầu tư vào các địa phương trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là Thành phố mới Bình Dương. Việc thu hút FDI mạnh cũng kéo theo sự phát triển đồng bộ của hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; cung ứng ngày càng tốt hơn các dịch vụ để phục vụ tốt nhất cho hoạt động thu hút đầu tư và sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư… Thời gian qua, những giải pháp đồng bộ này đã được Bình Dương thực hiện rất hiệu quả, qua đó góp phần hoàn thiện môi trường đầu tư minh bạch và thông thoáng; đưa Bình Dương trở thành một trong những tỉnh có môi trường đầu tư tốt nhất cả nước.
Việc sớm tạo lực hút đột phá để thu hút nguồn vốn FDI trong những năm qua, có lẽ không thể không nhắc đến việc Bình Dương khởi tạo xây dựng thành phố mới tại các phường mới là Hòa Phú, Phú Tân. Thành phố mới - công trình có ý nghĩa rất quan trọng đối với tiến trình phát triển nhanh, bền vững, công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh, lại được thực hiện bằng phương pháp công - tư kết hợp. Theo đó, Nhà nước chỉ đầu tư một số ít dự án hạ tầng quan trọng, còn lại là doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước, nước ngoài đầu tư, phát triển để hình thành nên thành phố theo hướng văn minh, hiện đại, làm nền tảng góp phần đưa Bình Dương tiến bước vững vàng trên đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Cùng với quá trình đổi thay bộ mặt kinh tế - xã hội của toàn tỉnh, Thành phố mới Bình Dương cũng từng giờ, từng ngày và khoác lên mình sức sống mãnh liệt, trở thành một khu đô thị văn minh, hiện đại, góp phần đưa Thủ Dầu Một trở thành đô thị văn minh, hiện đại. Đây quả là công trình có ý nghĩa rất quan trọng trong tiến trình phát triển của tỉnh; là sự thể hiện, khẳng định tinh thần năng động, sáng tạo, tầm nhìn phát triển đúng đắn, phù hợp với tiến trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, hiện đại hóa của tỉnh Bình Dương.
Nhằm thu hút hơn nữa vốn FDI vào thành phố mới nói riêng, tỉnh Bình Dương nói chung, trong thời gian tới tỉnh tiếp tục xây dựng hệ thống hạ tầng đồng bộ, nhất là các KCN được quy hoạch hoàn thiện; chuẩn bị quỹ đất sạch lớn sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư triển khai dự án. Bình Dương cũng chú trọng đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao, nâng tầm dịch vụ nhằm phục vụ các nhà đầu tư; tập trung cải cách thủ tục hành chính, công khai và minh bạch; đồng thời giải quyết những vướng mắc để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp…
Điểm nhấn KCN VSIP
Vốn đầu tư từ Singapore luôn được Việt Nam đánh giá cao, với quy mô vốn bình quân một dự án của nhà đầu tư Singapore là 22,7 triệu USD, cao hơn mức bình quân chung của một dự án FDI tại Việt Nam là 13,8 triệu USD. Các dự án của nhà đầu tư Singapore tại Việt Nam nói chung và Bình Dương nói riêng hoạt động hiệu quả, đóng góp lớn vào việc tạo công ăn việc làm, tăng kim ngạch xuất khẩu và cải thiện bộ mặt kinh tế - xã hội toàn tỉnh.
Một trong số đó là các dự án của Công ty liên doanh KCN VSIP. Hiện công ty đã xây dựng 7 KCN VSIP tại Bình Dương, Bắc Ninh, Hải Phòng, Quảng Ngãi, Hải Dương, Nghệ An. Trong đó, KCN VSIP I (Bình Dương) được biết đến như một trong những KCN thành công nhất tại Việt Nam, với 238 nhà đầu tư đến từ 25 quốc gia và vùng lãnh thổ đang hoạt động tại đây, thu hút hơn 2,6 tỷ USD, tạo việc làm cho trên 96.000 lao động.
KCN VSIP II được xem là điểm nhấn quan trọng của Thành phố mới Bình Dương, đã thu hút khoảng 58 dự án đầu tư. Nhiều tập đoàn lớn trong lĩnh vực sản xuất bao bì và thực phẩm của Mỹ, Nhật Bản đã hoàn thiện việc xây dựng nhà máy và đi vào hoạt động từ năm 2010 tại đây.
KHÁNH VINH