Thời gian qua, Bình Dương tận dụng và khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của mình để phát triển, nổi bật là thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Huy động tốt các nguồn lực
Hơn 20 năm trước, Bình Dương đã táo bạo thực hiện đồng loạt các đột phá với chiến lược công nghiệp hóa, đưa tỉnh từ một địa phương thuần nông nghèo trở thành một vùng công nghiệp tiêu biểu của cả nước. Năm 1997, tỉnh Bình Dương được tái lập với cơ cấu kinh tế công nghiệp - dịch vụ và nông nghiệp có tỷ lệ tương ứng là 50,45% - 26,8% - 22,8%. Tuy giá trị công nghiệp chiếm 50,45% nhưng lúc bấy giờ giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh chỉ khoảng 4.000 tỷ đồng; công nghiệp chiếm 50,45%, dịch vụ 26,8%, nông nghiệp 22,8%, tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 24%.
Thời điểm đó, trên địa bàn tỉnh có Khu công nghiệp Sóng Thần, Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (KCN VSIP), có 845 doanh nghiệp đầu tư trong nước với vốn đầu tư 8.900 tỷ đồng, 163 dự án vốn nước ngoài với vốn đầu tư 1,253 tỷ USD.
Dây chuyền sản xuất tại Công ty TPR Việt Nam, Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore. Ảnh: PHƯƠNG LÊ
Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng Công ty Becamex IDC, cho biết những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, Bình Dương đột phá đúng vào khâu then chốt, theo đó tập trung cải cách hành chính, mở rộng quốc lộ 13… Nhờ đó, riêng KCN VSIP thu hút hàng tỷ USD vốn đầu tư, tạo việc làm cho ngàn lao động. Đến nay, các KCN VSIP tại Bình Dương đã thu hút hàng trăm dự án đầu tư nước ngoài với số vốn hàng tỷ USD.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, thời gian qua tỉnh đã huy động được nhiều nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước. Đối với đầu tư nước ngoài, đến nay có 64 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào tỉnh với 3.669 dự án (còn hiệu lực), tổng vốn đăng ký trên 34,251 tỷ USD, trong đó đứng đầu là Đài Loan với 844 dự án, vốn đầu tư gần 5,6 tỷ USD, tiếp đến là Nhật Bản với gần 5,4 tỷ USD.
Hướng đến thành phố thông minh
Chỉ tính trong 8 tháng năm 2019, toàn tỉnh đã thu hút 1,942 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, tăng 74% so với cùng kỳ năm trước, vượt 38,7% kế hoạch năm 2019. Trong số này có 146 dự án đầu tư mới với số vốn 808 triệu USD, 104 dự án điều chỉnh vốn với vốn tăng thêm 693 triệu USD, 318 dự án góp vốn với số vốn 448 triệu USD. Đến nay, quy mô bình quân dự án đầu tư nước ngoài mới vào tỉnh là 5,5 triệu USD (cùng kỳ năm trước là 5,2 triệu USD).
Bên cạnh các dự án đăng kýđầu tư mới, đáng chú ýcó khá nhiều dự án đầu tư nước ngoài đăng kýtăng vốn đầu tư, mở rộng diện tích thuê đất để xây dựng nhà máy. Điều đó chứng tỏ các doanh nghiệp này sau một thời gian hoạt động đã lớn mạnh và tin tưởng vào môi trường cũng như triển vọng đầu tư của Bình Dương nói riêng và Việt Nam nói chung.
Năm 2018 đánh dấu cột mốc quan trọng khi tỉnh Bình Dương chính thức gia nhập Hiệp hội Đô thị khoa học - công nghệ thế giới (WTA), tổ chức thành công sự kiện 20 năm thành lập WTA, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á (Horasis)… Hiện Bình Dương là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là trên lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao.
Với định hướng phát triển nền kinh tế có giá trị gia tăng cao, quy hoạch đô thị theo hướng thông minh và tạo nền tảng tiến lên nền kinh tế tri thức, từ năm 2015, tỉnh đã bắt đầu triển khai đề án thành phố thông minh trên cơ sở nghiên cứu mô hình đột phá thành công của các thành phố thông minh trên thế giới. Thời gian qua, đề án Thành phố thông minh Bình Dương đã gặt hái được những kết quả mang tính nền tảng, với quyi mô khác nhau, từ khu vực thành phố mới đến toàn tỉnh.
TIỂU MY